
Tạp Văn – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Tạp Văn của tác giả Ngô Tất Tố
MẤY LỜI NHẮN NHỦ CÁC ÔNG ĐỒ
BÁO CHÍ BẮC KỲ SẼ CỔ ĐỘNG ĐẾN “THÒ LÒ” “QUAY ĐẤT”
Đời vua Thái tổ Thái tôn, ngòi bút lông còn làm chúa tể cõi học đất Việt, thế lực của các ông đồ mạnh lắm kia chứ, ông đồ muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, thiên hạ chẳng ai dám trêu, lúc ấy vô phúc trêu đến ông đồ, thì ôi thôi! Nguy hiểm là nguy hiểm. Các cụ truyền lại:
Một khoa thi cuối đời Tự Đức (trường thi Hương còn ở Hà thành) có con gái của ông bá hộ K. là người giàu nhất thành phố, chỉ nói chua với ông đồ một câu, thế mà đồ nọ rủ đồ kia, trong một lúc kéo đến hàng nghìn, hò nhau phá nhà cụ Bá! Lính phòng thành không dám can thiệp. Cực chẳng đã cụ Bá phải chuồn cửa sau và kêu với quan tổng đốc
. Lập tức quan tổng đốc tự mình đến điều đình, bắt cô con gái cụ Bá K. phải ra trước mặt ông đồ mà tạ tội. Bấy giờ các ông đồ mới tha cho. Kinh không? ông đồ thời ấy chẳng khác gì quân Tam phủ đời Lê, mình nghe chuyện mà dựng tóc gáy! Từ ngày lối học “chi hồ giả giã” đã chuyển sang lối “a, b, c” thế lực ông đồ chẳng còn chút nào, điều đó ai cũng biết, không cần phải nói.
Trò đời, giậu đổ bìm leo, vận hội ông đồ đã suy, thiên hạ hay tìm ông đồ mà kiếm chuyện, bấy giờ ở Hà Nội này, vẫn có kẻ theo chân ông đồ mà xét nét từng tý, ông đồ hở đâu là họ chộp đấy…
Quả có thế thật, trong rừng “nhà hướng đạo cho quốc dân” (!) bây giờ vẫn có thói giả mạo như vậy, thầy đồ thì hay nói đến Nã Phá Luân, Hoa Thịnh Đốn, Lư Thoa, Mạnh Đức, Tư Cưu mà thầy ký thì luôn luôn nhắc đến Khổng tử, Mạnh tử, có khi thầy còn giở cả Trang tử, Lão tử nữa kia. Nhưng mà có ăn thua gì, đụng đâu trật đấy, thầy đồ cũng vậy, thầy ký cũng thế… Vậy xin có lời cảnh cáo mấy ông đồ rằng:
Người ta xét nét các ông là như vậy đó, mà nay về sau, cái gì không biết thì xin các ông chớ nói, nhất là về môn học Phơ lăng xe! Vả chăng các ông không biết môn học này, cũng chưa chắc đã là dốt bởi vì cụ Khổng nhà ta đã dạy “biết đấy là biết đấy, chẳng biết là chẳng biết ấy biết vậy” kia mà.
HỠI ĐỒNG BÀO VIỆT NAM
CHÚNG TA NÊN VẼ MÌNH CHO CON CÁI CHÚNG TA
Dẫu rằng cuộc đời mỗi ngày một mới, mà ở xã hội “con rồng cháu tiên” thiếu chi người ưa những lối xưa.
Cái phong trào “bảo tồn quốc túy” đã im đi một độ, độ này xem chừng lại thấy rục rịch nổi lên: tờ báo nọ hô hào bạn gái cứ giữ gìn cái sinh hoạt ở cửa buồng xó bếp, tờ báo kia cổ động dân quê nên duá trì cái thói tục ở góc điếm, sân đình, lại một cuốn tạp chí nọ hàng tuần đem những cặn bã ở cửa Khổng, sân Trình mà nhồi mãi vào óc độc giả!
Tuy rằng người ta chưa cho mình nghe những tiếng la “bảo tồn quốc túy”, nhưng kỳ thực cái không khí bảo tồn quốc túy vẫn tích tụ ở giải đất từ núi Ngôi đến bến Nhị mà lan tràn ra khắp nơi. Phải, bảo tồn là phải!
Những món đó đều là những tinh hoa trong văn minh An Nam, chẳng bảo tồn, lỡ ra mà nó tiêu diệt đi thì dân tộc An nam sinh tồn sao được. Phải, bảo tồn là phải! Có khuyến khích được nhiều người bảo tồn những món đó mới xứng đáng là cơ quan độc nhất của phụ nữ, mới xứng đáng là hướng đạo cho quốc dân, mới xứng đáng là hướng tiền phong trong đội quân tiến thủ (!)
Nhưng có điều đáng tiếc là những cái quốc túy mà mấy tờ báo chí đang hô hào bảo tồn đó mới là những cái, những món quốc túy về đời trung cổ mà thôi – tục ngôi thứ trong đình, mới đặt ra từ Trần Thủ Độ, món cặn bã của đạo Chu Khổng, cũng mới tải vào từ khi Sĩ Nhiếp làm thứ sử, còn cái lý thuyết nam ngoại, nữ nội tuy không biết xuất hiện từ đời nào, nhưng “cổ” lắm đi nữa chẳng qua cũng mới từ khi đời Sĩ Nhiếp là cùng, vì nó cũng là một thứ “hàng Tàu” nhập cảng
– Đã bảo tồn thì bảo tồn hẳn những món quốc túy thượng cổ kia có được không? Tội gì mà bảo tồn những món quốc túy trung cổ ấy? Xét trong quốc sử, cái tục “vẽ mình” là cái văn minh rất cổ của dân tộc An Nam, vì nó xuất hiện từ đời vua Hùng kia.
Đời đó dân tộc ta còn sống về nghề mò tôm bắt cá, nhiều người xuống nước bị thuồng luồng ăn thịt, các cụ ta mới phát minh ra kiểu vẽ mình đó, nghĩa là đẻ con ra thì dùng chàm mà vẽ vào mình nó những con rồng, con rắn, con ba ba v.v… để cho nó lúc lớn lên khi nào xuống nước, các giống dưới nước sợ mà phải tránh.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.