Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Đường Mây Trên Cõi Mộng của tác giả Phong Nguyên

PHẦN MỘT. CUỘC ĐỜI CỦA ĐẠI SƯ HÁM SƠN

HỒI THỨ NHẤT: XUẤT THẾ

Đại sư Hám Sơn sinh ngày mười hai tháng Mười âm lịch, thuộc thời Minh Thế Tông, niên hiệu Gia Tĩnh năm thứ hai mươi lăm (nhằm ngày năm tháng Mười Một năm 1546, Tây lịch). Ngài được sinh ra tại huyện Toàn Tiêu, thuộc Châu Phủ Chúc Trừ, cách Nam Kinh khoảng ba mươi dặm về phía Tây (hiện nay thuộc tỉnh An Huy). Cha ngài tên là Thái Ngạn Cao. Mẹ ngài họ Hồng. Gia đình thuộc hàng sĩ thứ. Mẹ ngài là một Phật tử thuần thành, thường đến chùa dâng hương lễ bái cầu nguyện Đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Một đêm nọ, bà nằm mộng thấy Đức Bồ Tát dẫn một đứa bé trai đến nhà. Thấy đứa bé kháu khỉnh dễ thương, bà liền đưa tay ôm nó vào lòng. Tỉnh dậy, bà liền thọ thai. Khi sinh ra, thân ngài được bao bọc bởi một màng trắng như lụa.

Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ ngài thường ẵm ngài đến chùa lễ bái. Bà cũng bỏ tiền ra đắp tô tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, cũng như bố thí rất nhiều tiền bạc cho những người nghèo trong vùng. Lòng tín thành Phật pháp của bà đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất gia tu học của ngài sau này.

Vào ngày ngài vừa đầy năm, khách đến nhà chúc mừng tấp nập, nhưng chẳng may hôm đó tự nhiên ngài bị cảm nhiệt, thân thể nóng ran, hơi thở thoi thóp. Các thầy thuốc trong vùng được mời đến cứu chữa, nhưng ai cũng đều thúc thủ bó tay.

Thấy sinh mạng của con đã hết phương cứu chữa, sống chết chỉ còn trong lằn tơ kẽ tóc, nên mẹ ngài quyết định bồng con đến chùa Trường Thọ, cầu xin Đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu giúp cho. Bà khấn nguyện rằng nếu ngài thoát chết, bà sẽ cho ngài quy y Tam Bảo, xuất gia làm tăng sĩ. Lạ lùng thay, sau khi cầu nguyện xong thì bệnh tình của ngài bỗng từ từ thuyên giảm, rồi khỏi hẳn. Từ đó, mẹ ngài càng tin tưởng vào sự gia trì của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngày nào bà cũng ẵm con đến chùa, chân thành lễ bái, xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

Ngay từ nhỏ, ngài đã thích ngồi yên lặng trầm tư một mình, chứ ít khi chơi đùa cùng những đứa trẻ đồng lứa nên ông nội ngài thường gọi đùa cháu là “thằng Cột Gỗ”. Tuy nhỏ, nhưng ngài đã có những ý nghĩ lạ lùng về sự khổ đau, vui buồn, hợp tan của nhân sinh thế thái và thường đặt ra những câu hỏi mà người trong gia đình không ai có thể trả lời.

Năm ngài lên bảy tuổi, một hôm từ trường về nhà, ngài thấy người chú ruột nằm chết trên giường, gia đình đang khóc lóc xung quanh, nên ngạc nhiên hỏi:

– Mẹ ơi, chú bị làm sao vậy?
Mẹ ngài không biết giải thích thế nào cho đứa con nhỏ nên nói quanh:

– Chú con đang ngủ mê đó, chốc nữa sẽ dậy.
Ngài cảm thấy có điều gì lạ lùng nên đến bên cạnh chú, cố đánh thức ông ta dậy nhưng vô hiệu. Lúc đó, cô của ngài đau lòng bật lên khóc nức nở:

– Trời ơi! Ông nỡ lòng nào lại bỏ tôi mà đi như vậy.
Nghe thế, ngài hoài nghi và hỏi mẹ:

– Thưa mẹ, thân chú nằm đây nhưng chú lại đi đâu?
Bà mẹ đành thở dài đáp:

– Chú con đã chết rồi!
Ngài lấy làm lạ nên hỏi tiếp:

– Thưa mẹ! Chết là thế nào và chú chết rồi thì sẽ đi về đâu?
Mẹ ngài chẳng biết phải trả lời như thế nào nên im lặng.

Ngài khởi tâm nghi hoặc, nên cứ suy nghĩ mãi về việc này.
Ít lâu sau, ngài theo mẹ đến thăm bà dì thứ hai vì bà ta vừa sinh một đứa con. Thấy đứa bé đỏ hỏn nằm trên giường, ngài hỏi mẹ:

– Thưa mẹ! Em bé này ở đâu mà đến?
Mẹ ngài trả lời:

– Ở trong bụng dì của con chứ ở đâu.
Ngài thắc mắc:

– Làm sao em bé này lại chui vào bụng của dì được?
Mẹ ngài bèn vỗ đầu ngài, bảo:

– Thằng ngốc! Ngày trước con cũng chui từ bụng mẹ ra chứ ở đâu?
Nghe thế, ngài lại khởi tâm nghi hoặc và cứ suy nghĩ mãi về việc con người từ đâu sinh ra và khi chết thì đi về đâu.

Năm 1553, đời Gia Tĩnh thứ ba mươi hai, ngài lên bảy tuổi. Vì sức khỏe yếu, thường ốm đau bệnh hoạn nên ngài được cả gia đình hết sức nuông chiều, do đó ngài sinh tật lười biếng. Tuy đã được gửi đi học ở trường làng, nhưng mỗi tháng ngài thường trốn học nghỉ ở nhà cả nửa tháng. Thấy việc dạy bảo không nghiêm dẫn đến chuyện học hành bê tha của con nên mẹ ngài bàn với cha ngài cho gởi con đi học tại trường ở làng bên, cách nhà một con sông.

Vì con sông ngăn cách, việc đi lại khó khăn, nên ngài phải trú tại nhà người bà con bên ngoại, mỗi tháng chỉ được về thăm nhà một lần. Thật ra vì thương con, muốn tập cho con tính độc lập, tự biết lo học hành, nên mẹ ngài mới cắn răng gởi con đi học xa như vậy.

Lúc ấy, vì vẫn là trẻ con, cuộc sống xa nhà như vậy là một khó khăn lớn, nên ngài chỉ muốn trở về nhà. Một hôm, nhân lúc về thăm nhà, ngài không muốn trở lại trường nữa nên nài nỉ mẹ cho phép ở lại nhà thêm vài ngày. Bình thường, mẹ ngài rất thương con nhưng lần này vì ngài không muốn đi học nên bà tỏ thái độ, xách roi đánh đuổi ngài ra tận bờ sông. Đến nơi, thấy ngài không chịu lên thuyền, bà nổi giận nắm đầu ngài xô xuống sông rồi bỏ về nhà mà không thèm quay đầu lại. Thấy vậy, bà ngoại ngài liền dẫn ngài về nhà xin lỗi mẹ. Vừa thấy ngài, mẹ ngài liền mắng:

– Đồ lười biếng cứng đầu, không chịu qua sông đi học, trở về nhà làm chi?
Nói xong, bà lại lấy chổi đánh đuổi ngài thể như không còn chút tình lưu luyến gì nữa. Ngài vừa khóc vừa chạy tránh roi của mẹ. Mẹ ngài vừa đánh vừa mắng:

– Mày là con trai mà động một chút đã khóc thì sau này làm sao mà khá cho được?
Lúc đó, ngài thấy mẹ mình quá nghiêm khắc nên không còn dám nghĩ đến việc bỏ học về nhà nữa mà đành lên đò qua sông đi học. Sau khi ngài qua sông, mẹ ngài mới khóc sướt mướt. Bà ngoại ngài thấy thế ngạc nhiên, bèn hỏi:

– Tại sao lúc thằng bé trở về nhà chơi thì con lại vừa đánh vừa chửi mắng nó, muốn nó phải đi. Nay nó đã đi rồi, sao còn khóc lóc gì nữa?
Mẹ ngài bèn thưa:

– Thưa mẹ, có người mẹ nào mà lại không thương con mình, nhưng chỉ vì muốn nó cắt đứt tình cảm luyến ái gia đình để chăm chỉ học hành, nên bất đắc dĩ con mới phải làm như vậy. Nó là con trai, phải lo học hành để trở thành người hữu dụng sau này, chứ đâu thể lười biếng ở nhà với cha mẹ mãi được. Xưa nay, bao thiếu nhi hư hỏng cũng chỉ vì sự nhu nhược của người trong gia đình, nên con đành phải đối xử với nó như vậy, mong rằng tương lai nó sẽ khá.
Từ khi rời nhà sống ở nhà người bà con để đi học, ngài dần dần trở thành học trò xuất sắc. Thời đó, các trường học thường do vài ông đồ già trông nom, dạy dỗ học trò các kiến thức căn bản như đọc và viết thôi. Muốn mở mang kiến thức, học trò phải đến chùa học hỏi thêm, vì chỉ nơi đó mới có các vị tăng học vấn thâm sâu dạy dỗ. Hôm đó, ngài theo chúng bạn đến chùa học hỏi và nghe được tiếng tụng kinh của chư tăng:

“… Phật bảo Vô Tận Ý: Này thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị bao khổ não, được nghe danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm mà nhất tâm xưng danh hiệu của Bồ Tát. Bồ Tát Quán Thế Âm tức thời quán sát những âm thanh đó, thì những chúng sanh kia đều được giải thoát khổ não. Người thường trì tụng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nếu gặp nạn lửa lớn, lửa chẳng đốt cháy được, vì do oai thần lực của Bồ Tát. Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Bồ Tát, liền được đến chỗ cạn…”.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x