
Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Hùng Vỹ – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Hùng Vỹ của tác giả Brian Eyler
1. VŨ BĂNG: THIÊN ĐƯỜNG, HẠ GIỚI CUỐI CÙNG
Thôn Vũ Băng của người Tây Tạng nằm khuất ở lưng chừng dốc lên ngọn núi thiêng Kawagarbo (Tạp Ngõa Cách Bác) tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách biên giới Tây Tạng chỉ vài kilomét. Năm mươi năm trước, đi từ thị trấn lớn nào gần đó lên Vũ Băng đều phải mất hằng tháng trời cưỡi ngựa. Cách đây hai mươi năm, cách duy nhất để đến được đầu con đường mòn lên Vũ Băng là tự buộc mình và ngựa vào sợi dây giăng ngang sông Mekong và dùng ròng rọc vượt qua hẻm núi sang bên kia sông. Thậm chí ngày nay, đến được Vũ Băng cũng mất hai ngày đường từ Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, cách đó 500km. Hiện nay đã có cầu để xe chạy sang bờ bên kia của dòng Mekong.
Truyền thuyết địa phương kể Vũ Băng được “phát hiện” bởi các thương nhân buôn bán đường dài dẫn ngựa thồ hàng đi dọc sông Mekong tìm thức ăn. Ở rìa sông, một người đàn ông từ rừng đi ra mời các thương nhân mua lúa mạch. Ở đoạn hẻm núi này, các thương nhân không hay biết có người ở, vì thế người đàn ông của rừng núi kia khiến họ bất ngờ. Khi họ hỏi người đàn ông từ đâu đến, anh ta liền lần vào núi không một câu trả lời. Lần kế tiếp các thương nhân lại đến hẻm núi, họ gặp một người đàn ông khác cạnh bờ sông mời mua lúa mạch. Lần này họ quyết tìm ra nơi trồng lúa mạch. Người bán lúa mạch hoàn toàn không biết các thương nhân đã chọc một lỗ trên bao lúa của anh rồi lần theo vết lúa mạch rơi vãi trên núi. Cuối đường mòn, trong một thung lũng chưa từng biết đến được những đỉnh đầy tuyết của núi Kawagarbo bao quanh ba mặt, họ tìm thấy ngôi làng Vũ Băng nhỏ bé. Câu chuyện kết thúc với việc đưa ra lý do dân làng Vũ Băng ít biết về thế giới bên ngoài vì rừng và suối xung quanh cung cấp dồi dào tài nguyên và ngọn núi thiêng liêng bảo vệ sinh kế của họ. Trong thung lũng ẩn khuất này có sẵn tất cả những gì họ cần. Vũ Băng, như nhiều ngôi làng hẻo lánh quanh nó, chắc đã truyền cảm hứng cho James Hilton tô vẽ thiên đường hạ giới trong cuốn tiểu thuyết năm 1933 The Lost Horizon (Chân trời đã mất)[6] của ông.
Ngay cả ngày nay, người dân Vũ Băng vẫn thích tách biệt thung lũng ẩn khuất này khỏi thế giới ngoài kia. Tuy nhiên, Vũ Băng giờ cũng là một địa điểm du lịch đang phát triển nhanh dành cho du khách Trung Quốc và nước ngoài muốn trải nghiệm vài ngày ở nơi hẻo lánh xa khỏi những thị trấn du lịch đông nghịt của tỉnh Vân Nam. Sự xa cách và các điểm hành hương thiêng liêng của Vũ Băng thu hút hàng ngàn người mỗi năm. Nhiều người đến đây vì họ không tin được trên đời có một nơi như Vũ Băng, vẫn chưa có đường cho xe chạy vào làng. Khách không còn phải lần theo dấu lúa mạch đi vào Vũ Băng, nhưng để vào được làng cần phải đi bộ theo con đường dốc 9km từ rìa sông Mekong qua một trong những rặng núi thấp của dãy Kawagarbo, chẳng dễ chút nào cho dân thành phố miền xuôi muốn tìm đến thiên đường hạ giới.
Khi bắt đầu hành trình lên Vũ Băng vào một sáng tháng 6 năm 2015, tôi đi cùng khoảng 30 du khách Trung Quốc mặc đồ dã ngoại thời thượng lòe loẹt. Các du khách này gây ấn tượng là nếu không ăn mặc đúng điệu thì đừng đi, và tăng trưởng kinh tế cao ở Trung Quốc những năm gần đây đã giúp ích cho việc mua sắm những bộ cánh dã ngoại đắt tiền. Vài người không leo núi nổi đã ngồi sẵn trên những con la được người Tây Tạng ở đây dắt qua triền núi đi đến Vũ Băng. Ngoài du khách còn có các gia đình Tây Tạng mặc áo choàng len sửa soạn cho chuyến đi lên Vũ Băng theo đường mòn. Họ tụng thần chú Phật giáo Tây Tạng khi quay kinh luân cầm tay. Nhờ họ tôi biết được có một thác nước linh thiêng nằm đâu đó trên dãy núi phía sau Vũ Băng, một điểm dừng chân khi thực hiện nghi lễ kora, cuộc đi vòng quanh ngọn núi Kawagarbo của Phật tử hành hương. Vì núi Kawagarbo được xem là một trong những ngọn núi linh thiêng nhất của Phật giáo Tây Tạng, về mặt tâm linh người ở đây xếp núi này cao hơn núi Everest nhiều, Phật tử hành hương sùng kính thực hiện nghi lễ kora đi quanh núi Kawagarbo. Những người khỏe mạnh từ khắp nơi trong thế giới Tây Tạng đến đây để thực hiện nghi lễ này.
Để đi hết một vòng 240km mất trung bình từ 2 đến 3 tuần, dọc đường khách hành hương nghỉ lại ở các nhà nghỉ có phòng và thức ăn khá đơn giản. Trong những năm gần đây, khi Phật giáo Tây Tạng có thêm nhiều tín đồ người Hán, ngày càng có nhiều tín đồ mới muốn thực hiện hành trình gian khổ đi quanh ngọn núi. Quả thực một số người Trung Quốc, có cả vài người châu Âu và người Mỹ tôi gặp trên đường đến Vũ Băng, đang cố hoàn tất trọn vẹn hành trình tâm linh này. Nhiều người hành hương sớm nhận ra việc thực hiện nghi lễ kora đi quanh núi năm 2015 tốt lành hơn, vì đó là năm tuổi của ngọn núi này, cứ 12 năm lại đến theo lịch can chi Tây Tạng. Trong thế giới Tây Tạng, tất cả các vật thể vô tri, như núi, cây và hồ, đều có thần linh, tất cả đều phải được thành kính thờ phụng. Núi Kawagarbo là nơi ở thiêng liêng của vị thần chiến binh Tây Tạng cùng tên. Vị thần núi này che chở những người thờ phụng khỏi bệnh tật, bất hạnh, và các tai ương khác. Khách hành hương đi bộ quanh núi sẽ được công đức. Người xúc phạm ngọn núi và tục lệ của nó sẽ bị trừng phạt.
Cao 6.800 mét, đỉnh cao nhất của núi Kawagarbo thấp hơn nhiều so với đỉnh cao nhất trong dãy núi Himalayaa Tây Tạng. Thực ra, nó còn không nằm trong số 100 đỉnh núi cao nhất thế giới, nhưng 6 đỉnh phủ tuyết vĩnh cửu của nó là những đỉnh núi ấn tượng nhất và từ lâu đã hấp dẫn những người dam mê dã ngoại và leo núi. Đầu năm 1991, một nhóm gồm 11 người leo núi Nhật Bản của Đại học Kyoto và 6 người leo núi Trung Quốc đã cố trở thành những người đầu tiên thành công lên đến đỉnh cao nhất của núi Kawagarbo. Bất chấp sự phản đối của các cộng đồng Tây Tạng ở đây cho rằng việc cố chinh phục ngọn núi là hành vi bất kính và không tôn trọng tín ngưỡng địa phương, nhóm leo núi đã quyết thực hiện chuyến đi và không một ai trở về. Vì không bao giờ tìm thấy thi thể của họ, người ta ít biết được chuyện gì đã xảy ra với 17 người này, nhưng dân địa phương tin rằng một trận tuyết lở kỳ lạ đã chôn vùi cả nhóm khi họ từ đỉnh đi xuống vào ngày 3 tháng 1 năm 1991. Kể từ thảm họa đó, một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử leo núi, không có ai leo lên 6 đỉnh chính của núi này nữa, và vào năm 2001, chính quyền địa phương viện lý do tôn giáo và văn hóa đã cấm triệt việc leo lên các ngọn núi này[7].
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.