Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Đầu Bến Mây Đưa của tác giả Thùy An mời bạn đọc thưởng thức.

Chương 2

Sáng nay giờ toán, tôi đi học trễ , không dám vô lớp, cứ đứng thập thò bên ngưỡng cửa , len lén nhìn vào. Bàn thầy giáo để trống, trên bảng đen chưa có một chữ , chắc là thầy mới vào và đang đứng ở cuối lớp như thói quen mỗi lần bắt đầu một chương học mới . Chợt thấy Hưng, trưởng lớp, tay cầm tờ giấy bước lên bảng, tay kia cầm viên phấn, tôi tiến đến gần chút nữa. Nhỏ Xuân ngồi ở đầu bàn đã nhìn thấy tôi, nó ra dấu cho Hưng, anh chạy ra :

– Kìa Quỳnh Hương , vào lớp đi.

Tôi rùn vai :

– Sợ thầy la.

– Không có thầy mô, thầy bận, Hưng quản lý lớp, Hương vô đi, răng đi trễ rứa ?

– Xe hư bất tử, trật sên hoài.

Tôi ngồi vào chỗ, chưa kịp thở , nhỏ Xuân đã quay xuống :

– Lấy giấy ra làm bài kiểm tra tề.

– Kiểm tra chi ?

Tiếng bút viết soàn soạt trên giấy. Tôi nhìn lên bảng, Hưng đang chép một đề toán hình học : “Trong một hình nón mà đường cao h làm với đường sinh một góc 60 độ, người ta dựng…” Chết chưa, phần nầy giáo khoa tôi không hiểu rõ lắm, hôm học nhóm tôi lại nghỉ. Hơn một giờ trôi qua, thần kinh căng thẳng, tôi chỉ làm được có mỗi câu hỏi đầu tiên. Bài toán quá khó, chắc gì ai làm được hoàn toàn, tôi tự an ủi mình khi nhìn chung quanh phần đông các bạn đều . . . đang cắn bút (tội nghiệp những cây bút nhỏ xinh xinh).

Minh Ngọc ngồi cạnh kéo tay tôi :

Hương , ngó Hưng tề.

Tôi cũng quay ra sau cùng nó, Minh Ngọc thì thầm :

– Đó, anh chàng đang làm bài thao thao bất tuyệt.

– Kệ người ta, con ni vô duyên.

Ngọc lại giật áo tôi :

– Mi kêu Hưng chuyền bài cho tụi mình đi.

– Mi giỏi thì kêu đi, tau không kêu, dị lắm.

Nói vậy cho Minh Ngọc đừng ồn ào nữa chứ tôi biết tính Hưng, anh sẵn sàng giảng bài cả chục lần để chúng tôi hiểu , chứ không đời nào chấp nhận cho chúng tôi học vẹt và chép lại bài của người khác như cái máy, nhất là đối với tôi , vì tôi là bạn gái thân nhất của Hưng và ngược lại, Hưng cũng thế .

Hưng lớn hơn tôi một tuổi , vì gia đình anh có đi kinh tế mới nên anh bị trễ học một năm. Nghe Hưng kể, ba anh là Đại Uý chế độ cũ, sau giải phóng phải đi học tập cải tạo, mẹ anh muốn cho ba anh chóng về nên đăng ký gia đình đi kinh tế mới. Sau cực quá chịu không nổi, mẹ anh đem gia đình trở về Huế và sống trong sự bảo bọc của hai bên nội ngoại.

Bây giờ thì ba Hưng đã về, làm việc cho một xí nghiệp gỗ , mẹ Hưng cũng được đi dạy trở lại, cuộc sống gia đình anh đã ổn định từ mấy năm nay . Hưng và tôi thân nhau từ năm lớp chín đến bây giờ đã hơn ba năm.

Lúc nào cũng vậy, chúng tôi luôn luôn cùng một nhóm học tổ và Hưng là ngưi thường xuyên hướng dẫn chúng tôi các môn Toán, Lý , Hóa và Văn nữa . Hưng đúng là một học sinh giỏi toàn diện nhưng không vì thế mà anh tự cao. Trái lại, tình hòa nhã và chân thành luôn giúp Hưng chiếm được lòng tin cậy quí mến của các thầy cô cũng như hầu hết bạn bè trong lớp. Nhiều lúc, tôi cảm thấy hãnh diện “lây” với Hưng.

. . .Chuông reo báo giờ chơi , bài tôi chỉ viết có hơn trang giấy , Thanh Xuân quay xuống :

– Làm bài được không Hương ? Toán khó vô hậu, tau để giấy trắng , thôi đừng thèm nộp nữa.

Hưng đi về phía bàn thầy :

– Các bạn nộp bài đi.

Cả lớp nhao nhao :

– Thôi Hưng ơi, đừng nộp bài nữa, tụi nầy không muốn ăn trứng vịt mô.

Hưng cầm cây thước đập nhẹ trên bàn giữ trật tự, anh từ tốn nói :

– Các bạn cứ yên tâm đi , thầy cho chúng ta làm bài là để đừng làm ồn các lớp bên cạnh thôi , chắc kỳ nầy thầy không lấy điểm mô.

– Thiệt không đó, thiệt không đó ?

Hưng cười, đôi mắt sáng trưng :

– Các bạn cứ nộp bài đi , nếu có nhiều trứng vịt quá tôi sẽ xin thầy cho kiểm tra lại , đừng lo.

Những tờ giấy trắng bay tới tấp đến tay Hưng, cả bọn ùa nhau ra sân chơi.

Khuôn viên trường chan hòa ánh nắng. Chúng tôi ba đứa nắm tay nhau đi thơ thẩn dưới hàng phượng vĩ, những cánh lá xanh nhỏ li ti rơi nhẹ đậu lên tóc lên vai.

– Mau ghê hí, mới đó mà đã hết hè.

– Sắp thi học kỳ một rồi, thi xong là nghỉ tết đó , vui ghê.

Minh Ngọc kéo tay Thanh Xuân nói nhỏ :

– Ủa, răng mặt con Quỳnh Hương rầu đời rứa ?

Rồi chúng nhìn tôi :

– Răng mi buồn rứa Hương ?

– Khi hồi tau làm bài không được chi hết.

– Tau cũng thua chi mi.

– Thôi đừng lo nữa, kỳ nầy thầy không lấy điểm mô.

– Ai nói với mi ?

– Thì cứ hy vọng rứa, thời buổi ni người ta sống bằng hy vọng mà . Mi không thấy à, toàn quốc thiên hạ thi nhau phát hành vé số, ngày mô cũng xổ, ngày mô cũng có người nhảy nhót sung sướng và cũng có người nhảy xuống sông mát mẻ.

– Thôi tụi mình xuống căn tin ăn chè đi.

Chuông đã điểm giờ vào học, học sinh chuẩn bị xếp hàng. Đầu năm học nầy, chúng tôi được làm quen với chiếc áo dài trắng truyền thống, không biết nên nói “được” hay là “bị” vì sự thay đổi nầy là cả một vấn đề.

Đối với các bạn gia đình khá giả thì không nói làm gì, nhưng trong lớp tôi, phần lớn là con nhà lao động , sắm được một cái áo sơ mi trắng đi học đã khó khăn , huống hồ phải may cho con gái mình cả bộ quần áo dài mà chỉ riêng tiền công may cũng đã hơn tiền một cái áo sơ mi.

Gia đình tôi cũng không thoát khỏi cảnh đó, nghĩ mà thương khi nghe mẹ nói với ba : “May mà chỉ có mỗi con Ti đi học, nếu có con Quí nữa thì không biết tính sao!”

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x