Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Quyền Lực của tác giả Bertrand Russell mời bạn thưởng thức.

Chương II. NGƯỜI LÃNH TỤ VÀ KẺ TUÂN HÀNH

Sự thôi thúc của quyền lực hiển nhiên nơi những lãnh tụ và những ẩn tàng nơi những kẻ tuân hành. Người ta theo một lãnh tụ là để chiếm quyền cho phe nhóm mình và để chia sẻ các chiến thắng của lãnh tụ mình. Số đông người cảm thấy thiếu khả năng lãnh đạo kẻ khác nên mới tìm tới một lãnh tụ xem ra có đủ đảm lược đem lại chiến thắng. Ngay trong tôn giáo cũng vậy. Nietszche[6]kết án Thiên chúa giáo rao giảng một nền luân lý nô lệ, những người nô lệ này cũng tìm tới chiến thắng cuối cùng. “Phúc thay cho những kẻ vâng lời vì trái đất sẽ là của họ”. Hay một bản thánh ca nổi tiếng đã minh thị:

Xông pha thời chinh chiến

Tìm kiếm ánh quang vinh

Dưới lá cờ hoen máu

Quyết một lòng tiến lên

Ta hãy quên thống khổ

Và nén tiếng thở dài

Đưa thập giá lên vai

Vui trên đường phụng sự.

Nếu là một thứ nô lệ thì ta phải coi người lính nghề đã từng chịu đựng gian khổ nơi chiến trường và các chính trị gia “cầm cờ” làm việc cực nhọc trong mùa tranh cử là những kẻ nô lệ. Nhưng về phương diện tâm lý kẻ tuân hành không là nô lệ hơn người lãnh tụ trong bất kỳ một cuộc hợp tác thành thật nào.

Chính điều này khiến cho các bất bình đẳng về quyền lực phải có trong một tổ chức vẫn tồn tại được và có khuynh hướng gia tăng hơn là giảm đi khi xã hội trở nên ngày càng phức tạp.

Chúng ta thấy việc phân phối quyền lực không đều luôn luôn tồn tại trong các cộng đồng nhân loại. Đó là do nhu cầu ngoại tại một phần và cũng vì những căn nguyên nằm sẵn trong nhân tính. Ta chỉ có thể thực hiện được phần lớn các công tác tập thể nếu có một ban quản đốc điều hành công việc, nếu xe lửa chạy điều hòa thì thời biểu không thể cho các tài xế đầu máy quyết định; nếu ta muốn xây một căn nhà hẳn phải có người quyết định chọn đồ án; nếu muốn đắp một con đường ta phải xác nhận lộ trình trước đã.

Một chính phủ có bầu cử đàng hoàng vẫn là một chính phủ. Do đó phải có kẻ chỉ huy và những người tuân hành nếu các công tác tập thể muốn thành tựu vì những lý do không liên hệ chi tới tâm lý học cả. Nhưng khi giải thích ta phải dùng tâm lý học và sinh lý học cá nhân. Một số người có những đức tính khiến họ luôn luôn ở vào cương vị chỉ huy trong khi những kẻ khác phải vâng lời; giữa hai thái cực này là khối đông đảo quần chúng thích chỉ huy trong vài trường hợp nhưng lại muốn phục tùng trong những trường hợp khác.

Trong cuốn Tìm Hiểu Nhân Tính (Understanding Human Nature), Adler phân biệt mẫu người phục tùng và mẫu người hiên ngang. Ông viết: “Kẻ phục tùng sống theo lề lối và luật lệ của kẻ khác, và hầu như bị thôi thúc tìm tới một địa vị tuân hành. Trái lại kẻ hiên ngang luôn luôn tự hỏi phải làm thế nào để hơn người khác.”Mẫu người hiên ngang chỉ có thể giữ những chức vụ quan trọng và leo tới tột đỉnh trong các cuộc biến động. Theo Adler cả hai mẫu người này đều xấu (ít nhất là ở những hình thức cực đoan) và đều là sản phẩm của giáo dục. Bất lợi lớn nhất của một nền giáo dục độc đoán là đào tạo cả mẫu người nô lệ lẫn độc tài vì theo nền giáo dục này chỉ có kẻ ra lệnh và kẻ tuân lệnh hợp tác với nhau được.

Lòng yêu thích quyền lực dưới nhiều hình thức gần như phổ quát, nhưng hình thức tuyệt đối của nó rất hiếm. Một người đàn bà thích ăn hiếp chồng con chưa chắc đã muốn ra làm việc nước; trái lại Abraham Lincoln không ngán cai trị Hiệp chủng quốc lại rất sợ cảnh lục đục gia đình. Nếu chiếc Bellerophon bị đắm có lẽ Napoleon đã ngoan ngoãn tuân lệnh các viên sĩ quan người Anh thoát lên thuyền cấp cứu. Con người ưa thích quyền lực chừng nào có đủ tự tin, nếu không họ thích theo một lãnh tụ cho chắc ăn hơn.

Khuynh hướng phục tùng cũng còn bắt nguồn từ nỗi sợ hãi. Trong trường hợp nguy cấp như trong một trận hỏa tai đám trẻ còn ngỗ nghịch nhất sẵn sàng nghe theo một người lớn đủ uy quyền, khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, những phụ nữ thuộc phong trào Pankhurst[7]làm hòa với thủ tướng Lloyd George[8]. Mỗi khi có nguy cơ thật sự, phần đông sẵn sàng đặt mình dưới sự che chở và sử dụng của nhà cầm quyền; những lúc này ít ai mơ tưởng tới cách mạng. Nếu chiến tranh bùng nổ, chính phủ sẽ lên chân vì dân chúng tự nhiên bớt cứng đầu cứng cổ hơn thường lệ.

Chỉ có một số ít tổ chức được đặt ra là nhằm vào việc đối phó với những nỗi nguy hiểm. Một tổ chức kinh tế như nghiệp đoàn công nhân mỏ than có thể gặp nguy hiểm, nhưng chỉ khi có tai nạn mà thôi.

Nếu loại trừ được các nguy hiểm, các tổ chức kinh tế sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Nói chung đối phó với những nguy hiểm không hề là mục đích chính yếu của các tổ chức kinh tế hay những cơ quan công quyền đặc trách nội vụ. Nhưng chắc chắn người ta đóng thuyền cấp cứu, tổ chức đội nón đồng cứu hỏa, lục quân và hải quân để đương đầu với nguy hiểm. Điều này cũng đúng nơi các đoàn thể tôn giáo, vì chúng tồn tại phần nào nhằm giải tỏa những lo âu siêu hình ẩn sâu nơi bản tính chúng ta. Ai nghi ngờ xin đọc lại bản thánh ca sau đây:

Hỡi tảng đá thiên thu

Hãy cho ta trú ngụ

Hay:

Chúa Jêsu yêu mến

Xin đón con vào lòng

Mặc biển đời bão tố

Và gió gào sóng dâng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x