
Tuấn Chàng Trai Đất Việt – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Tuấn Chàng Trai Đất Việt của tác giả Nguyễn Vỹ mời bạn đọc thưởng thức.
Chương 2
Cả khu phố Cửa Bắc, và cả làng Chánh Lộ, ở ngay tỉnh lỵ, không ai ngờ cậu Bốn Thanh học trò chữ Nho của ông Tú Phong, bây giờ lại cắp vở đến trường Nhà Nước học chữ Tây. Ai hỏi: tại sao? Thì cậu trả lời: Tại Nhà Nước Đại Pháp bắt buộc, không đi học thì bị tù.
Nhưng không đúng thế đâu. Trước đây, trong tỉnh ai cũng biết rằng cậu học chữ Quốc Ngữ (học lén) là tại cô Ba Hợi. Nhưng bây giờ không ai biết rằng cậu đi học chữ Tây – học công khai, làm “lắc léo mê dòng lô” cũng là tại cô Ba Hợi.
Cho cuộc tình duyên âm thầm lén lút của nàng và chàng đã khắn khít bởi một lời thề . “Thệ Hải Minh Sơn” ở bụi tre “thổi kèn”, cách Cửa Bắc ba trăm thước, không biết từ hồi nào. Nhưng có điều chắc chắn, là cô Ba Hợi, 16 tuổi, con gái ông Bá Hộ, một nhà giàu nhất ở Phố Cửa Bắc, không muốn cậu Bốn học chữ Nho nữa.
Cô thấy thời thế đã đổi thay, có mấy người trong tỉnh đã bỏ bút lông, cầm bút sắt, mới học trường Nhà Nước không bao lâu, nay đã làm thầy giáo, làm thông ngôn, thầy Ký lục, được ăn lương Nhà Nước, được địa vị sang trọng, được chức Bát phẩm, Thất phẩm của vua ban.
Cô yêu cậu Bốn Thanh, nhưng cô chỉ bằng lòng làm vợ của cậu với một điều kiện nhất định, là người yêu của cô phải đi học chữ Tây ở trường Nhà Nước, phải thi đậu làm thầy Thông, thầy Ký. Đôi trai gái thề thốt với nhau trong lúc trường Nhà Nước – gọi là trường Sơ Học Pháp Việt – đang lúc nghỉ hè niên khoá 1911-1912.
Thằng Chuột, từ nay tên chánh thức là Trần Anh Tuấn, hết kỳ nghỉ hè, đã được lên lớp Ba . Nó đi khoe với mọi người là nó học “cua ê lê măng te” (cours élémentaire) và cuối niên khoá nó sẽ đi thi bằng cấp tuyển sanh . Nó đã 11 tuổi, nói tiếng Tây “bông bốc”.
Ngày nhập học, chàng thanh niên Lê văn Thanh, vẫn để búi tóc trên đầu, vẫn bịt khăn đen, mặc áo dài đen, chân mang guốc, cặp hai quyển vở và cây bút sắt, cây bút chì, thước gạch, bình mực tím, bẽn lẽn đến trường. Đây là một mái trường lợp tranh, vách tường bằng phên tre quét vôi, nền tô xi-măng. Ông Đốc, người Việt Nam, đã già, nói tiếng Hà Tĩnh bảo cậu:
– Trưa nay về nhà, cậu phải cúp tóc ca-rê, bỏ cái búi tóc kia đi và đừng bịt khăn… Chiều nay cậu cúp tóc rồi Nhà Nước sẽ cho cậu một cái mũ trắng để đội.
Chàng khúm núm, chắp hai tay cúi đầu:
– Dạ, bẩm Quan lớn, con xin tuân lệnh Quan lớn.
Quan Đốc dắt cậu xuống Lớp Năm, giao cậu cho thầy giáo. Quan Đốc và các thầy giáo đều mặc áo dài Việt Nam nhưng đầu cúp rê, chân mang giầy Hạ.
Tất cả các thầy công chức làm việc cho Nhà Nước ở trong tỉnh đều mặc áo quần Việt Nam, đầu cúp ca-rê, hoặc rẽ một bên. Không có ai mặc áo Tây cả.
Trưa hôm ấy, chàng thanh niên Lê văn Thanh về nhà thưa với cha, là ông xã Quý, về việc cúp tóc. Ông Xã không chịu. Ông đập bàn, đập ghế, la hét om sòm:
– Con có cha, như cái đầu có tóc. Theo phong tục nước An-Nam, con phải để tóc, ấy là để thờ Cha Mẹ, ấy là có hiếu. Cắt tóc đi cũng như là từ bỏ cha mẹ. Tao theo sách Thánh Hiền dạy lễ giáo từ xưa đến nay của nước An Nam như thế. Tao đây đã 50 tuổi, ông Nội bà Nội mầy đã quá vãn rồi, mà tao còn búi tóc, để giữ đạo làm con cho trọn chữ Hiếu. Huống chi ngày nay tao còn sống mà mầy lại cắt cái búi tóc bỏ đi sao được! Chiều nay vô trường thưa với Quan đốc như thế.
Nói xong, ông Xã ngồi khóc ròng rã. Chàng con trai Lê văn Thanh, cũng khóc nức nở. Bà Xã, ở dưới bếp chạy lên nghe câu chuyện của chồng vừa nói, cũng ngồi xuống ngạch cửa khóc hu hu . Ông Xã nói tiếp, với giọng tức tối:
– Làm con, có cái búi tóc ở trên đầu để thờ Cha kính Mẹ mà cắt bỏ đi, thì còn gì là Cha con, Mẹ con nữa!… Mầy mà nghe lời người ta cắt bỏ cái búi tóc, thì là tao nhẩy xuống giếng tao tự tử!
Ông lại khóc to lên, hu! hu! hu!
Ông Xã khóc, bà Xã khóc, chàng thanh niên Lê văn Thanh cũng khóc, nhưng rốt cuộc rồi cái búi tóc trên đầu chàng cũng phải cắt bỏ đi, tóc phải “cúp ca-rê” (coupe carré), và Quan Đốc học trường Nhà Nước đã truyền lịnh như thế. Nhưng năm 1910, tận nơi tỉnh lỵ mà ta nói đây – cũng như các tỉnh khác ở Trung Việt, chỉ mới có một vài người làm nghề hớt tóc mà thôi. Chú Bảy theo ghe nước mắm vào Đồng Nai học nghề cúp tóc trước đó một vài năm.
(Lúc bấy giờ, cho đến khoảng 1920, ở các tỉnh Trung Việt, người ta vẫn gọi Saigon là Đồng Nai. Danh từ Saigon chưa được thông dụng). Chú mua kéo, toon- đơ, dao cạo, cũng ở tại Đồng Nai, đem về mở tiệm cúp tóc ở tỉnh lỵ. Nói là mở tiệm, nhưng chú chỉ thuê một xó hè của một tiệm buôn khách trú, đặt một cái bàn con, một chiếc ghế đẩu, và treo một tấm kiếng trên vách tường, thế là đủ cho chú hành nghề.
Chú treo tấm vải trắng phía ngoài đường, trên vải chú viết bằng mực Tàu, một chữ Tây COIFFEUR , và ở dưới hai chữ Hán (Thế Phát: Cắt Tóc). Chữ Quốc Ngữ vì chưa được truyền bá, ít người biết, nên chú thợ hớt tóc chỉ viết quảng cáo bằng chữ Hán và chữ Tây, mặc dầu chữ Tây cũng chưa mấy người học đến. Chú để chữ Tây cho oai, bắt chước chữ Tàu học lỏm trong Đồng Nai, và thỉnh thoảng chú nói với vài bác lính tập: ” Tui làm cốp phơ cho quan Công Sứ “.
Vì vậy mà trong tỉnh, người ta gọi chú là “chú Bẩy cốp phơ “.
Chiều hôm ấy, chàng thanh niên Lê văn Thanh đến tiệm hớt tóc, nét mặt rầu rĩ, nói với chú Bẩy cốp phơ:
– Chú Bẩy đem đồ qua nhà tôi, cúp tóc cho tôi được không chú? Vì ông già tôi còn phải cúng Ông Bà để cho tôi cắt tóc.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.