
Các Hệ Thống Thông Tin Quản Lý – Đọc Sách Online Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Các Hệ Thống Thông Tin Quản Lý của tác giả Đoàn Phan Tân
CHƯƠNG 1. THÔNG TIN VÀ CÁC QUÁ TRÌNH THÔNG TIN
1. THÔNG TIN
1.1. Khái niệm thông tin. Dữ liệu, thông tin và tri thức
Thông tin (Information) là khái niệm cơ bản của khoa học cũng là khái niệm trung tâm của xã hội trong thời đại chúng ta. Mọi quan hệ, mọi hoạt động của con người đều dựa trên một hình thức giao lưu thông tin nào đó. Mọi tri thức đều bắt nguồn bằng một thông tin về những điều đã diễn ra, về những cái người ta đã biết, đã nói, đã làm. Điều đó luôn xác định bản chất và chất lượng của những mối quan hệ của con người.
Vậy thông tin là gì?
Có rất nhiều cách hiểu về thông tin. Thậm chí ngay các từ điển cũng không thể có một định nghĩa thống nhất. Nguyên nhân của sự khác nhau trong việc sử dụng thuật ngữ này chính là do thông tin không thể sờ mó được. Người ta bắt gặp thông tin chỉ trong quá trình hoạt động, thông qua tác động trừu tượng của nó.
Từ La tinh “informatio”, gốc của từ hiện đại “information” có hai nghĩa. Một, nó chỉ một hành động rất cụ thể là tạo ra một hình dạng (forme). Hai, tùy theo tình huống, nó có nghĩa là sự truyền đạt một ý tưởng, một khái niệm hay một biểu tượng. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội, khái niệm thông tin cũng phát triển theo.
Theo nghĩa thông thường: Thông tin là tất cả các sự việc, sự kiện, ý tưởng, phán đoán làm tăng thêm sự hiểu biết của con người. Thông tin hình thành trong quá trình giao tiếp: một người có thể nhận thông tin trực tiếp từ người khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu hoặc từ tất cả các hiện tượng quan sát được trong môi trường xung quanh.
Trên quan điểm triết học: Thông tin là sự phản ánh của tự nhiên và xã hội (thế giới vật chất) bằng ngôn từ, ký hiệu, hình ảnh v.v… hay nói rộng hơn bằng tất cả các phương tiện tác động lên giác quan của con người.
Sự vật luôn vận động, ở trạng thái bất định và chứa đựng tính ngẫu nhiên. Tăng lượng tin tức về một hiện tượng nào đó cũng là giảm độ chưa biết hoặc độ bất định của nó. Vì vậy trên quan điểm của lý thuyết thông tin thì thông tin là sự loại trừ tính bất định của hiện tượng ngẫu nhiên.
Tính trật tự đối lập với cái bất định và ngẫu nhiên là thuộc tính cơ bản của thông tin mà khoa học phát hiện. Theo đó thông tin phản ánh cái xác định, trật tự trong các mối quan hệ của các sự vật và hiện tượng. Với ý nghĩa đó thông tin là lượng đo trật tự nhân tạo chống lại sự hỗn độn của tự nhiên. Chính điều đó giải thích ý nghĩa to lớn của thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người.
Trong đời sống con người, thông tin là một nhu cầu rất cơ bản. Nhu cầu đó không ngừng tăng lên cùng với sự gia tăng các mối quan hệ trong xã hội. Mỗi người sử dụng thông tin lại tạo ra thông tin mới. Các thông tin đó lại được truyền cho người khác trong quá trình thảo luận, truyền đạt mệnh lệnh, trong thư từ và tài liệu hoặc qua các phương tiện truyền thông khác. Thông tin được tổ chức tuân theo một số quan hệ logic nhất định, trở thành một bộ phận của tri thức, đòi hỏi phải được khai thác và nghiên cứu một cách hệ thống.
Trong hoạt động của con người thông tin được thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: con số, chữ viết, âm thanh, hình ảnh v.v… Thuật ngữ thông tin dùng ở đây không loại trừ các thông tin được truyền bằng ngôn ngữ tự nhiên. Thông tin cũng có thể được ghi và truyền thông qua nghệ thuật, bằng nét mặt và động tác, cử chỉ. Hơn nữa con người còn được cung cấp thông tin dưới dạng mã di truyền. Những hiện tượng này của thông tin thấm vào thế giới vật chất và tinh thần của con người, cùng với sự đa dạng phong phú của nó đã khiến khó có thể đưa ra một định nghĩa thống nhất về thông tin.
Dữ liệu, thông tin và tri thức
Thông tin có nhiều mức độ chất lượng khác nhau. Các số liệu, sự kiện, hình ảnh ban đầu thu thập được qua điều tra, khảo sát là các thông tin nguyên liệu, còn gọi là dữ liệu (data). Thuật ngữ dữ liệu – data có xuất sứ từ chữ Latin datum, có nghĩa là “cái đã cho” hay sự kiện, nó có thể có dạng một con số, một sự trình bày hoặc hình ảnh. Dữ liệu có thể có hai dạng: dạng có cấu trúc như các biểu ghi, các cơ sở dữ liệu; dạng phi cấu trúc như các tệp văn bản, dạng này thường chiếm đến 80% lượng dữ liệu của một tổ chức. Đặc trưng cơ bản của dữ liệu là chúng có thể tổ chức, lưu trữ và lưu truyền trong các hệ thống và mạng lưới thông tin.
Khi dữ liệu qua xử lý, phân tích, tổng hợp và được cho là có ý nghĩa cho một đối tượng, một công việc nào đó thì chúng sẽ trở thành thông tin (information). Thông tin là sự phản ánh về một vật, một hiện tượng, một sự kiện hay quá trình nào đó của tự nhiên và xã hội thông qua khảo sát trực tiếp hoặc lý giải gián tiếp. Các thông tin này nếu tiếp tục được xử lý sẽ tạo ra các sản phẩm thông tin có giá trị cao hơn, còn gọi là thông tin có giá trị gia tăng (value added information). Trong trường hợp này thông tin đã thực sự trở thành hàng hoá. Dữ liệu mô tả sự việc chứ không đánh giá sự việc còn thông tin luôn mang một ý nghĩa xác định và nói chung gồm nhiều giá trị dữ liệu. Nói cách khác thông tin là dữ liệu có ý nghĩa.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.