Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Thi Ca Bình Dân Việt Nam (quyển 1) của tác giả Nguyễn Tấn Long mời bạn thưởng thức.

B. XÁC ĐỊNH MỘT CHIỀU HƯỚNG SƯU KHẢO

Cũng như dòng văn học bác học, dòng văn học bình dân chia ra làm nhiều bộ môn, mỗi bộ môn có một tính chất khác nhau.

Đặt ranh giới, hướng về bộ môn thi ca, trong tập sách này chúng tôi chỉ khảo cứu riêng về những loại văn vần.

Văn vần trong thi ca bình dân Việt-nam gồm một phần tục ngữ, và tất cả những câu ca dao, những điệu hát, điệu hò và những bài vè. Mỗi loại có một tính chất riêng.

1) Tục ngữ là những câu tự lâu đời, nhiều người thường nói thành thói quen. Những câu tục ngữ có tính chất địa phương thì gọi là « phương ngôn ».

2) Ca dao là câu hát phổ thông trong dân gian (ca là những bài hát thành khúc, dao là những câu hát ngắn độ một vài câu). Ca dao được gọi là phong dao khi những câu hát ấy lưu hành trong dân chúng, diễn tả lề lối, phong tục, tính tình của đại chúng bình dân.

3) Điệu hát được chia ra làm nhiều thể điệu hoặc ru con bên nôi, hoặc để giúp vui lúc đình đám.

4) Điệu hò là lối hát tập thể, gồm nhiều người tham gia để giải trí trong lúc làm lụng mệt nhọc.

5) Vè là một bài văn vần dùng châm biếm một người hay một việc gì.

Tuy nhiên, với đường hướng sưu khảo trong tập sách này, chúng tôi không đi vào phần kỹ thuật sáng tác. Chúng tôi muốn cùng các bạn bước vào lãnh vực tâm tư của đại chúng bình dân, đúc kết những chuỗi tâm tư của ngàn xưa thành một hệ thống tư tưởng.

Với mục đích ấy, trước khi vào phần sưu khảo, chúng tôi thấy cần xác định các khó khăn sau đây.

Thường thường những tài liệu văn học muốn được nghiên cứu tường tận phải tìm hiểu xuất xứ, tức nguồn gốc của nó. Mỗi câu ca, mỗi bài hát không phải tự nhiên mà có, nó thoát thai do ảnh hưởng của thời đại. Mà trạng thái xã hội không phải là trạng thái bất biến. Nó luôn luôn thay đổi. Tuy cùng một chế độ chính trị mà mỗi thời một khác. Nhưng tài liệu sử học với tính chất phản ảnh tâm tư của người dân trong xã hội ấy không thể đứng yên, biệt lập với mọi biến chuyển của thời gian được.

Cho nên, nếu bảo tâm tư con người là những chứng tích của thời gian, thì thi ca bình dân chính là những chứng tích của dân tộc hơn bốn ngàn năm lịch sử ghi lại bằng lối truyền khẩu, và chúng ta không thể căn cứ vào đâu để tìm ra nguồn gốc của mỗi câu tục ngữ, phong dao ấy được.

Đã không tìm được thời-gian-tính thì những chứng tích của thời gian sẽ mất hẳn giá trị sử liệu. Nói cách khác, sản phẩm của tâm tư bao giờ cũng do hoàn cảnh thời gian tạo nên, nếu chúng ta không tìm được hoàn cảnh thời gian thì cũng không thể nào hiểu nổi trạng thái của tâm tư trong lúc ấy.

Đó chính là điều khó khăn cho những người muốn sưu khảo nền văn học bình dân Việt-nam ngày nay.

Ông Nguyễn-văn-Ngọc lúc sưu tập bộ Tục ngữ Phong dao đã phải phàn nàn :

« Những sách của các nhà biên soạn trước kia làm không theo trật tự nào, hoặc đổi nhau từng hai câu một, hoặc chia từng mục : Trời đất, năm tháng, Tiền của văn học, từng thiên : Sơn-tây, Lạng-sơn, Tuyên-quang, Thừa-thiên ; từng chương : Tống-sơn, Nga-sơn, Hoằng-mỹ, Hậu-hộc, hoặc xếp theo từng thời đại các Triều Vua, tự Kinh-dương-vương đến bản Triều. Những câu chép trong sách thường không có chú thích, phê bình. Tựu trung, một đôi quyển cũng gọi có cắt nghĩa qua từng câu hoặc kê cứu lai lịch của cả các câu mà ghép cho câu nào cũng như có can thiệp đến Lịch-sử nước nhà.

Kể như thế thì những sách Tục ngữ, Phong-dao thực không phải là hiếm. Nhưng đáng tiếc rằng hiện có nhiều quyển chỉ mới là sách viết bỏ quên trong một thư viện nhà nào, chớ chưa từng đem công bố, ấn hành cho thiên hạ dùng bao giờ. Còn một hai quyển đã xuất bản, cứ như chúng tôi xem, thì góp nhặt chưa có phần dồi dào chắc chắn, mà xếp đặt cũng chưa lấy gì làm tinh tế, hoàn hảo… »

Tuy nhiên, lời nói ông Nguyễn-văn-Ngọc chỉ là lời phàn nàn khi gặp khó khăn trong việc khảo cứu. Đến như ông Trương-Tửu lại khác. Ông lớn tiếng phủ nhận lời ghi chú của tiền nhân.

Ông viết : « Theo ý tôi, kê cứu lai lịch tục ngữ, phong dao mà ghép cho câu nào cũng như có can thiệp đến lịch sử nước nhà là một việc liều lĩnh. Thản hoặc cũng có ít nhiều câu dính líu đến một vài chuyện lịch sử thiết thực nhưng xét kỹ, phần nhiều những câu đã sưu tập được thường chỉ có liên lạc với những trạng thái sinh hoạt hoặc phong tục lễ giáo của dân gian. Điều ta nên chú ý hơn hết là cách tả thuật những trạng thái sinh hoạt ấy, và cách phô diễn ý kiến của dân chúng về những phong tục, lễ giáo đó. Còn việc tìm biết những câu nào nói vào tình trạng của thế kỷ nào là một điều rất khó. Về vấn đề này ta chỉ có quyền ức thuyết mà thôi. »

Một mặt phủ nhận lời ghi chú, một mặt ông Trương-Tửu lại đổ tội cho tiền nhân thiếu tinh thần trách nhiệm đối với văn học nước nhà.

Ông viết : « Phong dao, tục ngữ nước ta có từ đời thượng cổ mà mãi đến gần đây mới có một ít nhà khảo cứu sưu tập chép ra thì tất nhiên không thể nào biết rõ được câu nào ở về thế kỷ nào. Cái khuyết điểm này nên qui tội vào bọn nhà nho. Vì họ coi nôm na và mách qué, chỉ thờ phụng Kinh Thi của Trung-quốc, không biết noi gương Chu-công, Khổng-tử lấy văn tự mà ghi chép những phong dao, tục ngữ của mình. Hay bởi tại phần nhiều thi ca của dân chúng phản đối tư tưởng họ, nên họ vì tự ái, tự tôn mà không chép lại ? »

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x