Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Cơ Sở Thủy Sinh Học của tác giả Đặng Ngọc Thanh, Hồ Thanh Hải

Phần mở đầu

I. Đối tượng, nhiệm vụ và vị trí của thủy sinh học

Thủy sinh học là khoa học nghiên cứu sự sống trong môi trường nước. Sự sống trong môi trường nước được biểu hiện cụ thể ở hoạt động sống của thủy sinh vật ở các mức độ tổ chức khác nhau: cá thể (individual), quần thể (population), quần xã (community) và thủy sinh quần (biom) trong thủy quyền, trong mối liên hệ biện chứng giữa thủy sinh vật với môi trường nước. Mặt khác, do thủy quyền chiếm tới 2/3 diện tích bề mặt trái đất, được tồn tại trong thiên nhiên dưới các thủy vực cụ thể (ao, hồ, sông, biển, đại dương…) với các thủy sinh vật sống trong đó, tạo nên các hệ sinh thái, vì vậy, thủy sinh học cũng được coi như một bộ phận của sinh thái học nghiên cứu các hệ sinh thái trong môi trường nước. Tuy nhiên, khác với các khoa học địa học (địa lý, sinh địa quần xã học), thủy sinh học nghiên cứu các hệ sinh thái ở nước như môi trường sống của thủy sinh vật chứ không chỉ như một nhân tố cảnh quan địa lý, một yếu tố địa hệ.

Đối tượng nghiên cứu của thủy sinh học là hoạt động sống của các thủy sinh vật (động vật, thực vật, vi sinh vật…) trong môi trường nước với các mối quan hệ hữu sinh (quần thể, quần xã) cũng như các quan hệ vô sinh trong môi trường nước. Trong giai đoạn hiện nay, thủy sinh học còn mở rộng phạm vi nghiên cứu tới cả các quá trình sinh học diễn ra trong thủy vực dưới tác động của các hoạt động sống của thủy sinh vật và con người như: chuyển hóa vật chất và năng lượng, năng suất sinh học, hiện tượng ô nhiễm và tự lọc sạch nước trong thủy vực…

Thủy sinh học có các mối quan hệ mật thiết với các ngành khoa học về sinh vật: động vật học, thực vật học, vi sinh vật học, hóa sinh, địa sinh vật học. Mặt khác, lại có quan hệ với các ngành khoa học về môi trường như thủy học, thủy hóa học, địa lý thủy văn, địa chất thủy văn cũng như các chuyên ngành khoa học về các thủy vực như Hải dương học, Hồ ao học…

Nhiệm vụ cơ bản và tổng quát của thủy sinh học là nghiên cứu để hiểu biết được đầy đủ hoạt động sống của thủy sinh vật và các quá trình sinh học trong mối liên kết với môi trường nước trong thủy vực, trên cơ sở đó, điều khiển chúng theo hướng có lợi nhất cho con người. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần nghiên cứu đầy đủ đời sống cá thể, quần thể, quần xã thủy sinh vật, quá trình chuyển hóa vật chất năng lượng trong thủy vực làm cơ sở cho việc đánh giá và dự báo nguồn lợi sinh vật, đề xuất phương hướng, biện pháp khai thác hợp lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi, nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm sinh học nhằm đáp ứng nhu cầu sửdụng của con người. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là nghiên cứu cơ sở sinh học của các biện pháp phòng trừ các thủy sinh vật gây hại đối với sức khỏe của con người và các công trình dưới nước. Từ đầu thế kỷ này, một nhiệm vụ ngày càng cấp bách đặt ra với thủy sinh học là nghiên cứu để hiểu biết tác động của sự ô nhiễm và vai trò của thủy sinh vật trong quá trình ô nhiễm và làm sạch môi trường nước, góp phần đánh giá, dự báo và phòng chống tình trạng ô nhiễm môi trường nước nói riêng và môi trường nói chung đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên trái đất, bảo vệ nguồn nước sạch thiên nhiên phục vụ sản xuất và đời sống con người.

Do sự xâm nhập của thủy sinh học ngày càng sâu vào nhiều ngành khoa học công nghệ sản xuất và đời sống, thủy sinh học hiện đại có xu hướng phân hóa thành nhiều hướng nghiên cứu chuyên môn khác nhau. Thủy sinh học nông ngư nghiệp – nghiên cứu cơ sở của việc nâng cao sản lượng thủy sản trong các thủy vực, vai trò của thủy sinh vật đối với năng suất cây trồng và vật nuôi ở nước. Đây là hướng nghiên cứu hình thành sớm nhất của thủy sinh học, có mối quan hệ chặt chẽ với hải dương học nghề cá, nuôi trồng thủy sản, canh tác nông nghiệp. Thủy sinh học vệ sinh y học – nghiên cứu tác động của sự ô nhiễm thủy vực đối với thủy sinh vật, vai trò của thủy sinh vật trong quá trình ô nhiễm và xử lý ô nhiễm thủy vực, vai trò truyền bệnh của sinh vật cho người, gia súc và biện pháp phòng trừ. Thủy sinh học kỹ thuật – nghiên cứu tác hại của thủy sinh vật đối với các công trình xây dựng và các thiết bị kỹ thuật ở dưới nước, đặc biệt là trong thủy lợi và giao thông hàng hải. Hai hướng nghiên cứu sau này của thủy sinh học đang phát triển mạnh cùng với sự phát triển của công nghiệp và kỹ thuật.

Trong xu thế phát triển của các khoa học về sự sống và môi trường nước, Thủy sinh học một mặt có quan hệ mật thiết với các chuyên ngành về thủy học, sinh học, song vẫn có một vị trí riêng trong hệ thống phân loại các khoa học này. Có thể phân biệt sự sai khác về nhiệm vụ, đối tượng, phương pháp và nội dung nghiên cứu của Thủy sinh học với một số chuyên ngành khoa học liên quan. Như trên đã nói, Thủy sinh học (Hydrobiology) là khoa học nghiên cứu sự sống trong môi trường nước, với đối tượng là các hoạt động của thủy sinh vật trong mối quan hệ, tác động qua lại với môi trường nước. Có thể phân biệt Thủy sinh học với các lĩnh vực nghiên cứu gần là Hải dương sinh học (Biological Oceanography) và Hồ ao sinh học (Biological Limnology) chủ yếu nghiên cứu tác động của các quá trình thủy học trong đại dương và các thuỷ vực nội địa (sông, hồ ao…), đối với hoạt động sống của thủy sinh vật để hiểu biết được quy luật tác động, hệ quả thủy học, sinh học của các tác động đó. Cũng có thể phân biệt Thủy sinh học với Sinh học biến (Marine Biology) và Sinh học nước ngọt (Freshwater Biology), cũng có đối tượng nghiên cứu là thủy sinh vật trong môi trường biển, nước ngọt, song nội dung nhiệm vụ lại thiên về hiện tượng đa dạng sinh học, đặc điểm các hoạt động sống của cơ thể sinh vật trong môi trường nước, khác với môi trường cạn. Thủy sinh học cũng khác với Địa sinh vật thủy vực (Biogeography of the Sea, Inland water) có nhiệm vụ chủ yếu là phân vùng địa lý động vật, thực vật thủy sinh với đối tượng nghiên cứu là các vùng phân bố, căn cứ vào nguồn gốc và đặc trưng phân bố của chúng.

Xét về đối tượng và nhiệm vụ, trong chừng mực nào đó, thủy sinh học có thể coi như là một bộ phận của sinh thái học, nhưng có đối tượng, nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu xa hơn và chuyên biệt hơn so với sinh thái học kinh điển, không chỉ chú trọng tới mối quan hệ sinh thái của sinh vật với môi trường ngoài mà còn mở rộng tới các quá trình sinh học diễn ra trong môi trường nước đặc biệt là vấn đề năng suất sinh học của môi trường nước, sự chuyển hóa vật chất và năng lượng trong môi trường nước.

Tuy nhiên, do quan điểm, quan niệm, ý kiến của các nhà khoa học về các chuyên ngành khoa học đang còn tiếp tục được bàn luận trong thời đại hiện nay cho tới nay chưa phải đã thống nhất, nên trên thực tế vẫn còn những sự trùng lặp, trùm lấn về đối tượng, nhiệm vụ, nội dung của thủy sinh học với các chuyên ngành khoa học khác liên quan tới môi trường nước và thủy sinh vật.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x