
Tìm hiểu giáo lý Phật giáo – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Trước khi muốn hiểu rõ về tư tưởng của các tông phái Phật giáo thì ta cần phải biết toàn bộ quá trình hình thành của các tông phái ấy. Khi nghiên cứu về sự thay đổi của Phật giáo Ấn Độ, đầu tiên ta phải xác nhận sự xuất thế của Thế Tôn, dắt dẫn chúng sinh thoát ly tam giới và dựa vào căn tính của chúng sinh mà chỉ dạy ra giáo pháp Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Bồ tát thừa. Trong 500 năm đầu tiên, Phật pháp chủ yếu truyền bá Thanh văn thừa, sau đó là sự phát triển Phật pháp Đại thừa Hiển giáo và Mật giáo. Điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh đất nước Ấn Độ và nhân duyên của mỗi chúng sinh mà xuất hiện. Nếu hiểu được điểm này thì sẽ dễ dàng nắm bắt được từ đầu đến cuối dòng chảy diễn biến của Phật giáo Ấn Độ. Những niên đại có liên quan đến Thế Tôn sử dụng sau đây đều y cứ vào niên đại được ghi chép trong Chúng thánh điểm ký để viết ra.
Quá trình hình thành tông phái Phật giáo
Quá trình hình thành và diễn biến của tất cả tông phái Phật giáo Ấn Độ có thể phân thành năm thời kỳ để nghiên cứu.
Thời kỳ thứ nhất, thời kỳ Thế Tôn giáo hóa (531 – 486 TTL). Sau khi Thế Tôn giác ngộ, vì sự bất đồng căn tính của chúng sinh mà khai thị Phật pháp, đây là thời kỳ lấy Thanh văn thừa làm tư tưởng chủ yếu.
Thời kỳ thứ hai là thời kỳ kết tập bộ phái (486 TTL – 150 STL), là thời kỳ tranh luận và kết tập kinh điển Thanh văn, hình thành Bà sa tông (trong đó chia làm bốn hệ và 18 bộ phái riêng) và Kinh lượng bộ, sau đó là sự xuất hiện của kinh điển Đại thừa, lúc này xuất hiện sự tranh luận về “Tiểu thừa” và “Đại thừa phi Phật thuyết”.
Thời kỳ thứ ba là thời kỳ “Trung quán tiền hoằng” (150 – 350), là thời kỳ sáng lập Đại thừa Trung quán tông.
Thời kỳ thứ tư là thời kỳ “Duy thức nhiếp hóa” (350 – 650), là thời kỳ sáng lập Đại thừa Duy thức tông.
Thời kỳ thứ năm là thời kỳ “Trung quán hậu hoằng” (650 – 1200), là thời kỳ Trung quán tông tiếp tục được hoằng dương và cũng là thời kỳ hưng thịnh của Mật tông.
Ở trong các thời kỳ này Phật pháp vẫn liên tục được truyền thừa, chỉ là xu hướng của các tông phái vì hoàn cảnh nên có sự chuyển đổi mà thôi.
1) Thời kỳ giáo hóa của Thế Tôn (531 – 486 TTL)
Giáo pháp của Thế Tôn đã được truyền thừa từ các vị đệ tử qua từng thế hệ, sau cùng được ghi chép lại, phân loại, biên tập và lưu giữ trong Đại tạng kinh ngày hôm nay. Đại tạng kinh bao gồm: kinh, luật, luận tam tạng. Những kinh điển này, dưới sự biên tập và chỉnh sửa, mặc dù khó tránh khỏi sự thêm bớt nội dung của người đời sau, nhưng muốn nghiên cứu giáo pháp của thời kỳ Đức Thế Tôn thì vẫn phải nên lấy sự ghi chép trong Đại tạng kinh làm chỗ y cứ chính yếu.
Thời gian Thế Tôn đản sinh (khoảng năm 565 TTL), trong giới tư tưởng Ấn Độ có hai hệ thống lớn, một là hệ thống Bà la môn thừa nhận uy quyền của Phệ đà, chủ trương chế độ chủng tính và nuôi dưỡng tư tưởng Phạm ngã. Trong bốn bộ Phệ đà (Lê câu Phệ đà, Sa ma Phệ đà, Dạ nhu Phệ đà và A thát bà Phệ đà) thì A thát bà Phệ đà đã biên thành bốn loại chú văn là “Tức tai”, “Tăng ích”, “Hàng phục” và “Huyễn thuật”. Nội dung đề cao nghĩa lý của Phệ đà trong Áo nghĩa thư đối với sự truyền thừa giáo nghĩa thì có sự hạn định và tuyển chọn căn khí để truyền thụ, thực tế đã mang màu sắc của Mật giáo. Hệ thống lớn còn lại là hệ thống không phải Bà la môn, phản đối uy quyền của Phệ đà, hệ thống này có chủ trương tư tưởng nghiệp lực và luân hồi, cho rằng hành trì khổ hạnh có thể đạt được giải thoát. Trước khi Thế Tôn giác ngộ, Ngài đã sớm có sự nghiên cứu sâu vào hai hệ thống tư tưởng lớn này, nhưng Ngài cho rằng cả hai đều không phải cứu cánh. Năm 35 tuổi (năm 531 TTL), Ngài thể ngộ con đường trung đạo và lý duyên khởi của vô ngã, tư tưởng này hoàn toàn không giống bất cứ học phái nào đương thời, từ đó Phật giáo được sáng lập. Hơn 40 năm sau, Thế Tôn đã đặt chân khắp nơi trong nước để giáo hóa chúng sinh, tùy từng căn cơ khác nhau mà khai thị Phật pháp, mãi đến năm 80 tuổi (năm 486 TTL) thì Ngài nhập diệt.
Thế Tôn tùy theo trình độ của chúng sinh mà giáo hóa, đối với người có căn tính Nhân thiên thừa, Ngài khai thị Ngũ giới, Thập thiện và các pháp về Nhân thiên thừa; đối với người có căn tính Thanh văn thừa, Ngài khai thị các pháp về Thập nhị duyên khởi, Tứ thánh đế, v.v.; đối với người có căn tính Bồ tát, Ngài khai thị về các pháp Bồ tát hạnh như Lục độ, Tứ nhiếp, v.v. hay những câu chuyện về bản sinh trong Trường A hàm và luật tạng đề cập đến chính bản thân Ngài khi thực hành Bồ tát đạo để từ đó chỉ dạy về Bồ tát hạnh. Trong hơn 40 năm Thế Tôn giáo hóa, Ấn Độ tất nhiên sẽ có người có căn tính Bồ tát, vì thế mà đương nhiên Ngài sẽ vì họ mà khai thị Bồ tát hạnh. Nếu như nhầm lẫn mà cho rằng Thế Tôn chỉ khai thị Phật pháp cho hàng Thanh văn thì hiển nhiên sẽ không thể phù hợp với nguyên tắc “tùy trình độ mà giáo hóa” của Ngài được. Chỉ là đệ tử Phật lúc ấy đa phần là người có căn tính Thanh văn, cho nên Ngài mới giảng nhiều về giáo pháp Thanh văn, lấy diệt khổ làm chủ yếu. Giáo pháp Thanh văn và Bồ tát hạnh nêu trên ngày nay đều được lưu lại trong A hàm kinh và luật tạng của cả Nam truyền và Bắc truyền.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.