Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Trong phiên bản đầu tiên của cuốn sách này, The Psychology of Everyday Things (tạm dịch: Tâm lý học trong những vật dụng hằng ngày), tôi đã mở đầu bằng câu: “Đây là cuốn sách tôi đã luôn muốn viết, chỉ có điều tôi không biết điều đó.” Giờ đây, tôi đã biết và sẽ rút gọn câu mở đầu của mình thành: “Đây là cuốn sách tôi đã luôn muốn viết.”

Cuốn sách này là bộ hướng dẫn đầu tiên dành cho việc thiết kế. Những độc giả từ chuyên gia kỹ thuật, các nhà thiết kế chuyên nghiệp, cho đến những người không làm việc trong lĩnh vực này đều có thể tìm thấy ở đây những thông tin hữu ích và thú vị. Cuốn sách không chỉ giúp độc giả có cái nhìn sắc sảo hơn trước những thiết kế tồi, thiếu hiệu quả, đặc biệt là các thiết kế liên quan đến công nghệ hiện đại, mà còn giúp họ nhận ra những thiết kế chất lượng từ những nhà thiết kế tâm huyết, mang lại sản phẩm thực sự hữu ích cho cuộc sống.

Nhận ra một thiết kế tốt thực ra còn khó hơn nhiều so với nhận ra một thiết kế tồi. Điều này một phần là do các thiết kế tốt thường đáp ứng đủ nhu cầu của chúng ta, khiến nhược điểm của chúng dễ bị bỏ qua. Ngược lại, thiết kế tồi lại rất dễ nhận ra bởi sự khiếm khuyết của chúng, luôn đập vào mắt và làm chúng ta khó chịu.

Trong cuốn sách này, tôi sẽ đưa ra những nguyên tắc cơ bản cần thiết để loại bỏ rắc rối và biến các vật dụng trong đời sống hằng ngày trở nên thú vị, mang lại niềm vui và sự thoải mái cho người dùng. Sự kết hợp giữa kỹ năng quan sát sắc sảo và các nguyên tắc thiết kế đúng đắn sẽ tạo thành một công cụ mạnh mẽ mà ai cũng có thể áp dụng, không nhất thiết chỉ dành cho các nhà thiết kế chuyên nghiệp.

Bởi tất cả chúng ta đều là những nhà thiết kế, theo nghĩa rằng chúng ta tổ chức cuộc sống, trang trí ngôi nhà và sắp xếp mọi thứ. Chúng ta cũng tạo ra các giải pháp hay cách thức thay thế nhằm vượt qua những thiếu sót và hỏng hóc của các thiết bị mà chúng ta đang sử dụng. Một mục đích nữa của cuốn sách này là trao lại cho bạn quyền kiểm soát đối với các vật dụng hiện hữu trong cuộc sống: giúp bạn lựa chọn những thứ dễ hiểu và dễ sử dụng, đồng thời điều chỉnh những thứ không đạt yêu cầu.

Phiên bản đầu tiên của cuốn sách đã ra đời từ rất lâu và thu hút nhiều độc giả. Tên của nó nhanh chóng được đổi thành Design of Everyday Things (DOET) – Thiết kế các vật dụng hằng ngày (tên sách tiếng Việt là Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm) để mang tính mô tả hơn. Nó đã trở thành học liệu cho nhiều chương trình đào tạo và là tài liệu bắt buộc tham khảo tại nhiều công ty.

Giờ đây, 20 năm sau lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách vẫn còn là một ấn phẩm khá thông dụng. Tôi rất vui mừng trước những phản hồi và số lượng người đã liên hệ với tôi để nói về cuốn sách. Họ đã gửi cho tôi rất nhiều ví dụ về những thiết kế ngớ ngẩn và thiếu suy nghĩ, cùng với một vài ví dụ hiếm hoi về những thiết kế xuất sắc. Nhiều độc giả chia sẻ rằng cuốn sách đã thay đổi cuộc đời họ, khiến họ nhạy cảm hơn trước những vấn đề của cuộc sống và nhu cầu của con người. Một số người thậm chí đã đổi nghề và trở thành các nhà thiết kế nhờ cuốn sách này. Những phản hồi như vậy thật tuyệt vời đến kinh ngạc.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x