Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Lịch sử chỉ là những tiếp diễn của sự kiện mà không có cùng đích. Một quan điểm lịch sử hiện đại hoá như đang được bênh vực tán dương những công trình thống nhất trong lịch sử Việt Nam, mang tính chất finaliste trong triết thuyết, là của tôn giáo chứ không phải của khoa học. Muốn mượn ý của A. Comte thì phải nói rằng chúng ta vẫn đang đứng trong thời kỳ tiền sử của sử học chứ chưa bước vào thời kỳ có sử.

Đó là một câu viết trong “Sử Việt,” đọc vài quyển (Nxb. Văn Mới, CA 2004, trang 294). Mặc dù câu viết này có vẻ nhằm chống báng một loại “sử học thời sự,” như đã có đủ bằng chứng chứng minh trong hơn 50 năm qua, nhưng thật sự chỉ là ý nghĩ bình thường của những người muốn làm việc sử học nghiêm túc. Nó xuất phát từ những bài học căn bản cho “nghề nghiệp” của nhà trường đem dàn trải ra.

Vì vậy, nếu áp dụng những bài học sơ đẳng từ thời xa xưa, cộng với một chút lăn lộn tạo thêm tự tin bây giờ, hy vọng rằng các dòng chữ sau đây sẽ là của một tập sử Việt trong thời kỳ có-sử. Mặc dù chưa hẳn là hình ảnh trung thực của quá khứ, nhưng chắc chắn đã không còn là huyền thoại bao trùm nữa.

Từ lâu, người ta đã quen với việc đọc mười quyển sử đã ra đời và sau đó là quyển thứ mười một của người “sưu tập” sử phẩm viết tiếp theo. Người này đến sau nhưng có khi cũng không hơn gì mười ông trước. Nguyên nhân là vì sự hình thành một nền sử học khoa học Việt Nam đã không được tiến triển thuận lợi ngay từ căn bản của quá khứ. Thêm vào đó, nó còn phải chịu đựng trầm trọng vì một hệ thống chính trị, theo kinh nghiệm tranh quyền, đã nhận thấy rằng việc sử dụng lịch sử theo hướng quá khứ thật sự có ích lợi trong việc củng cố quyền lực cho mình.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x