Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

THÁI TỬ DUY VĨ

Tại sao cái chết của một người – dù là chết oan và chết lối “bất đắc kỳ tử” – đã được công chúng tin rằng có ảnh hưởng và gây ra một trạng thái phi thường trong vũ trụ! Muốn trả lời câu trên này, trước hết các bạn phải biết qua thân thế của Đức ông Hoàng Trừ và địa vị Đức ông trên lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XVIII.

Người mà công chúng quen gọi là Đức ông Hoàng Trừ tên thật là Lê Duy Vĩ, con trưởng vua Lê Cảnh Hưng, hiện giữ ngôi Trừ Nhị ở Bắc Hà. Cũng như ngôi Thái tử, nghĩa là khi nào Vua chết thì được cử lên thay.

Duy Vĩ vẻ người tuấn nhã và thông minh rất sớm. Tuy đã được kén làm Thái tử, nghĩa là nắm vững cái phú quý trong tay, nhưng không đêm nào chàng không đọc sách và thân yêu kẻ sĩ, cho nên trong nước, ai cũng kính trọng và tin rằng tiền đồ của nước Nam sẽ ở trong tay một ông Vua minh mẫn.

Minh đô vương phi là Nguyễn Thị Ngọc Vinh cũng mến tài đức của Thái tử nên bàn với chồng, mang con gái yêu là Tiên Dung Quận chúa, gả cho chàng, để giữ trước cho con gái mình ngôi “mẫu nghi thiên hạ”.

Quận chúa có cái sắc đẹp thùy mị, lại học rộng và rất giỏi về văn thơ, đính hôn với Thái tử tưởng không còn gì xứng đáng hơn nữa. Song hóa công hình như hối hận là nếu đãi đôi thiếu niên ấy một cách quá hậu, sẽ mang tiếng bất công với muôn loài nên đã dành cho họ một cái kết quả rất cay độc để giữ thế tương đương với những cái ân huệ mà họ được hưởng, khi mới bước chân vào cuộc thế.

Nguyên, ngoài Tiên Dung Quận chúa ra, Minh đô vương còn có một người con trai lớn (khác mẹ) tên là Trịnh Sâm. Sâm được lập làm Thế tử, cũng là tay văn võ kiêm toàn, nhưng tiếc rằng độ lượng khí hẹp hòi. Chàng thấy Thái tử có tài mạo chẳng kém gì mình mà được vợ chồng Minh đô vương biệt đãi thì có ý ghen tức.

Một hôm, nhân Trịnh phủ có yến, Vương phi cho đặt một mâm cỗ ở sập trên, chiếu trải năm trùng để dành riêng cho Thái tử. Còn Thế tử thì phải ngồi sập dưới, chiếu trải có ba trùng.

Khi vào tiệc, Thế tử vô tình ngồi cùng với Thái tử một mâm. Nguyễn vương phi chợt đến, tỏ ý không bằng lòng, dụ bảo hai người:

  • “Thái tử với Thế tử, tình là anh em, nhưng nghĩa là Vua tôi. Tuy ở trong gia đình cũng không nên bỏ lễ tôn ti trật tự.”

Tiếp, Vương phi bắt Thế tử ngồi xuống chiếu dưới mà không tìm lấy một lời yên ủi. Cử chỉ đột ngột đó làm cho Trịnh Sâm hổ thẹn không biết ngần nào. Rồi từ hổ thẹn đổi sang oán giận, chỉ trong có một bước: suốt bữa ấy, Sâm không ăn uống gì cả, chỉ nghĩ cách ám hại Thái tử.

Tan tiệc, Thái tử và Thế tử cùng ra về, tới cửa phủ, Sâm ngăn Thái tử lại, rút một đôi đũa bạc thủ sẵn trong tay áo ra bẻ làm đôi nói:

  • “Hai chúng ta tất phải có một người sống, một người chết. Vua ấy với Chúa này quyết không thể cùng đứng với nhau được!”

Thái tử mỉm cười, gạt tay Sâm ra, lên kiệu tiến thẳng về cung nên cuộc xung đột của hai người, Minh đô vương và cho cả đến Nguyễn vương phi nữa, cũng không nghe biết.

Tại sao Duy Vĩ lại đáp lại sự khiêu khích của Trịnh Sâm bằng thái độ yên lặng, trong không khỏi có ý khinh bỉ?

Giản dị lắm.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x