Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Chư Phật ra đời chỉ nhằm một mục-đích là dạy-bảo chỉ-bày cho chúng-sinh giác-ngộ và thật-chứng Pháp-giới-tính như Phật. Pháp-giới-tính là tính bản-nhiên của tất-cả sự vật, nghĩa là của tất-cả các chuyển-động và các hiện-tượng trong vũ-trụ.

Tính bản-nhiên ấy là tính “trùng-trùng duyên-khởi”, nghĩa là tính ảnh-hưởng dây chuyền của một sự vật đối với tất-cả sự vật, của tất-cả sự vật đối với một sự vật. Ví như một con cá nhỏ vẫy đuôi, tuy rung-động rất ít, nhưng nếu có khả-năng đo-lường chính-xác, thì cũng có thể thấy ảnh-hưởng cùng khắp bốn bể.

Do mỗi sự vật đều chịu ảnh-hưởng của tất-cả sự vật nên đều chuyển-biến không ngừng. Do mỗi sự vật chuyển-biến không ngừng nên ảnh-hưởng lại tất-cả sự vật đều chuyển-biến không ngừng. Song ảnh-hưởng của các loại sự vật đối với một sự vật không giống nhau, cái thì trực-tiếp, cái thì gián-tiếp qua một hay nhiều lớp, do đó tác-động cũng không giống nhau. Trong ảnh hưởng phức-tạp của tất-cả sự vật làm cho một sự vật xuất-hiện và chuyển-biến, đạo Phật đã rút ra một quy-luật bản-nhiên là luật nhân-quả.

Luật nhân-quả là một quy-luật rất sinh-động không phải luôn luôn đơn-giản như trồng lúa thì được lúa. Lại chính việc trồng lúa được lúa cũng không đơn-giản lắm, vì phải có đất, có nước, phân, cần, giống, phải kể đến thời-tiết thuận-nghịch, đến kỹ-thuật cấy cày, vân vân… thì mới chắc được lúa và được nhiều lúa. Vì thế nên nhân-quả và định-mệnh khác nhau rất nhiều.

Định-mệnh thì việc gì cũng đã định trước rồi, không làm sao tránh khỏi được ; còn nhân-quả thì chẳng những có nhân quá-khứ sinh quả hiện-tại, mà lại còn có nhân hiện-tại sinh quả hiện-tại (trong đó có cả ảnh-hưởng của hoàn-cảnh, ảnh-hưởng của tư-tưởng hành-động bản thân). Hai dây chuyền nhân-quả đó thường-xuyên ảnh-hưởng lẫn nhau, làm cho quả-báo hiện-tại thay đổi từng giờ từng phút. Vật-chất có nhân-quả vật-chất, tâm-thức có nhân-quả tâm-thức ; hai bên ảnh-hưởng lẫn nhau, nhưng không nhất-thiết giống nhau. Đối với đạo Phật, nhân-quả tâm-thức là chủ-yếu, vì nó quy-định sự tiến-hóa hay thoái-hóa trên con đường giải-thoát.

Các vị Thanh-văn, Duyên-giác, theo đạo-lý nhân-quả, trừ-bỏ nguyên-nhân luân-hồi và chứng quả vô-sinh, nhưng vẩn còn tu-chứng trong nhân-quả, chứ chưa rõ được then-chốt nhân-quả.
Then-chốt nhân-quả là Pháp-giới-tính trùng-trùng duyên-khởi, nghĩa là một sự vật duyên tất-cả sự vật, tất-cả sự vật duyên một sự vật, trong một có tất-cả, trong tất-cả có một, một tức là tất-cả, tất-cả tức là một. Tính ấy gọi là tính chân-như, là thật-tướng, là Phật-tính, là Như-lai-tạng-tính, là pháp-tính, là tâm-tính, vân vân…

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x