Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Ngày 7 tháng năm.

Ngày hôm ấy, sáng hôm ấy tôi ở Amsterdam. Từ London tới, sau đó phải đi ngay Frankfurt, Cộng Hòa Liên Bang Đức. Có hẹn trong buổi chiều và ngay tối hôm đó đi Paris ở độ ba bốn ngày, rồi từ Paris bay đi California, qua New York để gặp Catherine. Đây không phải chuyến đi đặc biệt. Trong mấy tháng gần đây tôi đã đi mười lăm hai mươi chuyến như thế này rồi. Ngày 7 tháng năm này cũng không phải là một ngày khác thường.

Tôi không hề mường tượng đến điều đang đợi mình. Không một chút linh cảm nào. Cuộc gặp gỡ bên Hà Lan chán phè. Một người không nhìn được đã nhận xét: “Anh còn rất trẻ!” Còn tôi vẫn đưa ra câu trả lời quen thuộc: “Xin yên tâm, điều đó không lây sang ông đâu mà lo”. Sau các thủ tục xã giao đó, chúng tôi vào việc. Họ cho biết có chuyện làm ăn muốn bàn với tôi. Nói với tôi chuyện đó, họ đề phòng cẩn thận như những tên trộm cắp. Tuy chuyện của họ thật đơn giản: Họ có tiền (không ít) và muốn có nhiều hơn (tất nhiên), họ muốn bỏ vốn vào một công ty đầu tư tư nhân thật hoàn toàn ẩn danh đặt trụ sở ở Curacao trong quần đảo Antilles thuộc Hà Lan cũ, hoặc ở Panama, hoặc Caiman, hoặc Bahamas, hoặc Liechtenstein, hoặc bất cứ đâu cũng được miễn là giữ được bí mật triệt để. Họ mong đợi công ty sẽ thu được lợi nhuận cao nhờ tài quản lí tinh ranh của Franz Cimballi.

Franz Cimballi chính là tôi.

Tóm lại, một chuyện làm ăn kinh điển. Tiếp theo là bài vè cổ truyền về thuế má. Tôi ngồi nghe nhưng đầu nghĩ đến việc khác, cuối cùng tôi bảo: “Tôi hiểu ý mấy ông, xong rồi, mọi việc sẽ tốt đẹp”. Tôi chia tay với họ sau độ một tiếng bàn bạc. Lúc ấy vào khoảng mười một giờ mười lăm.

Tôi đi dọc bến Singel, những chiếc xuồng kết hoa đầy ắp hàng chở đi chợ, nhẹ nhàng lướt trên sông. Đến tận hôm nay trong mũi tôi vẫn còn phảng phất hương thơm những bó hoa ấy, trước mặt vẫn còn hiển hiện sắc mầu của chúng. Đi qua quảng trường Rembrandt[1], có lẽ thời tiết tốt nên xung quanh tượng đài nhà danh họa mới đông người thế kia. Việc tôi đi bộ ngày hôm ấy chắc hẳn là một điều gì đó. Tôi vẫn thường đi bộ khi bàn luận, khi muốn thuyết phục người đối thoại, tôi ít khi ở yên một chỗ, nhưng đi như thế này ngoài đường giữa một thành phố, chứng tỏ tôi đang băn khoăn về một điều gì đó tôi không nhớ lại được.

Đến trưa tôi về khách sạn Amstel. Tay phóng viên Mỹ đã đợi tôi trong đại sảnh. Tôi không nhớ ra anh ta. Anh ta nói:

— Anh quên tôi rồi hả?

— Đừng nghĩ bậy! Tôi đã nhớ tới anh ngay.

Tên anh là gì tôi cũng quên mất rồi: Mac Quelque gì đó. Anh ta cất công từ New York tới chỉ để gặp tôi, rất sung sướng, và phỏng vấn để viết bài cho tạp chí của anh ta đang có ý định dành hẳn một hoặc hai trang nói về tôi.

— Tại sao lại nói về tôi?

— Vì không có mấy người làm nổi một trăm triệu đôla ở tuổi hai lăm.

— Tôi đâu có làm ra một trăm triệu đôla! Một nửa?

— Một nửa cũng được. Một nửa chừng đó cũng giật gân lắm rồi, anh Cimballi. Gọi anh là Franz dược chứ? Vả lại anh còn chưa đến hai lăm nữa kia. Trông mới độ mười tám đôi mươi.

Bất thình lình tôi nhớ ra tên anh ta: MacQueen. Michael MacQueen.

— Nào ta đi, Mike.

— Anh không bằng lòng khi nghe nói mới độ mười tám?

— Còn đỡ hơn nếu anh bảo tôi trông như ông cụ năm mươi.

Adriano Letta từ thang máy bước ra, theo sau là một nhân viên mang hành lí, của anh ta và của tôi. Adriano hất hàm bảo tôi với giọng vui vẻ sôi nổi thường ngày “Máy bay đã sẵn sàng”. Đó là anh chàng nửa Pháp, nửa Lebanon, nửa Hy Lạp nửa Sicilien. Với một tí bã Tunisien, gốc Do Thái và vài giọt máu Tây Ban Nha. Nói được bảy tám thứ tiếng, người gầy gò đen đủi, mỗi năm chỉ cười một lần vào dịp Noel, ngồi gặm con nhím biển mất đúng hai lăm phút để khỏi bỏ sót tí gì, chỉ đoán mưa nắng thôi cũng đòi tiền công. Anh ta làm cho tôi từ bốn năm nay.

Tôi lôi MacQueen đi.

Anh ta hỏi.

— Đi đâu?

— Frankfurt.

— Trên sông Oder hay sông Main?

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x