Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Chắc hắn quý vị và các bạn đã từng có lần tự hỏi “Chúng ta tìm điều gì ở một cuốn tiểu thuyết? Hoặc một truyện ngắn (có dung lượng của cuốn tiểu thuyết, được cô đặc)?”

Câu hỏi đó có thể được trả lời: “Chúng ta tìm sự đồng cảm với những nỗi niềm của thân phận, chúng ta chia sẻ một thái độ đối với đời sống và sự sống, thông qua việc đón nhận những tình tiết sống động quyến rũ, những xúc cảm tinh tế hay dữ dội của con người… Để từ đó nhìn ra nét đặc thù tinh thần của thời đại hay cảm quan độc đáo của người viết (lúc đó có thể đã là của cả chúng ta – người đọc) về những vấn đề “mãi mãi” của con người.

Điều chúng ta băn khoăn cũng ở đó: liệu có tìm được điều chúng ta muốn trong cuốn sách này? Người viết đưa chúng ta tới cái đích đó bằng con đường nào, và ta sẽ đi trên con đường ấy ra sao?

Sự thú vị của việc đọc cũng nằm ở quá trình đó.

Tác giả Inrasara được biết tới như một nhà nghiên cứu văn hoá – xã hội Chăm, một nhà thơ quen biết vừa giành giải thưởng văn học ASEAN 2005 (với tập thơ Lễ Tẩy trần tháng Tư). Ông cũng vừa cho ra mắt bạn đọc tập phê bình – tiểu luận Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo.

Dễ dàng nhận thấy trong thơ của Inrasara dòng xúc cảm chắt lọc, tiết chế, và chứng nghiệm minh bạch làm lộ diện tâm trạng của đời sống Chăm xáo trộn, xô lệch thời hiện tại; xa xôi hơn, hướng tới nỗi buồn Chăm, và sự bí ẩn Chăm. Với một ngôn ngữ đậm và sáng, nhiều sự chuyển đổi cảm giác, liên tưởng; không thiếu ngọt ngào bay bổng.

Ngòi bút phê bình Inrasara bước đầu đi vào những biến chuyển của cảm hứng và lối viết trong sáng tác trong nước đương đại, với con mắt của người trong cuộc. Ông tập trung phân tích những kỹ thuật sáng tác hậu hiện đại, xem đó như phương tiện thích hợp biểu hiện cảm quan nghệ thuật trong sắc thái mới mẻ.

Trong dòng sáng tạo đó, tiểu thuyết Chân dung Cát của Inrasara được chúng tôi trân trọng giới thiệu tới độc giả, là nỗ lực mới của ông trong việc khắc hoạ diện mạo Chăm và cố gắng chinh phục thể loại; để có một ý niệm “tiểu thuyết” độc đáo của riêng mình.

Chân dung Cát hay Chân dung Chăm?

Nghèo khổ, phôi pha, lạc hậu, gần như bị thế giới văn minh bỏ quên, đó là hình dung của hầu hết mọi người về đời sống Chăm. Ngược lại, tháp Chàm, Katê, Baranưng, Ginang… lại gợi tò mò của nhiều người; nhưng là sự hiếu kỳ chốc lát về kỳ quan huy hoàng xưa, nay chỉ còn phế tích – một cảm giác tàn lụi.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x