Lòng Quê – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Từ 10 hay 11 thế-ký trước Tây-lịch kỷ nguyên (chừng khoảng giữa đời Hồng-Bàng ở nước ta) cho tới cuối đệ ngũ hay đầu đệ lục thế-kỷ (đối chiếu vào đời Tiền Lý : Lý-Bôn… Phật-Tử), khu-vực Sài-gòn thuộc trong bờ-cõi nước Phù-nam.
Từ thế-kỷ thứ 6, sấp sỉ vào thời Mai-Hắc-Đế, Bố-Cái Đại-Vương, đất này thuộc nước Thủy-Chân-lạp.
Đến thế-kỷ thứ 17, đã có một số người Việt di cư sang ở đất Bà-rịa của nước Thủy-Chân-lạp, rồi tiến xa dần tới khu rừng Gòn. Lúc ấy bờ-cõi hai nước Việt Lạp còn cách xa nhau khoảng ngàn lý (ước 420 cây số) vì còn có nước Chiêm-thành ở xen vào giữa từ Bắc Khánh-hòa (Kanthara) cho tới Nam Bình-thuận (Panduranga).
Để kiều-dân ta được che chở, năm Canh-thân (1620), Chúa Sãi Nguyễn-Phúc-Nguyên bèn gả công-chúa Ngọc-Vạn cho vua Chân-lạp Chey-Chetta H tức Nặc-Ông-Thu đệ nhị. Năm Bính-dần (1626), Nặc-Ông-Thu mất. Nhiều năm qua đi với nhiều biến-cố xẩy đến cho nước Chân-lạp và lúc ấy đã sang đời chúa Hiền Nguyễn-Phúc-Tần. Thái-hậu Ngọc-Vạn của Chân-lạp mới dâng thơ về cố-quốc xin cho quân sang đánh Nặc-Ông-Chân. Năm Mậu-tuất (1658), An-võ-hầu Tôn-Thất-Yên đem quân do đường thượng đạo sang bắt được Nặc-Ông-Chân ở khoảng núi Môi-xúy tức khu Định-quán thuộc Long-khánh ngày nay. Năm Kỷ-hợi (1659), Nặc-Ông-Chân được tha trở về nước, mới dâng đất Nông-nại (Biên-hòa) để tạ ơn.
Sau một thời gian đến lập nghiệp ở khu Rừng Gòn (Prei No-kor), Việt-kiều lại gặp đối kháng dữ dội của người Chân-lạp. Năm Giáp-dần (1674), Nặc-Ông-Đài đem quân Tiêm về đánh Nặc-Ông-Nộn, đuổi người Việt và ra mặt chống nhau với chúa Nguyễn. Chúa Hiền sai Cai-cơ đạo Nha-trang là Nguyễn-Dương-Lâm sang đánh, phá được thành Sài-gòn, rồi tiến lên vây thành Nam-vang. Nặc-Ông-Đài chạy vào chết ở trong rừng. Một hoàng-tử thuộc dòng vua chính ra hàng, được phong làm Chánh-quốc-vương đóng ở Long-úc (Oudong) tức Nặc-Ông-Thu đệ tam. Còn Nặc-Ông-Nộn được phong làm Phó-quốc-vương đóng ở Sài-gòn.
Năm Kỷ-mùi (1679), chúa Hiền cho bọn quan quân nhà Minh sang xin làm dân nước Nam vào khai phá đất Chân-lạp. Một phần trong bọn đó tới lập nghiệp ở khu Lộc-giã tức Đồng-nai (Biên-hòa). Phần khác tới khẩn đất và lập khu buôn bán ở đất Mỹ-tho. Cùng khi ấy, ta lập đồn quân ở ấp Đậu. Hiện có ấp Đậu thuộc khu Tân-mỹ (Đồng Bà Nghè) và xóm chợ Đậu gần đó, tất cả đều thuộc khu Tân-uyên.
Năm Mậu-thìn (1688), những người Việt gốc Hoa tại Mỹ-tho làm phản. Hoàng-Tiến giết Dương-Ngạn-Địch rồi đem cánh quân Long-môn đồn trú ở Nan-khê, có lẽ là Bàn-khê (rạch Ba-lơi, rạch Gắm) đóng tầu đúc súng, mưu toan đánh đuổi người Lạp để dựng riêng một cơ-đồ. Nặc-Ông-Thu cũng đắp lũy xây đồn để chống lại và không thần phục chúa Nguyễn nữa.
Chúa Nghĩa Nguyễn-Phúc-Trăn sai Vạn-long-hầu Mai-Vạn-Long sang Chân-lạp dẹp loạn. Hoàng-Tiến bị giết, nhưng việc Chân-lạp vẫn không thu xếp xong. Hào-lương-hầu Nguyễn-Hữu-Hào được cử sang thay, nhưng lại mắc kế mỹ-nhân, việc quân vẫn bị đình trệ. Sau đến lượt Chưởng-cơ Nguyễn-Hữu-Kính sang dẹp, Nặc-Ông-Chân mới chịu xin hàng.
Cũng vì có loạn Hoàng-Tiến, Phó-vương Chân-lạp mới bỏ khu Rừng Gòn và rời dinh về thành La-bích (thành La-bích này thuộc khu Trà-luộc, phần đất Vĩnh-bình giáp ranh Vĩnh-long).
Dù người Lạp đã rời khu Rừng Gòn từ năm 1688, nhưng mãi đến năm Mậu-dần (1698), Lễ-thành-hầu Nguyễn-Hữu-Kính mới sang thu nhận đất ấy và chia những đất đã chiếm được ra làm dinh huyện. Cũng gần hồi ấy, khoảng một năm trước (1697), ta đã lấy trọn cõi Chiêm-thành và ranh-giới nước ta liền với cõi Chân-lạp).
Sài-gòn, về thời chúa Nguyễn chạy vào Nam còn bị bao vây bằng nhiều cánh rừng rậm ở khu Hốc-môn, Tân-bình, Gò-vấp. Ngay ở vùng Phú-lâm thuộc quận 6 và phần lớn quận 7 cũng ở trong khu rừng già man mác. (Prei-Nokor tức thành vua Chân-lạp ở trong miền rừng Phú-lâm).
Năm Mậu-tuất (1778) một số đông người Hoa, trước ở Biên-hòa bị quân Tây-sơn dồn đuổi, mới giắt díu nhau ngược giòng sông Bến-nghé lên khu Chợ-lớn ngày nay. Họ lập phố phường buôn bán và gọi nơi đây là Đề-ngạn (bờ đê cao). Người Phước-kiến phát âm tiếng Đề-ngạn thành Tày-ngon, cũng nghe như Thầy-ngồn và gần âm với Sài-gòn. Thành phố Tày-ngon được ta kêu là Chợ-lớn từ khi người Pháp mở hai ngôi chợ trong khu : Chợ Lớn (đây chỉ Chợ lớn cũ) và Chợ Nhỏ (tức chợ Thiếc hay chợ Phó-cơ Điểu).
Sách liên quan
Đèn Không Hắt Bóng – Đọc sách online ebook pdf
Watanabe Dzunichi
Ở Lưng Chừng Nhìn Xuống Đám Đông – Đọc sách online ebook pdf
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Côi Cút Giữa Cảnh Đời – Đọc sách online ebook pdf
Ma Văn Kháng
Theo Đuổi – Đọc sách online ebook pdf
Thanh Thúy