
Phan Thanh Giản – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Nhờ một tấm lòng hiếu thuận hơn người, Phan Thanh Giản đã gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong buổi thiếu thời. Ở với mẹ ghẻ, Giản vẫn tránh được cái nạn mẹ ghẻ con chồng thảm hại, đến nỗi người mẹ ghẻ cũng phải mến. Xử việc liệu lý, Phan Thanh Giản vẫn được lòng cả mọi người, đến quan trên như Hiệp trấn Lương cũng động lòng mà hạ cố, đến bà góa tên Ân cũng xem Giản như con mà giúp cho từ miếng ăn tấm mặc.
Chưa chường mặt trên trận đời, nhưng Thanh Giản đã thọ ân nhiều quá. Nặng mang một tấm lòng con hiếu, một dạ giồi mài đạo hạnh, lẽ cố nhiên Phan Thanh Giản phải cố gắng thế nào cho không phụ bao nhiêu tấm lòng kỳ vọng ở mình. Thanh Giản đã có được những động lực đun đẩy kích thích, tài năng ngày một nảy nở, tâm chí ngày một được rèn giũa cho trong sáng. Và tiền trình… chắc chắn vô hạn lượng. Thanh Giản chắc hẳn cũng lắm lúc tự hiểu mình như thế.
Năm Ất Dậu (1825) nhằm năm Minh Mạng thứ 6, Thanh Giản ra thi tại trường Hương Gia Định, đỗ Cử nhân. Năm sau (Bính Tuất: 1826) thi Hội tại Kinh, Thanh Giản đỗ Tiến sĩ.
Một điều nên biết khoa thi Hội có đến 200 người, mà chỉ lấy đỗ được có 10 ông Tiến sĩ: Bắc Việt 7 người, Trung Việt 2, Nam Việt 1. Một người ở Nam Việt đây chính là cụ Phan Thanh Giản vậy. Xem thế thì đủ biết công phu học tập của Thanh Giản rất già dặn và nhiều cố gắng đến bậc nào.
Đỗ tiến sĩ rồi, Thanh Giản vâng lời cha để làm lễ cưới Nguyễn Thị Mỹ người làng Mỹ Lộc, huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Năm ấy Phan Thanh Giản được 31 tuổi.
Xem thế, lại một lần nữa ta phải kính phục đức độ Phan Thanh Giản. Đến tuổi ngoài ba mươi, con người ấy mới nghĩ đến việc thất gia, há không là một gương tốt cho thanh niên?
Tháng 8 năm ấy (1862) Phan Thanh Giản được bổ Hàn lâm viện biên tu. Sang tháng 11 được bổ làm Tham hiệp tỉnh Quảng Bình.
Năm Đinh Hợi (1827) nguyên phối của Thanh Giản là Nguyễn Thị Mỹ hạ sinh một gái. Nhưng đứa con đầu lòng không sống, và người vợ trẻ cũng không thọ.
Thanh Giản lên đường vào Kinh nhậm chức ở Quảng Bình, trong lúc đi đường, trải qua rừng vắng, Thanh Giản bồi hồi ngâm mấy vần lai láng:
Muôn dặm đường xa mới tới Kinh,
Bao nhiêu non nước bấy nhiêu tình.
Rừng không người vắng chim kêu rốn.
Trăng lặn sao mờ gió thổi rinh.
Năm Mậu Tý (1828) nhằm năm Minh Mạng thứ 9, Thanh Giản nghe viên Huấn đạo Nguyễn Văn Đức ca tụng đức hạnh một người phụ nữ tên Trần Thị Hoạch, người làng Đơn Vệ, huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị, con cụ Án Trần Công Án. Thanh Giản khi ấy đã 33 tuổi. Mà Trần Thị Hoạch cũng đã 30 tuổi nhưng chưa chồng vì rất kén. Thanh Giản hâm mộ tiếng tăm Trần thị, mới cậy người mai mối mà cưới.
Nếu Thanh Giản cưới vợ rồi lập gia đình thì cũng là chuyện thường, còn có gì đáng nói. Nhưng ở đây, chúng ta lại phải phục vợ chồng Thanh Giản là người rất phi thường. Vì sau khi cưới hỏi nhau rồi, chẳng được bao lâu, Thanh Giản ngậm ngùi nỗi cha già trong Nam vò võ, mới than thở với vợ, xin Trần thị hãy tưởng tình mình mà vào Nam phụng dưỡng cha già. Vợ chồng mới cưới, ân tình còn đang nồng, thế mà Trần Thị Hoạch vui lòng đảm nhận cái nhiệm vụ của Thanh Giản giao cho. Thanh Giản sa nước mắt vì cảm động. Ngày đưa vợ về làng Bảo Thạnh, vợ chồng Thanh Giản đều ngùi ngùi, riêng Thanh Giản đã băn khoăn cảm động rất mực mà đưa tặng vợ một bài thơ lâm ly tình tứ:
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng,
Lòng nầy ghi tạc có non sông.
Đường mây cười tớ ham rong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.
Ân nước nợ trai đành nỗi bận,
Cha già nhà khó cậy nhau cùng.
Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt,
Rằng nhớ rằng quên lòng hỡi lòng!
Đừng tưởng Thanh Giản sở dĩ đưa vợ về Bảo Thạnh là vì còn có hầu thiếp thiếu gì. Không. Thật ra Thanh Giản là người không ưa sắc đẹp đàn bà, một phần cũng nhờ công phu học vấn sâu dày. Một điều minh chứng cho việc Thanh Giản không luyến sắc, là sau đó chính Trần thị có xin cưới cho chồng một người thiếp tên Thịnh ở làng Bảo Thạnh. Nhưng Thanh Giản cho thị Thịnh về lấy chồng khác. Và tội nghiệp! Thị Thịnh có lẽ cũng cảm vì đức độ của Thanh Giản mà từ đó cứ ở vậy cho đến chết!
Lại thêm một bằng chứng nữa. Về sau, Thanh Giản làm Kinh lược sứ ba tỉnh miền tây Nam Việt, một hôm có quan Tổng đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển đến thăm, nhân vui miệng có hỏi:
– Sao quan lớn không dùng hầu thiếp.
Thanh Giản đáp:
– Tôi không đủ ngày giờ lo việc quốc gia, có ngày giờ đâu mà lo việc hầu thiếp. Tôi chỉ thích hoa quỳ, vì sắc nó đẹp tự nhiên, hương nó thơm dìu dịu, sắc hương người có sánh được đâu. Vả lại tính nó có rõ ràng ngay thẳng nó mới dám nhìn mãi mặt trời mà không chút thẹn. Vậy nên tôi yêu quý nó hơn đàn bà đẹp.
Đấy, cái công phu học vấn của Thanh Giản có thể tóm lại ở bốn chữ: “Sùng Nho trọng Đạo”. Ở chương này, xin chép tỉ mỉ về đức độ của Thanh Giản để làm một tấm gương sáng cho chúng ta soi.
Khi trẻ có hiếu đến cảm được người chung quanh. Rồi trót thọ ân người, Thanh Giản đã cố gẵng đỗ đạt để mong báo đền.
Có gì cảm động bằng khi Thanh Giản đi thi, bà Ân là người đã chu cấp cho Thanh Giản rất nhiều, khi ấy có may cho Thanh Giản một cái áo lương. Thanh Giản không bao giờ quên kỷ niệm, gìn giữ áo ấy cho đến chết vẫn còn, mà thời thường hay lấy ra xem và nhắc nhở cho con cháu biết gốc tích.
Đối với quan Hiệp trấn Lương là người đã đỡ đầu cho Thanh Giản, Thanh Giản luôn luôn kính trọng, thăm nom xem như cha mẹ. Còn đối với thầy học, Thanh Giản khi được vẻ vang rồi, mỗi khi có dịp về thăm thầy, đi gần tới nhà thầy thì lật đật xuống võng mà đi bộ vào nhà, rất mực cung kính đối với thầy học.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.