Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

II

Lại một lần nữa Hưng Đạo vương cùng một số gia tướng, gia thần đi đến từng trang ấp bị giặc Nguyên tàn phá xem dân chúng đã hồi phục được đến đâu.

Ngồi trên mình ngựa, Hưng Đạo chỉ về một thôn ấp mờ xa nằm sát mép sông, nơi các mái rạ đang đùn lên những làn khói bếp trắng đục như sương sớm. Nhìn mặt trời lên gần tới đỉnh đầu, vị tướng già thầm nghĩ: “Thế là người dân đã có cái đổ vào nồi, đã đỏ lửa cho bữa ăn trưa. Chẳng biết họ ăn cơm hay ăn cháo đây”.

Hưng Đạo ngoảnh mặt về phía sau hỏi viên tùy tướng Yết Kiêu:

– Có phải cái ấp ta sắp đến kia là ấp An Lạc không?

– Dạ bẩm chủ tướng, đó chính là ấp An Lạc.

Đi chừng mươi bước ngựa, Yết Kiêu rướn lên nói tiếp:

– Bẩm vương chắc ngài thấy lạ, vì lần trước ta qua đây sau khi vừa đuổi giặc ra khỏi cõi, nó còn là vùng đất chết, thế mà nay đã có sinh khí.

– Phải! Vương đáp, giọng ngài đã có vẻ vui vui. – Bởi ta thấy sự sống đang hồi sinh, đất và người đều đượm đầy sinh khí.

Vương cùng các bộ tướng cứ thả ngựa đi nước kiệu bên phía tả ngạn sông Bình Than xuôi về phía hạ lưu. Dòng sông phẳng lặng, hai bên bờ, rừng chạy miên man ra tận mép nước. Thời tiết đã vào hạ, những trận mưa rào đầu mùa khiến rừng cây tăng độ ẩm nên các tàng cây thường có hơi nước bốc lên bảng lảng như sương như khói. Nếu cứ nhìn dòng sông phẳng lặng và hai bên bờ sông, rừng nối rừng xanh mướt chạy dài tới hút cả tầm mắt kia, có ai ngờ cách đây mới hơn nửa năm trời, cả mấy chục vạn quân giặc qua đây, tưởng như chúng có thể nuốt chửng cả cây rừng, uống cạn hết nước sông và hủy diệt cả xứ sở này. Nhớ khi ta bỏ ải Nội Bàng lui về giữ Vạn Kiếp, đánh nhau mấy trận, ta làm như quyết giữ Vạn Kiếp, chẹn cứng giặc ở sông Lục Nam không cho chúng xuôi về Lục Đầu giang. Ấy là ta đã biết giặc không vào đường thủy qua cửa Bạch Đằng nên không sợ có quân tập hậu. Bất chợt ta lại lui về giữ Thăng Long khiến giặc vừa căng sức đuổi quân ta, vừa chia quân giữ đất nên lực chúng càng ngày càng mỏng và chúng không còn giữ được ưu thế lúc ban đầu. Và giặc cũng không thể đánh ta theo ý chúng nữa. Đang có lợi thế, ta đã toan phản công thì Tĩnh quốc vương Trần Quốc Khang không giữ nổi cửa quan Nghệ An khiến Toa-đô đánh vào phía sau quân ta. Tình thế đang trở nên khó khăn thì Trần Kiện (con của Quốc Khang) trấn tại Thanh Hóa đem hai vạn quân dưới trướng ra hàng giặc. Lại nữa cha con Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc đem tất cả số quân thuộc quyền về hàng giặc khiến thế nước trăm phần chao đảo. Cái nguy hại là Trần Ích Tắc theo giặc đã nêu một tấm gương cực xấu khiến người trung chính cũng có phần nghiêng ngả, còn kẻ vốn đã lung lay thì ào ào theo giặc. Thế cuộc thật gian nan. Ấy thế mà rồi ta vẫn đuổi được giặc ra khỏi cõi bờ. Sức mạnh ấy ở đâu ra, đành rằng nó từ gan ruột tướng sĩ, từ muôn dân, nhưng thử hỏi nếu không có hồn thiêng sông núi cho ta làm điểm tựa, nếu vong linh tiên tổ không hiện về cho ta sức mạnh thì sao ta có thể xô ngã được quân thù… Vị tướng già cứ miên man hồi tưởng lại các hình ảnh của cuộc chiến vừa qua mà ngài cảm như một cơn ác mộng. Bất chợt ngựa đã dừng trước một ngòi nước lớn. Đây chính là cửa một con sông nhỏ bắt nguồn từ một dòng suối chảy len lách qua những cánh rừng, và ấp An Lạc nằm trên một doi bãi bồi được tạo ra từ dòng suối này với sông lớn Đại Than. Ấp An Lạc cũng chính là ấp Tân Lập do Hưng Đạo cho dân vào khai phá khoảng hơn mười năm nay và cho họ quyền sở hữu đất ấy. Vì là đất nằm trong vùng thái ấp của vương nên vương không phải xin phép triều đình.

Yết Kiêu dẫn cả đoàn đi ngược dòng suối khoảng vài ba dặm nơi có đoạn thắt ruột gà hẹp nhất, ngựa lấy đà đều nhảy qua dễ dàng.

Khi Hưng Đạo vương và đoàn tùy tùng vừa đến đầu ấp thì dân trong ấp từ già đến trẻ đã tụ họp đông đủ đón chào vương.

Trưởng ấp là một ông già quắc thước chít khăn đầu rìu để hở mái tóc bạc như cước, chòm râu dài trước ngực trắng xóa. Ông vận chiếc áo nâu dài tới ngang đầu gối, cánh tay áo chỉ phủ kín bờ vai nên vẫn lộ hai cánh tay trần đen bóng, bắp thịt nổi cuộn và in hằn hai chữ “SÁT THÁT”[7] màu chàm sẫm. Ngang lưng ông lão thắt chiếc dây lưng vải bạch bố múi xoay về phía sườn trái. Ông vận chiếc quần nâu lửng phủ tới nửa ống chân để lộ rõ bàn chân với các ngón tõe ra và hai ngón cái nằm ngang ra như châu đầu vào nhau. Người Tàu nhìn thấy các ngón chân của người Việt như vậy, nên họ gọi mình là “dân Giao Chỉ”. Tiếc rằng lối gọi kỳ thị ấy của lũ xâm lăng ngạo mạn đã tồn tại khá lâu trong lịch sử.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x