Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Chỉ còn hai ngày nữa là Tết.

Trời mưa suốt. Mưa không sầm sập, ào ạt, nặng hạt như mưa hạ. Mưa bấc đông li ti, đêm, ngày, dầm dề hết đợt này tới đợt khác, làm toàn bộ trời đất rộng lớn quanh Hà Nội sũng nước. Mưa mùa đông Hà Nội vốn lạnh, năm nay lại càng lạnh hơn.

Vợ chồng Anh Thụy vừa từ Nga trở về. Trong hơn chục năm xa nhà, cô tiến sĩ ngôn ngữ đã bao lần chờ đợi, mong mỏi cái Tết trở về đầu tiên xum họp với mẹ.

Sớm nay nhìn trời, thấy hai con lụt sụt áo mưa ra khỏi nhà. Con gái đã lớn, chồng con rồi mà mẹ vẫn coi Anh Thụy còn bé như ngày nào, gọi con gái quay lại, bắt quàng thêm cái khăn ấm, dặn: Cái thời tiết ở ta ghê lắm đấy. Đừng chủ quan lại ốm! Bà còn nói với theo bóng con rể vừa phóng xe đi trong mưa: “Rõ khổ! Chưa năm nào mưa rét dai dẳng như năm nay. Chặp này, năm ngoái, rét cũng chỉ rét lộc rét đài, có lạnh, có mưa chút ít, chứ không mưa thối đất.”

– Thảo nào, chợ hoa năm nay ít hoa đẹp thế – Anh Thụy nói với mẹ – Mưa thế này mẹ ở nhà thôi. Còn vài thứ lặt vặt, chiều nay chúng con sẽ rẽ qua chợ Hôm mua nốt.

***

Sẩm tối Hai Tám Tết. Thụy cùng mẹ lau dọn bàn thờ. Cô nói với mẹ: “Hoa đào cả mấy điểm chợ hoa đa phần xơ xác. Loe xoe nụ. Búp lá nhiều hơn hoa. Hồng thì đầy chợ, song rặt thứ bọc quấn giấy.” Ừ, cắm thứ ấy, chưa tàn ngày đã tàn hoa – Mẹ cô đế vào. “Chỉ có Quất là được mùa. Cây nào cây ấy vàng chóe quả. Bồng to, bồng nhỏ tròn vo nom rất thích mắt”. Cô dừng nói. Chút nữa cô nói ra điều bí mật dành cho mẹ đêm Ba Mươi.

Thôi, chiều mai rủ anh ấy ra chợ hoa lần nữa. Hàng Lược không có thì tới chợ hoa Nhật Tân. Thế nào chả tìm thấy vài nhánh hoa Violet! Cô cầm tấm ảnh thờ của cha lên, thoa nhẹ giấy ướt trên lên tấm kính, rồi cẩn trọng đặt khung ảnh nhẹ nhàng sau bát hương của bố. Người ở tấm ảnh có khuôn mặt còn trẻ, đội mù Kê-Pi, mặc bộ quần sĩ quan, ngực đeo dăm chiếc huân chương như hơi mỉm cười với cô. Thụy thắp ba nén hương. Thứ hương Hà Nội thơm đặc biệt, nhẹ nhàng, không gắt, ấm và đằm, ngan ngát. Cô nhìn đăm đăm vào mắt bố. Năm bố mất, mẹ cô trẻ hơn cô bây giờ, thế mà mẹ vẫn ở vậy. Người Nga đa số đâu xử sự như mẹ cô. Chỉ phụ nữ Việt, lớp người như cha mẹ cô đã hết lòng vì con, hy sinh tất cả.

– Bố ơi, năm nay chúng con về ăn Tết với mẹ đây. Bố về ăn Tết với mẹ nhé. Con chưa bao giờ quên cái Tết cuối cùng của bố với mẹ năm nào – Thụy nghĩ tới đấy, thì nước mắt cứ muốn túa ra. Cô quay mặt đi, sợ mẹ nhìn thấy. Phải rồi, bao nhiêu năm ở nước Nga ăn học, Thụy chưa bao giờ nguôi nhớ bố, thương mẹ. Nhất là khi Tết về. Cô nhớ cái thời bao cấp khổ cực. Nhớ cái nết ăn Tết của cha mẹ cô, nhất là mẹ, dù ở Hà Nội hay ở tận đâu, hoa là điều chưa khi nào thiếu trong dịp Tết của bà giáo dạy ngoại ngữ…Cô đã mơ bao lần về cái Tết này rồi. Cô sẽ cùng mẹ gói bánh. Cô sẽ trang trí thật đẹp ngôi nhà. Cả cái phòng theo phong cách Nga của vợ chồng cô và bé Xim. Bánh thì hôm nọ cả nhà cô tập trung với nhà bác ruột gói rồi, luộc rồi. Nhà cũng sửa mới sau hai tháng xong rồi. Đào mẹ cũng mua cả rồi. Chỉ còn cái phòng khách là không có bình hoa tím ngăn ngắt mà khi bố còn sống, bao giờ cũng có một bình thực lớn bố mua tặng mẹ.

Cô muốn sự bất ngờ ở Tết đầu tiên trở về này. Bao nhiêu năm nay, từ ngày bố mất, mẹ ăn Tết vò võ một mình. Mẹ đẹp. Những tấm ảnh bố mẹ chụp bên nhau còn kia. Cô gái Hà Nội có mái tóc bồng, thả xuống bờ vai là những búp to hơi sóng. Và, tấm khăn San-le choàng ngang vai áo dài với nụ cười tươi làm mẹ mới đẹp làm sao. Vậy mà mẹ chẳng chịu đi thêm bước nữa, mẹ đã hy sinh cả đời người đàn bà đang độ chín nhất, đẹp nhất để tập trung nuôi, dạy dỗ cô khôn lớn. Như lời chồng bà hằng tâm niệm: Chẳng ai trong anh và em muốn xa cách. Chúng ta phải chiến đấu triền miên, hy sinh bao nhiêu cũng là cho con cái được sống hòa bình, được ăn học nên người.

Mỗi khi Tết về, Thụy thấy mẹ vẫn theo nếp cũ của gia đình nhà Ngoại, một dòng họ sống lâu đời ở Hà Nội, chuẩn bị Tết lễ thực công phu. Mẹ nấu chè đãi đỗ trên mâm cúng Tết, không thể thứ chè nào thơm ngon bằng. Cả trà mẹ dành cho bố cũng được mẹ chế biến kì khu. Mẹ mua hoa sen từ tháng hè, tẻ từng hạt gạo sen, cẩn thận rắc chúng ướp từng lượt trà đã sao ấm, ủ kĩ trong cái thẩu sành nhỏ rồi gửi cho bố… Từ ngày Anh Thụy sang Nga biền biệt, bà ăn Tết đạm bạc hơn, song vẫn giữ thói quen, có thể thiếu thịt cá, song không thể thiếu hoa cho ngày Tết, như thư nào mẹ viết: “Năm nay ngoài cành đào cho phòng khách, huệ cho ông bà tỏ tiên, mẹ chỉ mua một bình hoa cúc đại đóa vàng rực suốt cả gần chục ngày sau Tết. Mẹ không tự mua hoa violet. Đi qua chợ, nhìn nhành hoa nào màu tím cũng nhớ bố con…” Phải rồi, Violet thường là hoa bố mua dành tặng mẹ. Tuổi thơ của cô chỉ có sáu năm có bố. Dù như vậy, kí ức chưa bao giờ tàn phai trong Anh Thụy về cái Tết cuối cùng ấy, về loài hoa bố cứ Tết về bố tặng mẹ. Mỗi lần nhớ tới bố là Anh Thụy chỉ muốn khóc.

Chiếc U-oat đỗ trước cửa nhà, bố bước xuống, áo khoác mưa bộ đội ướt đẫm mưa. Bó hoa trên tay bố cũng đầy những hạt nước trong suốt như pha lê trên những nụ hoa Violet tím sẫm. Thế mà hơn gần ba mươi năm rồi. Ai có ngờ được sau ngày Một Tết năm ấy, bố phải đi gấp lên biên giới và vĩnh viễn không bao giờ trở về.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x