Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

THẾ VÀO LỜI BẠT

VỀ LỜI BẠT NÓI CHUNG

Khi tỉnh dậy, chớ chồm ra khỏi giường như bị châm đốt.

Trước tiên hãy ngẫm nghĩ về những gì đã đến với anh trong mơ.

Tôi nghĩ rằng chính Đức Allah [1] trước khi kể lại với đám hầu cận của mình một câu chuyện lý thú nào đấy, hay trước khi ban phát một lời giáo lý nào đấy, thi thoạt tiên cũng châm thuốc hút, chậm rãi hít một hơi thật dài và ngẫm nghĩ.

Máy bay trước khi cất cánh, rồ máy rất lâu, sau đó người ta kéo nó ngang qua sân bay để ra đường băng, tiếp đấy nó rồ máy ầm ĩ hơn, từ từ chạy và chỉ sau khi làm xong những việc đó, nó mới bay lên không trung.

Máy bay trực thăng không cần chạy một đoạn, nhưng nó cũng rồ máy rất lâu, gầm rít, toàn thân rung lên một cách căng thẳng, trước khi rời khỏi mặt đất.

Chỉ có chim ưng trên núi từ vách đá lao thẳng vào bẩu trời xanh thẳm, nhẹ nhàng lượn lên cao mãi, cao mãi cho đến khi biến thành cái chấm nhỏ xíu dần mất hút trên nền trời.

Mọi cuốn sách hay cần phải mở đầu như vậy, không cần viện đến lời rào trước đón sau dài dòng, không cần đến lời nói đầu buồn tẻ. Bởi vì nếu có con bò lớn chạy ngang qua mà anh không kịp túm lấy sừng giữ nó lại thì anh sẽ không thể nắm đuôi mà giữ nó được nữa.

Một ca sĩ cầm lấy cây đàn panđur [2]. Tôi biết rằng ca sĩ có giọng khá hay, vậy thì việc gì anh ta lại phải “bật bông” lâu thế, nhạt nhẽo thế trước khi cất giọng hát? Cũng có thể nói như vậy về bản báo cáo đọc trước buổi liên hoan văn nghệ, về bài nói chuyện trước vở kịch sắp mở màn, về những lời giáo huấn tẻ ngắt mà bố vợ thết đãi chàng rể khi lẽ ra là nên mời ngay vào bàn tiệc và rót rượu ra cốc.

Một lần, có mấy chàng hiệp sĩ khoe với nhau về thanh gươm của mình. Họ nói rằng những thanh gươm ấy được làm bằng thứ thép tốt như thế nào, những câu thơ tuyệt vời nào trích từ cuốn kinh Hồi giáo đã được khắc lên gươm. Trong số những chàng hiệp sĩ đó có Khátgi – Murát, người tù trưởng của Samin. Chàng nói:

– Sao các người lại tranh cãi với nhau dưới bóng mát cây ngô đồng? Sáng sớm mai sẽ diễn ra một trận chiến đấu, và lúc ấy chính lưỡi gươm của các người sẽ chứng tỏ cái nào là tốt nhất.

Nhưng tuy vậy, tôi nghĩ rằng, Đức Allah vẫn chậm rãi hút thuốc trước khi bắt đầu câu chuyện kể của mình.

Nhưng tuy vậy, ở vùng núi chúng tôi, vẫn có phong tục là kỵ sĩ không nhảy lên yên ngựa bên cạnh ngưỡng cửa của mình. Anh ta cần phải dắt ngựa ra khỏi bản. Cần làm như vậy chắc là để một lần nữa suy nghĩ xem anh đã để lại đây những gì và những gì sẽ đến với anh trên đường đi. Dù công việc thúc bách đến đâu, anh vẫn tư lự, chậm rãi cầm dây cương dắt ngựa qua bản để rồi sau đó, khẽ chạm chân vào bàn đạp, anh nhảy phắt lên yên, cúi rạp mình xuống và nhòa dần trong đám bụi đường.

Đấy, tôi cũng vậy, trước khi nhảy lên yên cuốn sách của tôi, tôi cũng chậm chạp bước đi với vẻ đăm chiêu. Tôi cầm dây cương ngựa và đi bên cạnh nó. Tôi đang nghĩ ngợi. Tôi không vội nói thành lời.

Lời nói lúng búng không phải chỉ trong miệng người có tật nói lắp, mà còn cả trong miệng người đang cố tìm một lời nào thích hợp nhất, cần thiết nhất, sâu sắc nhất. Tôi không hy vọng làm ai ngạc nhiên về sự sâu sắc, uyên thâm, nhưng tôi cũng không phải người nói lắp. Tôi đi tìm lời nói cần thiết.

Abutalíp nói: Lời bạt một cuốn sách chính là cái cọng rơm mà người đàn bà miền núi mê tín ngậm ở răng khi vá áo choàng ấm cho chồng. Bởi vì nếu lúc ấy không ngậm một cọng rơm thì tương truyền rằng chiếc áo choàng sẽ biến thành tấm áo liệm.

Abutalíp còn nói: Tôi giống như một người mò mẫm trong màn đêm tìm cửa để vào, hoặc là giống người đã sờ thấy cửa, nhưng còn chưa biết là có thể vào được không, có đáng vào hay không. Anh ta gõ cửa: Cốc – cốc, cốc – cốc.

– E hèm, trong nhà nghe đây này, nếu các người định luộc thịt thì đến giờ dậy rồi!

– E hèm, trong nhà nghe đây này, nếu các người định giã lúa mạch, thì cứ ngủ cho khỏe nhé, không việc gì phải vội cả.

– E hèm, trong nhà nghe đây này, nếu các người định uống buza [3], thì đừng quên mời hàng xóm nghen!

Cốc – cốc, cốc – cốc.- Này, thế thì tớ nên vào hay là các người không cần đến tớ?

Con người cần hai năm để học nói và cần sáu mươi năm để học cách im lặng.

Tôi không phải hai tuổi và cũng không phải sáu mươi. Tôi đang ở giữa độ đường. Tuy nhiên, có lẽ tôi gần điểm sau hơn, vì lời chưa nói tôi quý hơn tất cả những lời nói rồi.

Cuốn sách chưa viết tôi quý hơn tât cả những cuốn đã viết. Cuốn sách ấy là quý nhất, thân thiết nhất, khó khăn nhất.

Cuốn sách mới là một cái động mà tôi chưa từng bước vào, nhưng cái động đó đã mở ra trước mắt tôi, mời chào tôi bước vào khoảng sâu thẳm mờ sương. Cuốn sách mới là con ngựa tôi chưa từng thắng yên cương, là con dao găm tôi chưa từng rút ra khỏi bao.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x