Nam Hải Dị Nhân Liệt Truyện – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
2. Bố Cái Đại Vươn
Về thời nội thuộc nhà Đường ở quận Đường Lâm, (bây giờ là làng Cam Lâm thuộc huyện Phúc Thọ, Sơn Tây), có ông Phùng Hưng, nguyên đời đời được tập phong làm Tù trưởng châu ấy (tức là quan lang).
Nhà ông Phùng Hưng giàu có quyền hành nhất vùng ấy, lại có sức khỏe lạ thường, có thể đấm chết hổ, đẩy ngã trâu. Em tên là Phùng Hải, cũng có sức khỏe đội nổi nghìn cân, đi hơn 10 dặm. Các người rợ đâu đâu cũng phục nhà ông ấy.
Trong năm Trinh Nguyên nhà Đường (791), nước Nam có đám loạn quân khởi biến. Hai anh em ông Phùng Hưng nhân dịp ấy, mới đem quân đi dẹp loạn các nơi lân ấp, đi đến đâu dẹp tan đến đấy.
Ông ấy đắc chí rồi, đổi tên gọi là Cự Lão, tự xưng là Đô Quân. Em thì đổi tên là Cự Lực, tự xưng là Đô Bảo. Nhân dùng mẹo của bộ tướng tên là Đỗ Anh Luân, đem quân tràn ra các châu quận, người theo về càng ngày càng nhiều, có ý muốn đến phá phủ Đô Hộ.
Quan Đô Hộ bấy giờ là Cao Chính Bình, đem quân đi đánh bị thua, rồi lo lắng thành bệnh mà chết. Ông Phùng Hưng mới chiếm giữ phủ thành, tự coi việc Đô Hộ, được 7 năm thì mất.
Chúng muốn lập em là Hải lên nối ngôi, nhưng trong bọn bầy tôi có người đầu mục tên là Bồ Phá Lặc, có sức khỏe đạp đổ núi, nhấc nổi vạc, người ấy nhất định không nghe, mới lập con ông Hưng tên là An lên nối nghiệp, mà đem quân ra cự nhau với Phùng Hải. Hải chịu thua, Bồ Phá Lặc bắt đầy ra ở đồng Chu Nhan.
An được lập rồi, tôn vua cha được gọi là Bố Cái đại vương (tục bấy giờ gọi cha là Bố, gọi mẹ là Cái). Được hai năm vua Đức Tôn nhà Đường sai Triệu Xương sang làm Đô Hộ, Triệu Xương sai sứ đến dụ hàng, An chịu hàng, cơ nghiệp họ Phùng mới đổ.
Khi trước ông Phùng Hưng mới mất, thường có hiển linh ở trong dân thôn, hiện hình ra nghìn xe, muôn ngựa, bay ở trên các mái nhà, cùng là trên ngọn cây cổ thụ, trông tựa hồ đám mây ngũ sắc. Lại có tiếng đàn sáo bát âm ở trên không, và tiếng quát tháo. Lại thấp thoáng trông thấy cả cờ, tán, võng, lọng. Phàm trong làng có việc gì mừng hay sợ, tất báo mộng trước cho các người hào trưởng. Dân gian thấy lắm sự hiển linh, mới lập miếu ở mé tây phủ Đô Hộ để thờ. Dân có việc cầu đảo, thường ứng nghiệm lắm.
Đến thời Ngô Chủ Quyền, có giặc Bắc sang xâm. Ngô chủ nằm mơ thấy một ông cụ đầu bạc phơ phơ, áo mũ tề chỉnh, tự xưng là Phùng Hưng và nói rằng: “Tôi xin lĩnh một muôn thần binh, phục sẵn ở chỗ hiểm yếu, ông nên tiến binh mà đánh giặc đi, đã có tôi giúp, không cần phải lo.” Đến lúc này Ngô Chủ đánh nhau với Hoằng Tháo ở sông Bạch đằng, quả nhiên nghe trên không có tiếng xe ngựa ầm ầm. Ngô chủ phá được quân Nam Hán giở về, sai sửa sang đình miếu cho hoa mỹ rồi dùng lễ thái lao đến tạ ơn.
Từ bấy giờ chiều nào cũng có phong tặng, phong làm “Phu hựu chương tín sùng nghĩa đại vương.”
3. Đinh Tiên Hoàng
Tiên Hoàng họ Đinh tên là Hoàn, người ở đổng Hoa Lư, phủ Đại Hoàng (bây giờ là phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình), nguyên là con quan nha tướng của Dương Đình Nghệ tên là Đinh Công Trứ.
Tục truyền ở đổng Hoa Lư xưa có con rái cá cực to, vợ ông Công Trứ một hôm tắm ở dưới suối, bị con rái cá hiếp, về mới có mang. Khi con rái cá bị người ta bắt được ăn thịt, quẳng xương ra đường cái, thì bà ấy nhặt về mà gác lên gác bếp.
Về sau, ông Công Trứ mất rồi, bà ấy mới sinh ra Đinh Tiên Hoàng, Tiên Hoàng lớn lên, thông minh nhanh nhẹn, mà tài nghề lội nước. Nhà nghèo, phải nương nhờ ở với chú. Bấy giờ có một thầy địa lý Tàu sang nước ta xem đất, đi từ Hưng, Tuyên theo long mạch đến mãi phủ Đại Hoàng, trông xuống dòng sông thấy nước sâu thăm thẳm mà xoáy mạnh lắm, đồ là ở đấy tất có huyệt đế vương. Mới gọi trẻ thuê tiền cho thử lặn xuống chỗ ấy xem làm sao. Tiên Hoàng vốn tài lặn, mới nhận lời lặn xuống thì sờ thấy có con ngựa bằng đá đứng ở dưới đáy sông, mới lên bờ bảo với người khách, người khách đưa cho nắm cỏ, bảo thử xuống dử vào mồm ngựa xem ra làm sao, ngài cầm nắm cỏ xuống dử thì con ngựa há miệng ra đớp ngay.
Ngài lại lên nói chuyện với người khách, người khách lấy tiền thưởng cho ngài rồi đi. Ngài vốn thông minh, biết ngay chỗ ấy hẳn là đại huyệt, rồi về nói chuyện với mẹ. Xem mả cha ở đâu, để đem táng vào huyệt ấy. Bà mẹ trỏ lên gác bếp, rồi lấy nắm xương đưa cho ngài, ngài đem ra, lặn lại xuống chỗ vực sâu ấy, cũng lấy cỏ bọc nắm xương dử vào mồm ngựa thì con ngựa cũng đớp và nuốt đi.
Từ đấy ngài sinh ra bạo tợn, các trẻ chăn trâu bò đều sợ, bầu ngài lên làm tướng, bẻ hoa lau làm cờ, chặt tre làm khí giới, đi đánh nhau với trẻ làng khác. Đi đến đâu, các trẻ phải sợ hãi kinh phục. Một bữa, hội hết trẻ các làng ở ngoài đồng, nhân có con bò của chú cho đi chăn, mổ ngay ra làm cỗ để khao các chúng. Chú ở nhà nghe tin, vác gậy ra đồng xem làm sao, thì thấy chúng đã ăn tiệc xong rồi. Chú tức giận lắm, vác gậy đuổi đánh, ngài sợ hãi, chạy đã bí đường, phải nhảy choàng xuống sông, bỗng dưng có con rồng vàng ở dưới sông hiện ra đội ngài lên, người chú thấy vậy kinh hoảng, vội vàng bỏ gậy mà lạy phục xuống đất.
Sách liên quan
Thần Tiên, Người Đang Làm Gì – Đọc sách online ebook pdf
Vi Lộ Thần Hi
Nam Thần Kiêu Ngạo – Đọc sách online ebook pdf
Mạch Ngôn Xuyên