Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

HồI THứ HAI

Phố Hội An phát hiện âm mưu lớn

Ô Long đao đại chiến kiếm Ỷ Thiên.

*

Minh Giác thiền sư vào thành diện kiến Võ vương lúc đang thiết triều, có đông đủ bá quan ở đó. Thiền sư tâu:

– Tâu vương thượng, bần tăng có việc hệ trọng muốn trình lên vương thượng. Xin vương thượng đích thân ngự khán rồi quyết định cho.

Tâu xong ngài lấy phong thư của Vô Danh thiền sư trao cho người hầu cận dâng lên Võ vương. Võ vương đọc qua, nét mặt lộ rõ vẻ vui mừng:

– Hay lắm! Ta vừa xưng vương lại được kho vàng này thì đúng là lòng trời hướng đến vương quốc của ta rồi. Quan Ngoại tả hãy xem đây.

Võ vương trao bức thư cho Ngoại tả Trương Phúc Loan bảo:

– Quan ngoại tả hãy đọc lớn lên cho mọi người nghe đi. Hà! Thật là song hỉ lâm cung!

Phúc Loan cúi đầu:

– Thần tuân mạng!

Rồi giở thư ra đọc lớn:

“Muôn tâu Vương thượng,

Bần tăng là Vô Danh ở núi Bích Khê huyện Phù Ly phủ Quy Nhơn, đã có duyên cùng sư huynh Minh Giác diện kiến Vương thượng trong đại điển đăng quang. Nguyên vì tệ đồ có cơ may phát hiện ra một mỏ vàng trong vùng núi Kim Sơn, thuộc ranh giới huyện Phù Ly và Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn. Vì biết đây là tài sản quí giá của nước nhà nên bần tăng viết thư này trình lên Vương thượng, cúi mong Vương thượng mau chóng cử Khâm sai đến Phù Ly để tiếp quản kho báu quốc gia.

Cầu Vương thượng tuế tăng vạn tuế.
Vô Danh kính thư.”

Bá quan nghe xong ai nấy đều mừng rỡ, tất cả đồng quì xuống tung hô:

– Chúng thần xin chúc mừng vương thượng! Như vậy là trời đã thuận ý với việc xưng vương của vương thượng nên mới ban cho kho báu để vương nghiệp bền vững đời đời. Từ nay lời sấm hoang đường kia sẽ không còn đáng lo ngại nữa. Cầu vương thượng tuế tăng vạn tuế.

Võ vương cười hớn hở:

– Các khanh hãy bình thân. Ta có lời khen ngợi đến Vô Danh thiền sư và sư phụ Minh Giác. Các khanh hãy đề cử xem ai có thể làm khâm sai trong việc này?

Ngoại tả Trương Phúc Loan lên tiếng:

– Tâu Vương thượng, theo ý của hạ thần ta nên giao cho Bộ hình. Quan Thượng thư hình bộ Tôn Thất Dục xưa nay nổi tiếng chí công vô tư, đảm trách việc này là thích hợp nhất.

Nội hữu Trương Văn Hạnh cũng tâu:

– Tâu Vương thượng, lời đề nghị của quan ngoại tả thật hợp lý.

Võ vương phán:

– Tốt, ý các khanh giống ý ta. Vậy ta cử hoàng thúc Tôn Thất Dục làm khâm sai đi Phù Ly tiếp quản kho vàng. Hoàng thúc thu xếp ngày mai lên đường. Quan công bộ truyền lệnh của ta xuống địa phương để giúp cho khâm sai. Mọi việc không được sơ sót.

Tôn Thất Dục biết Trương Phúc Loan có ý mang đến cơ hội phát tài cho mình trong dịp này để cầu thân nên thầm cười trong lòng. Ông lên tiếng:

– Tâu Vương thượng, hạ thần xin tuân lệnh.

Rồi quay sang Trương Phúc Loan:

– Tạ ơn nhạc phụ đã đề cử.

Tôn Thất Dục là con trưởng của thiếu sư Luân Quốc công Tôn Thất Tứ, tức hoàng tử thứ tám của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông học rộng tài cao, được triều đình nể trọng, hiện giữ chức Hình bộ thượng thư, tính ngay thẳng vô tư. Từ khi Chúa Võ lên ngôi, Phúc Loan đã tìm mọi cách mua chuộc lòng của Chúa, bày ra những trò ăn chơi và đẩy dần Chúa Võ đi vào con đường trụy lạc, truy hoan, trong khi đó ông ta tạo bè kết phái, tăng thêm vây cánh trong triều để củng cố thế lực cho mình. Thấy Tôn Thất Dục là người có nhiều uy tín, Phúc Loan gạ gẫm gả con gái út cho, Dục không chịu, Phúc Loan bèn nhờ Chúa Võ tứ hôn. Tôn Thất Dục đành phải cưới con gái của Phúc Loan.

***

Sáng hôm sau khi gặp sư Minh Giác, thầy trò Võ Trụ lên đường rời Phú Xuân trở về Phù Ly. Họ qua đò sông Hương từ sớm tinh mơ, phóng ngựa vượt đèo Hải Vân xuống đến sông Thu Bồn, Võ Trụ nói:

– Chúng ta ghé thăm phố Hội An một chuyến cho con mở rộng tầm mắt. Nơi này có đủ các mặt hàng trên thế giới, thầy muốn xem có gì lạ mua về tặng cho cô con làm quà, nhân tiện ghé thăm người bạn cũ.

– Hay quá! Con cũng sẽ mua cho em Doan một món quà mừng tuổi nó. Chắc sau này nó sẽ nghịch lắm, mới năm tuổi mà phá phách, miệng thì lém lỉnh như đứa trẻ lên mười. Nhiều lúc con và cô mệt đứ đừ vì nó.

– Bởi vậy nên con hay gọi nó là thằng Lía phải không?

– Dạ, con chỉ gọi yêu thế thôi, nếu thầy cô không thích thì con sẽ không gọi nữa.

– Không sao. Nó cũng tía lía thật đấy chứ.

Thầy trò Võ Trụ ghé Hội An khi trời đã ngả về chiều. Họ thả ngựa đi khắp nơi để ngắm phố phường. Doãn Trọng Hào than:

– Thầy xem, ở đây thật đông đúc, sầm uất. Không bù với quê mình thật nghèo nàn, cô tịch. Ước gì đất nước mình nơi đâu cũng phồn vinh giàu có như ở đây thì hay biết mấy.

– Đây là cửa ngõ chính để nước ta giao thương với nước ngoài, làm sao các nơi khác so bì được. Nhưng con phải nhớ mỗi nơi đều có giá trị riêng của nó. Tất cả những giá trị riêng đó góp lại mới thành cái chung cho cả một quốc gia, xã hội. Bởi vậy chúng ta sống ở nơi thôn dã thì lo việc của thôn dã, người khác ở nơi đô hội bán buôn thì lo việc của họ. Từng cá nhân làm tốt việc của mình sẽ giúp cho cả đất nước được giàu mạnh, trù phú và đa dạng.

Trọng Hào bẻn lẻn:

– Con chỉ là buột miệng so sánh thế thôi chứ không có ý chê quê mình.

Chợt nó reo lên:

– Thầy ơi, mình vào cửa hàng này thử xem. Có người Nhật ở đó. Kế bên lại có cửa hàng người Tây Dương nữa kìa.

Cả hai liền cột ngựa, bước vào cửa hàng Nhật. Ở đó bán kiếm và các đồ chạm trổ thủ công mỹ nghệ. Người bán hàng tuy là người Việt nhưng ăn mặc theo lối người Nhật, thấy khách vào anh ta bước đến chào theo lối chào Nhật Bản.

– Quí khách có cần chúng tôi giúp gì không?

Võ Trụ nói:

– Chúng tôi muốn mua vài thanh đoản kiếm. Nghe nói đoản kiếm của Nhật rất sắc bén.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x