Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

NỬA ĐỜI KHÔNG TÊN

Bạn đang ở bưu điện, chuẩn bị gửi đi một gói quà chất đầy những chiếc ly uống champagne cho một người em họ ở trung tâm Siberia. Vì gói hàng có thể vỡ trên đường vận chuyển, nên bạn phải đóng dấu trên gói hàng bằng mực đỏ: “hàng dễ vỡ”, hay “hàng mỏng manh”, hay “vui lòng nhẹ tay”. Giờ thì cái gì chính xác trái ngược với tình huống đó, chính xác trái ngược với “mỏng manh dễ vỡ”? Gần như mọi người đều trả lời rằng trái ngược với “mỏng manh” là “mạnh mẽ”, “bền bỉ,” “cứng rắn” hay đại loại thế. Nhưng sự bền bỉ, mạnh mẽ (và đại loại thế) là những thứ không bao giờ vỡ mà cũng chẳng bao giờ cải thiện, vì thế bạn không cần viết gì trên đó – bạn có bao giờ thấy một gói hàng với dòng chữ “hàng mạnh mẽ” được đóng dấu bằng mực xanh? Theo logic, chính xác trái ngược với một gói hàng “dễ vỡ” phải là một gói hàng trên đó người ta viết “vui lòng nặng tay” hay “vui lòng ngược đãi”.

Món hàng này chẳng những không vỡ, mà còn được lợi từ những cú sốc và hàng loạt chấn thương. Hàng dễ vỡ là gói hàng chỉ trong điều kiện tốt nhất mới duy trì được tình trạng không hư hỏng, chứ không hơn; còn hàng cứng rắn trong điều kiện tốt nhất và trong điều kiện xấu nhất đều không bị hư hỏng. Vậy trái ngược của hàng dễ vỡ sẽ là gói hàng mà điều kiện xấu nhất là không bị hư hỏng, chứ không tệ hơn, bằng không thì nó còn được cải thiện để tốt hơn. Ta sử dụng tên gọi “khả năng cải thiện nghịch cảnh” (antifragile) cho những gói hàng như vậy; cần phải sáng chế ra từ mới bởi vì trong Từ điển tiếng Anh Oxford không có một từ đơn, đơn giản, diễn đạt sự trái ngược với mỏng manh. Vì ý niệm về khả năng cải thiện nghịch cảnh không nằm trong ý thức của ta – nhưng may thay, nó là một phần trong hành vi của tổ tiên ta, bộ máy sinh học của ta, và là thuộc tính luôn luôn có mặt trong mọi hệ thống còn tồn tại.

Để xem thử khái niệm này xa lạ đến mức nào với tư duy của ta, hãy lặp lại thí nghiệm và hỏi mọi người ở những chỗ đông người, các điểm picnic, hay chỗ tụ tập trước khi gây rối chẳng hạn, để xem thử từ phản nghĩa của mỏng manh là gì (và khăng khăng nêu rõ rằng bạn muốn nói tới sự trái ngược chính xác, cái gì đó có những thuộc tính và kết quả ngược lại). Ngoại trừ những người đã biết về quyển sách này, những câu trả lời khả dĩ nhất ngoài “mạnh mẽ” là: không dễ vỡ, cứng rắn, vững chắc, bền bỉ, khỏe khoắn, những cụm từ đi kèm “chịu được” (ví dụ, chịu được nước, chịu được gió, chịu được gỉ sét).

Đây là những câu trả lời sai – và không chỉ cá nhân mà ngay cả các tổ chức tri thức cũng bối rối vì điều này – và là một sai sót trong mọi cuốn từ điển đồng nghĩa và phản nghĩa mà tôi từng tìm kiếm. Một cách khác để xem xét điều này: vì trái ngược với dương tính là âm tính, chứ không phải trung tính, nên trái ngược với mỏng manh dương tính phải là mỏng manh âm tính (vì thế tôi mới dùng “antifragile”), chứ không phải trung tính, vốn chỉ truyền đạt tính chất mạnh mẽ, khỏe khoắn, và không dễ vỡ. Thật vậy, khi ta viết dưới dạng toán học, antifragile là fragile với một dấu trừ đàng trước.* Điểm mù này xem ra khá phổ biến. Không có một từ đơn diễn đạt “khả năng cải thiện nghịch cảnh” trong những ngôn ngữ chính mà ta biết, bất kể là ngôn ngữ hiện đại, cổ xưa, thông tục, hay tiếng lóng. Thậm chí tiếng Nga (phiên bản Xô viết) và tiếng Anh Brooklyn tiêu chuẩn dường như cũng không có từ nào dành cho khả năng cải thiện nghịch cảnh, mà cứ đánh đồng với sự mạnh mẽ.** Suốt nửa đời người – nửa cuộc đời thú vị – ta không có tên.

VUI LÒNG CHÉM ĐẦU TÔI

Nếu chúng ta không có một cái tên chung cho “khả năng cải thiện nghịch cảnh,” ta có thể tìm một tên gọi tương đương trong thần thoại, cách diễn đạt thông minh của lịch sử bằng những ẩn dụ hiệu nghiệm. Trong một phiên bản La Mã tái chế từ thần thoại Hy Lạp, bạo chúa vùng Sicil Dionysius II cho phép quan cận thần nịnh hót Damocles tận hưởng sự xa hoa của yến tiệc linh đình, nhưng với một thanh gươm treo lửng lơ trên đầu, buộc vào trần nhà bằng một sọi lông đuôi ngựa. Lông ngựa là thứ rồi sau cùng sẽ đứt dưới áp lực, tiếp theo là một cảnh tượng máu me, những tiếng thét chói tai, và đại loại như những chiếc xe cứu thương cổ đại. Damocles thật mỏng manh – và chỉ là vấn đề thời gian trước khi lưỡi gươm lấy mạng ông.

Trong một truyền thuyết xa xưa khác, lần này người Hy Lạp tái chế từ một truyền thuyết Xêmít* và Ai Cập, ta tìm thấy chim phượng hoàng, loài chim có sắc lông rực rỡ. Bất kể khi nào chết đi, loài chim này cũng tái sinh từ đống tro tàn của mình. Nó luôn luôn trở lại với trạng thái ban đầu. Phượng hoàng cũng tình cờ là biểu tượng của Beirut, thành phố nơi tôi lớn lên. Theo truyền thuyết, Berytus (tên cũ của Beirut, thủ đô Libăng) đã bị phá hủy bảy lần trong lịch sử gần 5.000 năm của mình, và đã bảy lần được xây dựng lại. Câu chuyện xem ra có sức thuyết phục, và trong thời thơ ấu của mình chính tôi đã chứng kiến kịch bản thứ tám; trung tâm Beirut (khu phố cổ) bị tàn phá hoàn toàn lần thứ tám bởi cuộc nội chiến tàn khốc.

Tôi cũng chứng kiến sự tái thiết lần thứ tám của nó. Nhưng Beirut được xây dựng lại trong hình thù mới nhất thậm chí còn đẹp đẽ hơn so với hiện thân trước đây, và với một điều trớ trêu thú vị: trận động đất vào năm 551 sau Công nguyên đã chôn vùi trường luật của người La Mã, và đã được khôi phục lại như một phần thưởng từ lịch sử trong thời kỳ tái thiết (với các nhà khảo cổ và các nhà phát triển bất động sản mua bán sự chấn thương của công chúng). Đó không phải là chim phượng hoàng, mà là cái gì đó còn hơn cả sự mạnh mẽ. Điều này đưa ta đến với ẩn dụ thần thoại thứ ba: rắn thần Hydra.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x