Tiếng Hú Ban Đêm – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Thế Lữ
Tiếng Hú Ban Đêm
Tiếng hú đưa từ phía rừng Sam Na lại. Đêm nào mưa gió thì nghe rõ từng hồi một: trước còn thấp, sau bỗng kéo dài ra, rồi chìm biến vào bốn bề rừng núi. Trời đất âm thầm lạnh. Vì hồi ấy về cuối thu tiếng hú đưa lên ai oán thảm thê, tưởng như giọng ba bốn đứa trẻ xác xơ đang ngồi trên bãi vắng hay bờ lau mà gào mẹ chết.
Người Mán Khao La ngủ không yên giấc, đêm đêm nằm trong khiếp sợ mà lòng mê tín của họ càng tăng mãi lên.
Bởi vì trước đó không lâu trong làng có nhiều điều quái dị xảy ra như đi trước đón đường cho tiếng hú bí mật: Rừng Sam Na là một khu rừng lớn, người Mán thường ngày vào săn bắn những cầm thú nhỏ và khai phá của thiên nhiên. Bỗng dưng đã một tháng nay có hổ cái hung dữ lạ thường chẳng biết từ đâu về rừng đó ở. Con hổ to lớn khỏe mạnh lắm. Giữa ban ngày cũng dám ra bắt súc vật của dân Mán – có khi lại vồ cả người, đến những miệt xa xưa nay vẫn là tai họa cho thú rừng cũng nhiều lần bị khốn vì con hổ cái. Họ tìm đủ mọi phương kế; nào vây đón, nào bẫy cạm mà không tài nào bắt được – lần nào hổ cũng thoát rất dễ, lại còn tha được cả mồi đì. Người Mán thường coi hổ báo chỉ như một con chó dữ mà bây giờ nghe tiếng nó gầm cũng phải run sợ. Cùng thời kỳ hiện ra cái nạn rừng ghê gớm này, một người đàn bà với một cô gái làng khác đến ở ngụ. Xem chừng là hai mẹ con. Hai người dựng một cái lều tận đằng xa bên một bụm cây lớn, ở ngay cửa rừng. Như thể hình như nhà này muốn cách biệt hẳn với thôn xóm ở đây, cả một làng dăm ba mươi nóc chen xít nhau trong đám cây cối dưới sườn một quả núi thấp và quay mặt về hướng Sam Na, dân cư vẫn giúp đỡ nhau, thân cận nhau, nay đột nhiên có người ở đâu đến lại ra ý tị hiềm chia rẽ, thì ai cũng phải cho là những nhân vật lạ lùng.
Không ai hiểu tính tình hai mẹ con nhà ấy. Mà từ khi rừng thành dữ không mấy người dám đến, nên không biết họ ăn ở ra sao. Chỉ những ngày phiên mới thấy hai người ra mặt: họ gánh củi từ cửa rừng đem ra chợ đổi lấy gạo muối về nhà. Người đàn bà trong vòng năm mươi tuổi; váy áo màu chàm đã bạc bao giờ cũng đùm núm, xốc xếch; người khô xác thấp bé, chỉ tinh nhanh ở hai con mắt sắc rất linh động, nhưng lúc nào cũng gườm gườm. Cô con gái độ mười bảy mười tám, ăn mặc gọn ghẽ, nét mặt xinh xắn, và có vẻ e lệ ngây thơ.
Cô ta theo sau như bám lấy bà mẹ. Các cậu trai tân trong làng ra chợ, cậu nào trông thấy cô ả cũng phải ngây ngất mà nhìn hoài. Họ thích cánh và cười vụng với nhau, nhưng không cậu nào dám toe toét lả lơi tỏ ý mon men trêu ghẹo cô bé. Vì có mụ già đấy: mụ sẽ trả lời lại những lối trai tơ kia bằng một cái lườm nguýt khinh bỉ và hằn giận đến rùng mình. Anh nào to gan, không sợ cứ sấn gần đến cô bé, tức thì mụ rủa cho như khạc lửa vào mặt rồi chẳng đổi chác thì chớ, cầm ngay lấy tay cô bé cất gánh củi, một mạch đì về.
Người Mán vốn đạng đột thật thà không có lòng hiểm độc ghen ghét. Nhưng thấy thái độ lạnh lùng và kỳ dị của mụ già khô khan kia họ chẳng khỏi sinh bụng nghi ngờ. Vì thế sau những buổi chợ, hoặc khi ngồi chuyện vãn với nhau, người Mán thường chỉ bàn tán đến hai mẹ con người đàn bà lạ mặt. Trước thì còn bảo đó là một mụ ké cay nghiệt, hiểm ác, sau cho là một mụ dí cấy thuốc độc ở móng tay. Nhiều người chắc thế nào nhà mụ cũng có thờ ma. Rồi mỗi ngày đẻ thêm ra những điều quái gở để gán cho mụ. Điều kỳ quặc đến đâu cũng không ai cho là thái quá. Thậm chí có người dựng đứng lên bảo rằng mụ đàn bà ấy là một con hùm tinh. Mọi người liền tin theo, mà tin như thế một cách vũng vàng, như là chuyện hiển nhiên trước mắt. “Phải, chính nó đấy, chính nó là con hùm trong rừng; nó biến thành con mụ ké với đứa con gái đẹp để đánh lừa chúng ta đấy. Ta cứ để yên, rình lúc nó vô ý nắm ngay lấy đuôi nó là bắt được, vì con mẹ này có đuôi!”.
* * * * *
Bỗng nhiên mấy phiên chợ sau cùng người ta không thấy con mụ ké nữa. Mà từ ngày mụ ké không ra chợ thì dân cư bắt đầu nghe thấy tiếng hú ban đêm. Người Mán lại càng tin mụ ké không phải là người thật. Họ chắc mụ ké biết đã lộ việc kín, nên không dám giao tiếp với người trong làng nữa, từ nay đành phải giữ nguyên hình. Thế rồi thường thường trong những buổi tối quây quần, nhà nào nhà ấy đóng cửa cho kín, họ vây quanh ngọn đèn hay bếp lửa kể cho nhau nghe những chuyện hoang đường truyền khẩu từ đời này qua đời khác, những chuyện có một quan trọng thần bí trong tâm hồn của dân đồng rừng.
Theo những câu chuyện họ kể thì trước kia ở Sam Na cũng có một con hùm tinh. Người ta thường gặp nó trên núi dưới ruộng, trong rừng, nhất là ở những đường lối có người hay qua lại. Con hùm tinh ấy trèo được lên những cây cao, nói được tiếng người. Khi thì hát như ru em, khi thì khúc khích như đùa, khi thì than khóc. Thấy người nào một mình quãng vắng thì nó giả tiếng bà già hay đứa bé nheo nhéo gọi: “Thầy ơi, u ơi, ông ơi, cô ơi”. Theo tiếng gọi người ta thử nhìn xem thì hoặc ở sau lưng hoặc ở trên cây chỉ thấy một con hổ cười sằng sặc. Người kia khiếp sợ ríu chân lại: hùm tinh cứ việc nhảy tới tha đi. Về sau con hùm tinh ấy hình như bị sét đánh chết, nên dân cư mới được yên cho mãi đến bây giờ.
Rồi đến nay lại có một con nữa đến. Cái tiếng hú kia từ phía rừng đưa lại chẳng phải là tiếng con hùm tinh đó sao?
Sách liên quan
Thiên Hạ Đệ Cửu – Đọc sách online ebook pdf
Ngã Thị Lão Ngũ
Thần Võ Chiến Vương – Đọc sách online ebook pdf
Trương Mục Chi
Thái Cổ Thần Vương – Đọc sách online ebook pdf
Tịnh Vô Ngân
Phù Dao Hoàng Hậu – Đọc sách online ebook pdf
Thiên Hạ Quy Nguyên
Ngộ Không Truyền – Đọc sách online ebook pdf
Kim Hà Tại
Nơi Em Thuộc Về – Đọc sách online ebook pdf
Johanna Lindsey