Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố (Tập 1) – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Ban Hợp Ca Thăng Long Bức ảnh này được ông Đinh Tiến Mậu chụp tại studio Viễn Kính. Bối cảnh chỉ là hai giàn đèn, một bục gỗ đặt nằm ngang. Cách bố trí kẻ đứng người ngồi bên hai chiếc đèn cao thấp tạo nên nhịp điệu cho bức ảnh. Ba nghệ sĩ, là ba anh em ruột, đều có vóc dáng cao ráo khá lý tưởng. Thái Thanh bận áo vạt dài chứ chưa cao lên gần đầu gối như thập niên 1970. Hoài Trung, Hoài Bắc gây ấn tượng với phong thái gentlemen trong những bộ vest được may rất khéo, đồng hồ dây da, giày cột dây mũi nhọn, tay áo cài khuy manchette, tóc chải ngược (kiểu tóc Tango thịnh hành trước đây chăng?) lộ vầng trán cao, sáng đẹp. Khi nhìn bức ảnh này, tai tôi như vẳng tiếng ngựa hí trong bản Ngựa phi đường xa, tiếng ngân dài bất tuyệt trong bản Ô mê ly của Hoài Trung Phạm Đình Viêm.
Giọng ca Thái Thanh, với tiếng ca trong vắt cao vút trữ tình là giọng ca duy nhất xứng đáng với từ Diva, không thể tranh cãi được. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức Hoài Bắc, với chất giọng “trầm ấm và dội sâu”, “hơi nhừa nhựa như phảng phất men rượu và khói thuốc”[1] , tuy chỉ viết hơn 50 ca khúc nhưng tài năng có thể sánh ngang với những nhạc sĩ nổi tiếng nhất với nhiều bài tuyệt hay như Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau, Đêm cuối cùng, Ly rượu mừng… và Trường ca bất hủ Hội trùng dương. Thành lập từ thời kháng chiến chống Pháp, sau đó vào Sài Gòn, ban Thăng Long đã “tạo một luồng sinh khí mới cực kỳ phong phú và tràn ngập tinh thần sáng tạo” [2] . Đến đầu thập niên 1960, ban Thăng Long cùng với ban kịch Dân Nam là hai nhóm biểu diễn nghệ thuật nổi như cồn và thu hút dân Sài Gòn nhiều nhất. Sài Gòn tự hào từng có ban hợp ca sáng chói từ những người gốc Bắc xa quê hương, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo một âm nhạc của Sài Gòn. Và tôi tin họ đã luôn yêu quý Sài Gòn trong suốt cuộc đời họ.
Một Cuộc Thi Hoa Hậu Năm 1960, báo Phụ Nữ Ngày Mai ở Sài Gòn có tổ chức cuộc thi Hoa hậu bằng hình ảnh. Báo này do ông Nguyễn Đức Khiết làm chủ nhiệm, đứng ra tổ chức nhằm mục đích tuyển lựa hình ảnh một thiếu nữ Việt duyên dáng và ăn ảnh nhất. Người dự thi phải gửi về tòa báo hai ảnh bán thân 6×9 phía sau ghi rõ họ tên, biệt hiệu và tuổi, kèm theo phiếu dự thi. Ảnh dự thi được đăng báo, độc giả gửi phiếu bầu chọn về. Tối ngày 1 tháng 9 năm 1960, vương miện đã được trao cho các thí sinh đoạt giải tại Câu lạc bộ Báo chí Sài Gòn. Người được giải cao nhất là cô Nguyễn Thị Kim Sang, 17 tuổi, nữ sinh lớp đệ Tam (lớp 10 ngày nay) trường Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao. Cô được tặng một huy chương vàng trị giá 12.000 đồng.
Cô Mộng Yến, 19 tuổi, nữ sinh lớp đệ Nhị trường Nguyễn Văn Khuê trúng giải nhì với huy chương vàng trị giá 5.000 đồng. Cô Mai Xuân Phượng, nữ giáo viên ở Phan Thiết, 19 tuổi, giải ba huy chương vàng trị giá 3.000 đồng.Theo bài báo tường thuật cuộc thi này, Hoa hậu Kim Sang phát biểu khiêm tốn “Em rất hân hạnh và sung sướng nhận Giải thưởng Hoa hậu Phụ nữ Ngày Mai. Em biết đây là một sự may mắn cho riêng em vì còn nhiều chị em khác vì lý do nào đó không gửi ảnh dự thi”. Nhìn lại bức ảnh thiếu nữ Sài Gòn xưa hơn 50 năm trước vẫn thấy nét đẹp hiện đại bên cạnh vẻ thùy mị. Mũi cao, lông mày đã tỉa gọn, áo dài cổ cao. Các cô đạt giải đều có học, tự tin, tượng trưng cho lớp phụ nữ Sài Gòn mới của nửa sau thế kỷ 20.
Giai Nhân Một Thuở Có lần đến Thượng Hải, sau mấy ngày rảo quanh khu Phố Đông và các trung tâm thương mại, tôi rút ra kết luận rằng số phụ nữ xinh đẹp ở đây chiếm tỉ lệ cao so với các thành phố mà tôi từng ghé qua ở Trung Quốc. Với mày cong, mắt hơi xếch, da trắng hồng, họ như từ tranh Tố nữ Tàu xa xưa bước ra. Chân họ cao và bắp chuối thon thả, khác với đôi chân có bắp chuối tròn lẳn mà tôi thấy khá nhiều ở các cô gái bên Nhật. Đó phải chăng là nét đẹp phổ biến của con gái Thượng Hải? Anh phiên dịch bảo “Là dân Thượng Hải, nghĩa là có thể mang gốc gác ở đâu đó trên khắp Trung Hoa.
Anh đừng mơ tìm thấy nhiều gái đẹp ở Tô Châu hay Hàng Châu như trong câu “Trên có thiên đàng, dưới có Tô – Hàng”. Thượng Hải đã thu hút những người xinh đẹp nhất về đây cả rồi”. Quả đúng như vậy, các cuộc di dân trên khắp thế giới đã phá vỡ tínhnhất quán về phong tục, cách sống trong cư dân từng khu vực. Những đô thị phồn thịnh thường thu hút người tài giỏi, sáng láng, trẻ trung và xinh đẹp từ mọi miền. Bởi thế khi bàn về nét đẹp của các giai nhân trên đất Sài Gòn, một đô thị với tuổi đời chỉ hơn 300 năm, thì đừng so sánh nét đẹp người Sài Gòn với người vùng khác mà phải hiểu đó là giá trị tổng hợp từ nhiều vùng miền tạo nên.
Thanh niên Sài Gòn thường xuýt xoa khi ngắm nét đẹp quý phái của các bạn gái xứ Huế có họ Công Tằng, Công Huyền dù khi đến nhà họ chơi, nghe cô nói chuyện với ba mẹ thì hoàn toàn không hiểu nổi một câu. Con gái Bắc sống dọc đường Lê Thánh Tôn, Quận Nhứt, khu Ông Tạ hay xứ Bùi Chu Phát Diệm dọc đường Lê Văn Sĩ duyên dáng kiểu con gái Bắc và tất nhiên không phải cô nào cũng như trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên “nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền…” .
Người đẹp khu dệt vải ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình thì giọng vẫn đặc sệt Quảng Nam, gò má hơi cao, mặt hơi vuông làm ngẩn ngơ học trò namTrung học Nguyễn Thượng Hiền gần đó. Tuy là nơi quần tụ, nhưng những đặc điểm phóng khoáng của vùng đất mới cũng hình thành những nét chung của người đẹp trên đất Sài Gòn. Khác với nét đài các của thiếu nữ Hà Nội hay vẻ thùy mị thướt tha của con gái Huế, những thiếu nữ Sài Gòn luôn gây ấn tượng bởi sự trẻ trung và tự tin. Nhiều người cho rằng dù có mặc áo dài thướt tha, họ vẫn đi đứng uyển chuyển, chân bước dài, hai tay vung vừa phải.
Sách liên quan
Thanh Mai – Đọc sách online ebook pdf
Vô Tụ Long Hương
Hoàng Hậu Vô Đức – Đọc sách online ebook pdf
Tửu Tiểu Thất
Câu Lạc Bộ Dumas – Đọc sách online ebook pdf
Arturo Pérez-Reverte