Hai chậu lan Tố Tâm – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
NHỮNG QUẢ ĐẤM TRÊN MỘT CHUYẾN TÀU
CẢ đoàn tàu tốc hành Hànội-Sàigon vừa chui ra khỏi hầm, đang rùng rùng chạy men theo triền núi. Qua khung cửa hạng tư, tôi nhìn ra bên ngoài. Tốc độ trên sáu chục cây số một giờ và tiếng động cơ chuyển sình sịch, gấp rút, đem lại cho tôi cái khoái cảm như mỗi phút mỗi được bay sâu vào cái thế giới bao la, kết hợp bởi trời cao bể rộng, núi rừng trùng điệp…
Ngồi bên tôi là thầy học của tôi. Một ông thầy dạy tư, người Nghệ An, tuổi trên bốn mươi, mảnh khảnh trong chiếc áo dài sa-tanh đen. Thầy tôi tựa lưng vào thành toa, hai tay khoanh trước ngực, ngoảnh mặt nhìn về phía tôi, mỉm cười :
– Vinh thấy phong cảnh có đẹp không ? Phải ngắm nhìn, quan sát cho thật kỹ núi và bể. Chuyến này về thế nào cũng ra luận đấy.
Rồi hạ thấp giọng hơn :
– Giang sơn chúng ta cẩm tú như vậy đó. Mà tiếc thay…
Thầy tôi nói như nói cho mình nghe hơn là nói với tôi. Tuy ở cái tuổi ham ăn, ham chơi, nhưng vì sống gần và học hỏi thầy tôi lâu ngày, nên tôi cũng thông cảm phần nào ý nghĩa câu nói còn lở dở ấy.
Trong số các thầy học của tôi thuở ấy, tôi mến ông thầy dạy tư này hơn cả, tuy lúc đầu tôi có ác cảm.
Tôi còn nhớ, mùa hè năm ấy, khi nghe cha tôi ngỏ ý muốn cho tôi theo học ông, mẹ tôi đã bảo ngay :
– Có phải ông thầy Nghệ An ấy không ? Tôi nghe chừng như ông ta bị tình nghi. Cho nó học với người ta thêm rắc rối.
Chị tôi ngồi bên cạnh, rúc rích cười :
– Ông thầy cá gỗ.
Hai tiếng cá gỗ gieo vào đầu óc tôi một mớ ý nghĩ không hay về ông thầy tôi sắp học : một người bủn xỉn, biển lận, rít rắm, nghĩa là có đủ những đặc tính chẳng hay ho gì, mà những người chung quanh tôi thuở ấy thường gán cho đồng bào Nghệ Tĩnh. Lại thêm hai tiếng tình nghi nữa. Nó là cả một danh từ không đẹp. Một danh từ làm cho quả tim non dại của tôi phải hồi hộp, run sợ. Đã có biết bao nhiêu con người bị bắt bớ, còng tay dắt đi, hay bị bỏ lên những chiếc xe của sở mật thám, trước cặp mắt thơ ngây của tôi. Những con người mà vú già mỗi lúc thấy, thường rỉ vào tai tôi : « Họ bị tình nghi ».
Nhưng rồi cha tôi mỉm cười :
– Hơi đâu mà ngại. Tôi nghe tiếng ông ta dạy học trò mau tiến lắm. Cứ để cho nó học.
Ngày đầu tiên đến trường, tôi cảm thấy khó chịu đến muốn bỏ về. Tôi thấy thầy tôi không oai và không sang trọng như các ông giáo ở trường công. Trông ông có vẻ tầm thường, khắc khổ với bộ mặt hơi dài và rỗ hoa mè, cặp mắt tuy sáng nhưng buồn quá, cái miệng rộng với hai nét nhăn rầu rĩ ở hai bên khóe. Thân hình ông lại gầy gò, mảnh khảnh trong chiếc áo lụa cụt rộng tay, thường là màu nâu hay màu đen, và cái quần trắng không bao giờ là.
Lớp học mở ngay trong nhà. Mà nhà thầy tôi thì nghèo quá. Sự phản ứng đầu tay của tôi trước thầy giáo, là một nụ cười ngạo mạn được che kín phía sau cái kẹp sách bằng da hải-cẩu. Tôi càng khó chịu hơn vì thái độ của thầy tôi. Trong mấy ngày đầu, riêng đối với tôi, ông thầy học này chừng như vừa nghiêm khắc lại vừa có vẻ lãnh đạm. Cái thái độ này làm cho tôi lắm lúc cảm thấy bơ vơ giữa đám học trò nghèo trên ba bốn chục đứa. Mãi như thế cho đến một buổi chiều.
Lúc bãi học, đám học sinh chạy ùa ra ngõ, lấn lướt nhau, làm cho một người bạn học trò nhỏ nhất bị té và lăn cù xuống mương. Tôi đi sau cùng, vội nhảy xuống kéo bạn lên, lượm hộ sách vở, phủi hộ áo quần. Tôi đang xoắn xít hỏi han bạn, bỗng nghe có bàn tay ai vò lấy đầu tôi. Ngẩng lên, cặp mắt tôi bắt gặp cặp mắt của thầy tôi. Một cặp mắt nào khác hẳn thì phải hơn. Một cặp mắt hiền dịu, chan chứa cảm tình, đang cười theo đôi môi đang cười. Thầy tôi nói với tôi bằng cái giọng không gắt chặt như lúc thường :
– Khá lắm. Vinh cũng khá lắm. Biết thương bạn nghèo. Tốt lắm.
Thầy tôi lại đưa tôi vào nhà. Khi đến bên bàn đọc sách, thầy tôi vê thuốc lào trong hộp, đặt vào ống điếu cày, đánh diêm rít một hơi dài thích thú, rồi phà khói ra, bảo tôi :
– Từ rày cố gắng mà học nhé. Ăn ở với chúng bạn như thế là tốt lắm. Tốt lắm.
Rồi từ ngày đó, thái độ thầy tôi thay đổi hẳn. Về phần tôi, tôi cũng phải thú nhận là sau mấy ngày đầu, nhất là sau cái hôm thầy tôi nói với tôi trước ngõ, tôi không còn dám coi thường thầy tôi nữa. Có một cái gì trong lối dạy, lối nói, cử chỉ làm cho tôi phải mến và nể nang. Phải nói rằng tôi kính sợ nữa, tôi, một đứa bé có tiếng là cứng đầu, cứng cổ, bướng bỉnh, ngỗ nghịch, dám coi thường cả mọi thứ kỷ luật, hình phạt của trường công. Một học sinh lúc nào trong cặp sách cũng có sẵn dao găm mặt nạ, dám đùa ngay trong giờ học và chuyên môn đập bậy trong giờ chơi.
Điều tôi chú ý là thầy tôi chú trọng đến chúng tôi trong lúc chơi nhiều hơn lúc học. Và những lối dạy răn về đức dục cũng khác hẳn những gì người ta đã uốn nắn tôi ở trường công. Thầy tôi rất ghét những cử chỉ rụt rè, khúm núm, những lối chào hỏi, thưa gởi quá nhỏ nhoi. Mỗi khi đến gần thầy tôi mà vòng tay, cúi đầu, khép nép là thầy tôi quát :
– Hừ ! Hừ ! trò đừng giở cái thói giả hình ấy ra. Người ta đã tập cho trò lâu quá rồi. Đứng thẳng người lên, nói cho rõ ràng nào. Khép nép đâu phải là lễ độ.
Rồi bao giờ thầy học tôi cũng buông tiếp một câu như nói với ai khác vậy :
– Muốn làm người hay làm nô lệ mãi !
Và khổ cho những học sinh nào tỏ ra vẻ yếu hèn với chúng bạn, hoặc nhút nhát, sợ sệt, nhất là hay khóc. Phải trái gì không biết, nhưng đã chạy đến thầy tôi, với cặp mắt ướt, là đã bị thầy tôi bĩu môi, mắng cho tàn tệ :
– Phải có khí phách chứ. Hèn thế. Con trai không bao giờ… không bao giờ thèm khóc cả.
Sách liên quan
Thanh Mai – Đọc sách online ebook pdf
Vô Tụ Long Hương
Hoàng Hậu Vô Đức – Đọc sách online ebook pdf
Tửu Tiểu Thất
Câu Lạc Bộ Dumas – Đọc sách online ebook pdf
Arturo Pérez-Reverte