Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Bắc Mĩ chia thành hai vùng rộng lớn, một vùng xuôi xuống miền cực, miền kia hướng tới xích đạo. − Thung lũng Mississippi. − Những dấu vết nơi ta còn bắt gặp các cuộc cách mạng trên địa cầu. − Bờ Đại Tây Dương nơi đã lập ra các thực dân địa Anh. − Dáng vẻ khác nhau giữa Bắc Mĩ và Nam Mĩ vào thời phát hiện ra châu Mĩ. − Rừng Bắc Mĩ − Đồng cỏ. − Các bộ lạc thổ dân sống lang thang. − Vẻ ngoài, tập tục, ngôn ngữ của các bộ lạc đó. − Dấu vết những con người chưa ai biết tới.

Xét theo cấu hình bên ngoài, Bắc Mĩ có những nét chung dễ nhận ra ngay từ khi ta mới bắt gặp.

Có một sự ngăn chia rõ rệt giữa vùng đất với vùng nước, núi non với thung lũng. Một sự sắp xếp giản dị và bề thế lộ ra ở ngay nơi hỗn độn mọi vật và giữa vô cùng đa dạng cảnh sắc.

Có hai vùng rộng lớn phân chia Bắc Mĩ gần như đều nhau.

Một vùng có giới hạn ở phương Bắc là Bắc cực; phía Đông và phía Tây là hai đại dương. Tiếp đó vùng này đi dần xuống phía Nam, tạo thành một tam giác có các cạnh đều đặn gặp nhau ở mé dưới những hồ lớn của Canada.

Một vùng thứ hai bắt đầu khi vùng thứ nhất kết thúc và trải dài khắp phần còn lại của lục địa.

Một vùng hơi nghiêng về phía cực, vùng kia hơi nghiêng về phía xích đạo.

Các miền đất nằm trong vùng thứ nhất xuôi xuống ở mạn Bắc tạo thành một dốc nhẹ, khiến ta có thể nói các miền đất này như là một cao nguyên. Bên trong vùng đất đầy đặn mênh mông này ta không bắt gặp núi cao cùng thung lũng sâu.

Ở vùng đất này, sông nước dọc ngang như là ngẫu nhiên. Các con sông ở đây đan vào nhau, nối vào nhau, rời nhau, rồi lại gặp nhau, rồi mất hút trong cả ngàn đầm lầy, thỉnh thoảng lại rẽ ngang giữa một mê cung ẩm ướt do chúng tạo ra, và cuối cùng chúng chỉ đổ ra các biển băng ở Bắc cực sau khi đã chảy vòng vèo chán chê. Những hồ lớn chấm hết cho vùng này, không giống như phần lớn hồ ở bên Lục địa cũ, thường bị giam chân trong các dãy đồi hoặc núi đá. Bờ hồ ở đây bằng phẳng và chỉ cao hơn mực nước vài ba feet. Mỗi cái hồ như thế tựa như một cốc to lớn đựng nước đầy tới miệng: chỉ hơi thay đổi đôi chút trong cấu trúc địa cầu sẽ làm cho nó sóng sánh về phía cực hoặc về phía biển nhiệt đới phía Nam.

Vùng thứ hai hiểm trở hơn và rất sẵn sàng thành nơi ở thường xuyên của con người. Hai dãy núi dài phân chia vùng này suốt theo chiều dài: một dãy có tên là Allegheny đi dọc bờ Đại Tây Dương, dãy kia chạy song song với nó về phía biển Nam.

Khoảng không gian nằm giữa hai dãy núi rộng 228.343 dặm Anh vuông[31]. Vậy là diện tích này nhiều hơn diện tích nước Pháp[32] khoảng sáu lần.

Cả vùng lãnh thổ rộng lớn này tuy thế chỉ là một cái thung lũng. Thung lũng này đi từ dãy núi Allegheny xuống rồi đi ngược lênmà chẳng bắt gặp trở ngại gì cho tới tận ngọn dãy núi Rocky Mountains.

Dưới đáy thung lũng có một con sông vô cùng rộng. Con sông này nhận nước từ tất cả các triền núi đổ về.

Thời trước, người Pháp đặt tên sông này là sông Saint-Louis, để tưởng nhớ đến cái Tổ quốc xa vắng; còn người Anh điêng bản địa trong ngôn ngữ hoa mĩ của họ lại gọi đó là Cha các dòng nước, hay là sông Mississippi.

Sông Mississippi bắt nguồn từ nơi giới hạn của hai vùng lãnh thổ lớn tôi đã nói đến ở bên trên, từ đỉnh của cao nguyên ngăn cách hai vùng.

Gần dòng sông Mississippi còn có một con sông khác[33] nước đổ vào các biển vùng Bắc băng cực. Còn riêng con sông Mississippi thì dường như đôi khi nó ngập ngừng không biết chảy đi đâu: rất nhiều lần nó đi vòng trở lại, rồi sau khi dòng chảy đã chậm lại giữa vùng hồ và đầm lầy, cuối cùng nó quyết định vạch một đường từ từ đi về Nam.

Khi thì hiền hoà trong lòng sông với cấu tạo đất sét được thiên nhiên đào sẵn cho, khi thì nó căng phồng trong giông bão, sông Mississippi tưới tắm cho hơn mười nghìn dặm đất dọc theo dòng nó chảy[34].

Ở khoảng cách sáu trăm dặm[35] trước khi tới cửa sông, chiều sâu trung bình của sông này là 15 feet và các tàu sức chứa 300 tấn có thể lội ngược dòng chừng hai trăm dặm.

Có năm mươi bảy con sông lớn giao thông dễ dàng cung cấp nước cho sông Mississippi. Trong số những con sông cấp nước cho Mississippi có một sông dài 1.300 dặm[36], một sông dài 900 dặm[37], một sông dài 600 dặm[38], một sông dài 500 dặm[39], bốn con sông dài 200 dặm[40], chưa kể còn có vô vàn con suối ngang dọc rồi đổ cả vào lòng con sông Mississippi.

Thung lũng được sông Mississippi tưới tắm dường như được tạo ra cho riêng một con sông này. Mississippi tung hoành đem tới đây cả cái tốt lẫn cái xấu, và nó như là ông thần của cả vùng. Những vùng bao quanh sông phơi bày một thiên nhiên màu mỡ bất tận. Nhưng đi xa dần khỏi vùng này, các lớp thực vật cạn kiệt đi, đất đai nghèo đi, tất thảy đều đang héo hon hoặc đang chết. Không nơi nào những cơn chấn động lớn lao của địa cầu đã để lại nhiều dấu vết chứng tích rõ rệt hơn là ở thung lũng sông Mississippi. Toàn cảnh nơi đây xác nhận những gì nước đã tạo ra. Cả sự khô cằn cùng sự trù phú đều là công tích của sông Mississippi.

Những đợt sóng đại dương nguyên thuỷ đã tích luỹ ở đáy thung lũng những thảm đất thực vật khổng lồ mà thời gian chưa làm cho bằng phẳng đi. Trên bờ hữu ngạn sông, ta bắt gặp những cánh đồng bất tận, bằng phẳng, hệt như bề mặt thửa ruộng nơi đó người thợ cày đã cho xe lu lăn qua. Ngược lại, khi ta càng tiến đến gần vùng núi, đất đai mấp mô hơn và khô cằn hơn. Có thể nói, đất ở đó bị chọc thủng lỗ chỗ, và những đá tảng nguyên thuỷ hiện ra đó đây, như những miếng xương của một bộ xương đã bị thời gian gặm nhấm hết thịt da. Cát có gốc granit cùng với đá tảng to tảng nhỏ phủ trên mặt đất. Vài ba cây thân mềm vất vả nhoi lên khỏi những chướng ngại đó.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x