Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Những quả táo Antonov (4)

I

…Tôi hồi tưởng lại một mùa thu sớm, đẹp trời, trong tháng tám đã có những trận mưa nhỏ ấm áp và những trận mưa này dường như cố tình rơi xuống cho dân cày cấy, rơi xuống đúng lúc, vào giữa tháng, khi sắp sửa có ngày lễ thánh Lavrenti (5). Mà “vào dịp lễ thánh Lavrenti nếu con nước êm và mưa nhỏ, thì mùa thu và mùa đông sẽ tốt trời”. Thế rồi dạo đầu thu lại có những ngày sáng sủa và ấm áp, có nhiều mạng nhện chăng trên cánh đồng. Đó cũng là điều lành: “Những ngày sáng sủa ấm áp đầu thu nếu nhiều nhện chăng tơ, thì mùa thu sẽ đẹp”… Tôi nhớ lại một buổi sớm sủa, tươi mát, yên tĩnh… Tôi nhớ một khu vườn lớn đã khô và thưa lá, toàn bộ màu vàng óng; nhớ những lối đi giữa hai hàng cây phong, mùi thơm nhẹ nhàng của lá rụng và cả mùi táo Antonov, mùi mật ong và mùi của tiết thu tươi mát. Không khí trong trẻo đến nỗi hệt như hoàn toàn không có nó nữa, khắp khu vườn âm vang tiếng người nói, tiếng xe ngựa tải kẽo kẹt. Ấy là những nhà tiểu thương, những thị dân trồng vườn đã thuê được những người nông dân trẩy táo xuống để đến đêm đưa về tỉnh, – và nhất định là phải đi vào ban đêm kia, bởi vì lúc bấy giờ, nằm trên xe, nhìn lên bầu trời đầy sao, nghe phảng phất mùi nhựa chưng trong không khí tươi mát và nghe cả một đoàn xe dài thận trọng kẽo kẹt trên con đường lớn trập trùng, thì thật tuyệt vời. Bác nông dân được giao việc đổ táo, cứ cắn rau ráu hết quả này đến quả khác, nhưng tục lệ xưa nay vẫn vậy, nên người thị dân chẳng hề ngăn lại, mà còn bảo:

– Đổ xuống, ăn cho no đi, không có việc gì làm nữa đâu! Đổ xong, mọi người sẽ uống mật ong.

Và bầu tĩnh mịch mát mẻ của ban mai chỉ bị náo động bởi tiếng hót no mồi của đàn sáo đậu trên cây thanh lương trà màu san hô trong khoảng rậm của khu vườn, bởi tiếng người nói và tiếng táo đổ rào rào vào những thưng, những thùng gỗ. Trong khu vườn thưa lá, có thể nhìn thấy con đường trải ra xa dẫn tới một mái nhà tranh rộng rãi, và nhìn thấy được cả ngôi nhà ấy, mà quanh đó trong vụ hè qua các thị dân đã gây nên cả một cơ ngơi. Đâu đâu cũng thơm phức mùi táo, ở đây lại càng như vậy. Trong căn nhà tranh có bố trí nhiều chỗ nằm, có một khẩu súng một nòng, một chiếc xamovar đã mốc xanh, còn bát đĩa đặt ở góc nhà. Bên cạnh nhà lăn lóc những chiếc chiếu gai, những hòm gỗ, những đồ đạc linh tinh đã cũ nát, và có một chỗ để đun bếp. Ở đây buổi trưa người ta nấu món cháo mỡ cực ngon, buổi chiều thì đun xamovar và một làn khói xanh lơ thường trải thành một vệt dài giữa những hàng cây trong toàn bộ khu vườn. Còn vào những ngày lễ tết thì bên cạnh mái nhà tranh này là cả một phiên hội chợ, và đằng sau những đám cây cối chốc chốc lại thấy thấp thoáng cả những trang phục màu đỏ. Những cô gái thuộc các hộ tiểu nông vẻ hoạt bát, mặc những tấm xiêm cụt tay nức mùi thuốc nhuộm đã tụ tập lại. Đã có mặt cả những người “quý tộc” trong các bộ quần áo tuy đẹp mà thô lậu và mông muội của họ, có mặt cả một bà lý trưởng trẻ măng, đang có chửa, mặt phèn phẹt, bơ phờ và bộ điệu quan trọng như một con bò cái vùng đồi núi. Đầu bà ta cũng có “sừng” – những búi tóc kết ở hai bên đỉnh đầu, bên trên lại trùm thêm mấy lớp khăn, thành thử đầu bà ta trông to tướng; đôi chân đi ủng ngắn có đóng cá sắt, đứng trên mặt đất có vẻ thộn nhưng vững chãi; chiếc áo gilê của bà ta bằng vải mịn, có vạt che dài, còn chiếc váy bằng len tự dệt thì màu hoa cà sẫm có sọc màu gạch, gấu váy đính một “vành đăng ten” rộng thêu kim tuyến…

– Một con bươm bướm (6) đảm đang! – người thị dân lắc đầu, bình phẩm về bà ta. – Bây giờ lại sinh ra những hạng người như thế đấy…

Trong khi đó những thằng bé con mặc những chiếc áo sơ mi kiểu cách và những chiếc quần ngắn cũn cỡn, đầu để trần, trắng hếu, xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Chúng đi từng nhóm hai, ba đứa một, những bàn chân không giày dép bước lon xon, và đứa nào cũng đến sờ vào con chó becgiê lông xù buộc vào một cây táo. Dĩ nhiên là chỉ có một đứa mua hàng thôi, bởi việc mua bán của chúng chỉ vẻn vẹn là một kôpêch hoặc là một quả trứng, nhưng những người mua bán khác thì lại nhiều, việc buôn bán diễn ra nhộn nhịp, khiến cho một thị dân dáng như mắc bệnh ho lao, mặc chiếc áo kín cổ dài lụng thụng, đi đôi ủng hung hung đỏ, đã lộ vẻ vui mừng. Cùng thằng em trai, – một đứa dở ngu dở đần, nói ngọng nhưng lanh lẹn, mà ông ta nuôi “vì lòng nhân từ”, – ông ta buôn bán với những lời đùa cợt, bông lơn, thậm chí đôi lúc còn “rờ tới” cả chiếc đàn gió sản xuất ở Tula (7). Và người ta họp chợ trong khu vườn ấy cho tới tận chiều tối, bên ngôi nhà tranh vang lên tiếng cười, nói, thỉnh thoảng lại có cả tiếng nhảy múa rậm rịch…

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x