
Hận Lãng Bạc – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Rất nhiều người Việt Nam hết mình yêu vẻ đẹp của kiến trúc Pháp tại Đà Lạt. Cô cũng vậy. Mỗi chiều mưa bụi rừng thông, tiếng dương cầm lẫn trong sương bay là là trên mái ngói rêu phong của ngôi biệt thự vườn xây theo kiểu Pyrénées và Basques, cô thường nghẹt thở. Hình như đó là một hội chứng đã được y văn ghi chép kỹ càng, mang tên một văn hào Pháp. Cô gọi đấy là nỗi nghẹn ngào thiên đường.
Cô đoán, anh sẽ cho rằng cô đồng bóng và nông cạn. Anh yêu Di Linh và Bảo Lộc hơn Đà Lạt bởi nó còn đọng nhiều dấu ấn bản xứ nguyên khai. Nói chung, nhìn vào lịch sử Lâm Đồng trăm năm trở lại đây, cô có thể suy đoán những gì đã diễn ra ở đồng bằng sông Hồng đầu Công nguyên. Djirinh và Blao đã được Hán – Việt hóa thành Di Linh và Bảo Lộc. Phải chăng Mi Linh trong Hán Thư, và sau đó là Mê Linh đã được người Hán ký âm từ M’linh? Ngôn ngữ của Hai Bà Trưng và ngôn ngữ người Thượng ở Tây Nguyên hình như cùng một nguồn Nam đảo. Bác sĩ Yersin chuyển ngữ Đaạ Lạch qua Dalat, sau đó tiếng Việt đơn âm tiết tách nó ra thành Đà Lạt như đang thấy. Đaạ cũng như Đak, Nác, Lạc và Đà trong sông Đà, nó chỉ sông, suối, địa bàn sinh tồn cốt tử của người Việt cổ. Người Mường cũng gọi nước là Đác. Từ cụ thể, tư duy phát triển đã trừu tượng hóa Đaạ, Đak, Lạc thành xứ sở, tổ quốc, quốc gia. Đaạ Lạch là xứ sở của người Lạch, cũng như Lạc Việt tương đương với Việt quốc.
Tư duy của nhân loại ở thảo nguyên và đời sống du mục lại hình tượng hóa đất, vùng đất, thành xứ sở, quốc gia. Đó là ý nghĩa của từ land trong quốc danh nhiều nước trên thế giới. Nằm nơi ngã ba của các nền văn hóa và ngôn ngữ, có lẽ trùng ngữ đất – nước là cách dung hòa, là dấu vết hợp chủng bắc – nam trong quá trình hình thành dân tộc Việt Nam. Phản đề của phân ly là tái hợp. Phải chăng truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con là ẩn ý sâu sắc, là nhắn nhủ đoàn kết, là lời răn dạy tương thân tương ái của tiền nhân Việt cổ. Nếu xét trên nhận thức tuyến tính, câu chuyện Âu – Lạc là bề phải của huyền thoại tháp Babel nổi tiếng trong Kinh thánh Thiên chúa giáo. Hay nói cách khác ngạo mạn và chia rẽ là một.
“Tại sao em yêu thích lịch sử?” – Anh hỏi.
“Hình như nó giải đáp được rằng chúng ta từ đâu tới. Còn ý nghĩa của tồn tại nữa chứ. Ở góc độ nào đấy lịch sử sinh động hơn triết học.” – Cô trả lời như một cái máy. Có lẽ anh không nhớ nhiều những kỷ niệm cô từng kể. Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại, tuồng như anh chỉ nói cho riêng mình, để tạo nên một lý do suy tư. Cô cũng như anh, say sưa đứng dưới chân Tháp Chàm. Với Tháp Chàm, cô luôn là du khách khát khao chiêm bái giá trị nghệ thuật xưa cũ.
Cô rất tiếc năm nọ, khi thăm quan bảo tàng lăng mộ Nam Việt Văn vương ở Quảng Châu, Trung Quốc, lúc đó cô chưa quen anh. Xúc động lan tỏa đến từng chân tơ kẽ tóc. Cô bỗng tin vào linh hồn và những lời truyền kể thông qua tiềm thức của cả một dân tộc, một cộng đồng. Cô tin vào thứ lịch sử nằm ngoài những thẻ tre, các tờ lụa của sử quan. Và hơn hết, cô thấy có gì đó rất tò mò đối với Văn vương Triệu Hồ.
—–
Cô một mình đến Quảng Châu với mục đích thăm quan lăng mộ Triệu Văn Vương. Từ sân bay Bạch Vân cô về thẳng nhà nghỉ trường đại học Kí Nam. Sáng hôm sau, lên xuống mấy lượt xe buýt và tàu điện ngầm, cô đến cổng công viên Việt Tú. Đi bộ một thôi dọc phố Giải Phóng Bắc, băng qua đường hầm, cô dừng trước bức tường mặt tiền cao ngất của viện bảo tàng. Thật nguyên vẹn. Người Việt Đông chăm sóc di tích lịch sử rất khoa học.
Đêm. Ngồi ghế đá trong khuôn viên rợp cây xanh trước nhà nghỉ, khoan khoái tận hưởng không khí trong lành, cô tự hỏi “Hơn hai ngàn năm trước, đây là lãnh thổ của một nước cũng tên là Việt ư?” Một ông lão râu tóc bạc phơ đi ngang, vừa cười vừa hỏi:
“Mai mi về Nam, sao hôm nay không tiện thể ghé ta chơi một chuyến?”
“Thưa… ông là…”
“Ta là ông nội của Văn Vương.”
“Nhà ngươi… À không, lăng mộ của… ông gần đây ư?”
“Trường đại học này xây dựng bên triền địa danh Ngung sơn trong sách xưa.”
Như có ma lực thôi thúc và mạnh mẽ hơn cả sự tò mò khiến cô líu ríu rảo bước theo Triệu Đà.
—–
Lối vào mộ dốc và khá hẹp, dài tầm vài chục bước chân, vách đất dựng đứng. Theo lễ nhà Chu, chỉ thiên tử mới được làm đường khiêng quan tài vào mộ. Thời ấy ở Hoa Bắc, người ta đào mộ đạo rất rộng và sâu. Sau khi an táng, hai phần ba chiều cao mộ đạo được lấp cát và chèn đá hộc, một phần ba phía trên là đất nện. Nếu trộm viếng mộ, đào càng sâu thì chúng càng có nguy cơ tự chôn sống vì cát sụt lôi đá xuống. Thấy cô quan sát khá kĩ, Triệu Đà quay lại bảo:
“Ở đây cao và xa sông suối, không tìm được cát. Ta cho đào ngang, hút sâu vào lòng núi. An toàn không kém. Hai thiên niên kỉ có hề hấn gì đâu. Cửa nhà ta suốt bốn mùa và suốt ngày đều có thể nhìn thấy mặt trời”
“Ngươi… ông… năm nay bao nhiêu tuổi?”
“Ta về đây năm 137 trước Công nguyên. Ta sinh năm 234 tại Chân Định, nước Triệu. Nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.”
“Sao Đại Việt sử kí toàn thư đời vua Lê Thánh Tông ghi ông sống hơn trăm tuổi?”
“Chắc là nhầm đấy. Sách sử sao đi sao lại, có người vì lý do này nọ, có khi lại do sự biến thiên, loạn lạc. Về điểm này Sử kí của Tư Mã Thiên có khi là đáng tin cậy hơn, nhưng quá khúc chiết.”
“Ngươi từng là phó tướng của Đồ Thư?”
“Ta xuống Lĩnh Nam đợt hai, sau khi dân Tây Âu đã giết Đồ Thư. Tần Thủy Hoàng rất ghét nước Triệu, vì ám ảnh bởi tuổi thơ khó nhọc tại Hàm Đan. Nhiều người Triệu bị Tần Thủy Hoàng bức ép đi xây Trường Thành và bắt xung lính thú Lục Lương.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.