Người Đưa Đường Thọt Chân – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Ở một cái lán cao, giữa rừng vầu trên chiếc bàn viết được ghép bằng những ống nứa, Thắng đã đặt bút viết và tập đọc bài học chính tả đầu tiên. Đó là bài nói về tình cảm quốc tế của một bà mẹ Nga với một em bé Việt Nam. Thắng vừa xuýt xoa nuốt nước bọt, vừa cặm cụi ghi câu, mà có lẽ đến phút chót của cuộc đời anh vẫn có thể nhớ lại như in: “Mẹ vừa âu yếm hỏi chuyện, vừa thái thịt cho Hiền ăn”. Không riêng một mình Thắng, mà cả hai chục cái miệng non nớt của lớp học đều ồ lên thích thú mỗi lần thầy giáo già thọt chân đọc lại câu đó.
Chỉ riêng có thằng Hưng, con ông Vượng, cùng làm ở xưởng quân giới với bố Thắng là tỉnh bơ ngồi im. Phải chăng những trận sốt rét rừng, rồi những trận phù, mặt vàng bủng ra, ấn ngón tay vào má vết lằn hàng nửa tiếng mà vẫn còn y nguyên vì đói, vì thiếu đủ loại vitamin đã là bằng chứng xác thực nhất làm bật lên thứ tình cảm sâu kín, bản năng nhất của tuổi thơ. Riêng với Thắng, anh không thể quên, mỗi buổi sáng ngủ dậy, lẩy bẩy ngồi xuống mảnh chiếu rách trải trên nền đất, trước chiếc mâm gỗ chỏng chơ đĩa sắn luộc, bát muối vừng mặn chát với hai lưng cơm độn nhiều ngô hơn gạo.
Ôi cái giống ngô được trồng tỉa giữa khe nứt của những tảng đá sau nhà mới kỳ lạ làm sao. Hạt của nó không trắng, không vàng mà phơn phớt tím. Thứ hạt mà có ninh hàng giờ với nửa gánh củi gộc mà vẫn trơ ra như những viên sỏi. Hàm răng sữa của Thắng lúc bấy giờ không sao nghiền nó vỡ nổi. Thắng luôn liếc nhìn trộm mẹ và thừa cơ, tranh thủ gắp bỏ từng hạt ra giấu vào góc mâm. Nhưng không bữa nào, mẹ Thắng không phát hiện ra. Mỗi hạt ngô bỏ ra Thắng phải chịu hình phạt là một cái cốc vào đỉnh đầu, kèm theo tiếng rít qua nước mắt “mày có tọng vào không? Có tọng cho đầy diều không thì bảo bà?”.
Bữa chiều đơn giản hơn, thường không phải dọn mâm. Cả nhà ngồi vây quanh nồi khoai luộc. Mỗi khẩu phần được chia từ hai đến ba củ, sàn sàn bằng ngón chân cái người lớn. Thứ khoai dỡ non, mới chỉ là một loại dây chưa biến thành củ. Từ chập tối tới lúc nhắm mắt ngủ được thời gian mới dài làm sao. Thắng cố nhịn, chứ hai đứa em thì phụng phịu suốt buổi vì đói. Nhưng mọi việc được thu xếp gọn gàng ngay bằng một chiếc roi giang mẹ gài ở vách liếp. Bà quật mà không cho khóc, bắt nhắc đi, nhắc lại câu: “Cơm có bữa, chợ có phiên”, nhắc đến mỏi mồm, không còn kêu đói được nữa mới tha. Rồi những cuốn phim được xem cũng đã gieo vào tâm hồn bé Thắng những ấn tượng rất mạnh. Bãi chiếu phim ở một khoảng trống giữa rừng.
Phải đốt đuốc đi hàng giờ, lội qua ba bốn đoạn suối, nhưng có sức cuốn hút thật kỳ lạ. Giữa tiếng máy nổ chạy xình xịch át cả tiếng nhạc và tiếng thuyết minh, song chẳng hề gì. Sức cuốn hút, hấp dẫn là ở hình ảnh về đất nước và những con người trên tấm phông trắng kia. Thật là thần tiên với những cánh đồng đầy lúc mì và hoa. Những con người thì béo tốt, đàn bà mặc váy, đàn ông đi ủng cao, kéo đàn ác coóc, quấn lấy nhau hào hùng với xe tăng, đại bác, máy bay và ngựa chiến nữa. Thắng còn nhớ một đoạn tả một cô Masa nào đó, gùi một túi bánh mì và chạy. Đạn của bọn phát xít bắn đuổi theo. Khi cô về được đến chiến hào, bẻ chiếc bánh mì ra, ở giữa có một đầu đạn nhọt hoắt.
Thật là tuyệt diệu, cái bánh mì Nga vừa ăn no bụng, vừa như tấm lá chắn che đỡ, cứu người thoát chết. Tất cả ký ức xa xôi ấy vụt sống dậy trong lòng Thắng. Giờ đây Thắng muốn kể cho bà thiếu tá nghe từ đầu, từ những kỷ niệm thời thơ ấu cho tới những sự việc mới diễn ra gần đây. Lý giải cho bà hiểu rằng, vì sao Thắng đã kiên trì vượt qua mọi thử thách trớ trêu của số phận trong một khoảng thời gian dài đủ cho một trung uý quèn lên cấp tướng để tới được đây.
Trong con mắt người Việt Nam, chữ giầu bao giờ cũng gắn liền với chữ sang. Được ra nước ngoài, nhất là được đi đến nước Nga thì vinh dự lắm. Không ít những ông bố, bà mẹ, những người đang yêu không kể về người thân của mình đang chiến đấu ở chiến trường mà lại khoe những người đang sống, học tập và làm việc ở Nga. Và chỉ những con người đó mới đem lại vinh dự, niềm tự hào cho bản thân và gia đình họ. Trong con mắt Thắng đã có một thời nhìn những người từ “Nga” về như nhìn những vị thánh. Từ bộ com lê rẻ tiền đến đôi giày hoá học giả da, cho đến cái túi xách tay… cái gì cũng nhuốm mùi vị sang trọng lắm. Cả đến cử chỉ “cả ngô” của một thằng nhóc, đi học nghề về, trong bữa cơm khách đã thò tay vào bát canh vớt mấy cục sườn cũng được đề cao là “tự nhiên, thực thà như Nga”.
Sự quý trọng, ưu tiên cho lớp người này không chỉ tồn tại trong ý thức cá nhân riêng biệt mà nó còn được xã hội đề cao quá mức, đẩy đến những nghịch cảnh. Giữa một chuyến đi công tác đảm bảo giao thông, Thắng cùng hàng ngàn người khác chen chúc trong các toa tàu nóng bức, chật chội, không ghế ngồi. Ai cũng mong tàu chóng tới đích. ấy thế mà phải “stốp” lại hai tiếng đồng hồ, giữa một ga sép. Không ai hiểu nổi vì sao. Hai tiếng đồng hồ sau, một đoàn tàu lướt qua, toa nào cũng giường nằm, ghế đệm sang trọng – những con người trên đó mới sang trọng, đẹp đẽ làm sao. Đã quá quen với những chuyến tàu đông nghịt, ồn ào bẩn thỉu, mọi người ngơ ngác như muốn hỏi: “Cái gì thế này”. Chỉ có Thắng, từ tiềm thức, nhìn và hiểu ngay, tàu liên vận. Tàu liên vận chở người đi Nga. Thảo nào!
Rồi đời sống thường nhật, sau những năm chiến tranh ác liệt, những tưởng sẽ khấm khá dần lên. Ai ngờ, cứ đi xuống, rơi xuống với một gia tốc chóng mặt mà không bao giờ thấy đáy. Một kỹ sư như Thắng mà đồng hương không nuôi nổi bản thân mình.
Sách liên quan
Không Gì Chết Đi Bao Giờ – Đọc sách online ebook pdf
Nguyễn Thanh Việt
Khi Người Ta Trẻ – Đọc sách online ebook pdf
Phan Thị Vàng Anh
Em Thuộc Về Anh – Đọc sách online ebook pdf
Emily Giffin
Đào Yêu Ký – Đọc sách online ebook pdf
Tát Không Không
Chuyện Đời Xưa – Đọc sách online ebook pdf
Trương Vĩnh Ký