Chiến Lược Xung Đột – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Xung đột và hợp tác là một phần bản chất của cuộc sống loài người. Thuở ban sơ, xung đột và hợp tác mang tính tự nhiên và cá nhân, được thúc đẩy bởi bản năng sinh tồn. Khi con người biết quần cư thành bầy đàn, và càng về sau này, khi phương thức tổ chức cộng đồng và quốc gia – dân tộc ngày càng phát triển thì các hình thái xung đột càng trở nên phức tạp, mang tính duy lý và đấu trí nhiều hơn. Nhìn ra thế giới ngày nay thì có thể thấy hợp tác và xung đột hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, chính trị đến ngoại giao và an ninh v.v…
Các nhà khoa học xã hội từ lâu đã cố gắng hiểu và lý giải những nguyên nhân cơ bản của hợp tác và xung đột. Tuy nhiên, chỉ đến khi lý thuyết trò chơi ra đời với tác – phẩm nền tảng và kinh điển của John von Neumann and Oscar Morgenstern nhan đề Lý thuyết trò chơi và hành vi kinh tế xuất bản năm 1944 và phát triển sau đó thì các – nhà nghiên cứu mới có trong tay những công cụ sắc bén và chặt chẽ để phân tích các hiện tượng xung đột và hợp tác.
Đóng góp của Schelling là ông đã góp phần phát triển lý thuyết trò chơi bất hợp tác (non-cooperative game theory) và đi tiên phong trong việc vận dụng lý thuyết này để trả lời những câu hỏi quan trọng của các ngành khoa học xã hội. Trong những thành công của Schelling, quan trọng nhất có lẽ là việc ông chỉ ra một cách thuyết phục rằng các tương tác xã hội có thể được nhìn nhận như là những trò chơi bất hợp tác ẩn chứa cả sự đồng thuận lẫn xung đột về lợi ích.
Cụ thể hơn, một câu hỏi xuyên suốt các công trình nghiên cứu và hoạt động cố vấn của Schelling là: “Tại sao một số nhóm người, tổ chức, hay quốc gia có thể làm nảy nở và duy trì sự hợp tác, trong khi ở những nơi khác lại tổn tại xung đột giữa các bên?” Những công trình của Schelling (và của các nhà nghiên cứu sau này) đã cho thấy lý thuyết trò chơi – hay lý thuyết ra quyết định trong các điều kiện tương tác chiến lược – là một cách tiếp cận hiệu quả (và hiện đang chiếm ưu thế) trong việc trả lời cho câu hỏi muôn thuở này.
Bài diễn văn của Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhiệt thành tuyên dương ông và Robert Aumann (nhà toán học gốc Do Thái) đã có những đóng góp to lớn trong việc “nâng cao hiểu biết của chúng ta về các hành vi xung đột và hợp tác thông qua việc mở rộng và áp dụng lý thuyết trò chơi một phương pháp được sử dụng để phân tích các tương tác chiến lược giữa các tác nhân với nhau. Những công trình của họ đã vượt xa khỏi ranh giới của kinh tế học và góp phần chuyển hóa các môn khoa học xã hội khác. Các nghiên cứu của Aumann và Schelling tiếp tục định hướng cho các thảo luận về sự hình thành các thể chế xã hội.”
Cuốn sách Chiến lược xung đột (The Strategy of Conflict) mà bạn đang cầm trên tay là sự tổng kết quá trình nhiều năm nghiên cứu và trải nghiệm của Schelling. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách được hình thành và ra đời trong nỗi ám ảnh của chiến tranh lạnh, trong bối cảnh cuộc chạy đua hạt nhân giữa hai cường quốc thế giới lúc bấy giờ là Liên Xô và Mỹ ngày càng trở nên gay cấn. Schelling đã rất ngạc nhiên (và có phần thích thú nữa) khi phát hiện ra rằng ưu thế thương lượng (hay mặc cả) của mỗi bên chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là các lựa chọn khả hữu cũng như khả năng chủ động thay đổi những lựa chọn này của bản thân họ và của đối thủ.
Bằng các công cụ toán học, ông đã chứng minh được điều tưởng chừng là nghịch lý rằng, trước một tình huống xung đột với đối thủ, một bên có thể chiếm ưu thế bằng cách “phế bỏ” một số lựa chọn đang có của mình. Kết luận này làm chúng ta nhớ lại câu “đặt vào chỗ chết thì sống, đặt vào chỗ mất thì còn” trong binh pháp Tôn Tử hay tích “qua sông đốt thuyền” của Hàn Tín.
Trong thời đại ngày nay, những chiến lược này vẫn tiếp tục được vận dụng một cách linh hoạt. Bill Gates nổi tiếng của nước Mỹ cũng thường nói: “Chúng ta đặt cược cả công ty vào Internet!” Còn ở bán cầu bên kia của trái đất, Triệu Tử Dương đã kiên quyết “tự buộc” chính phủ Trung Quốc vào những cam kết nghiêm ngặt với cộng đồng thế giới khi gia nhập WTO để đẩy mạnh cải cách trong nước vì ông hiểu rõ rằng, khó khăn lớn nhất của Trung Quốc không phải là trên bàn đàm phán quốc tế mà là ở các thế lực chống đối của các nhóm lợi ích trong nước. Thế mới thấy trực giác của người xưa và trí tuệ thời này có một sự tương thông tuyệt diệu, chỉ khác là ngày nay các nhà khoa học sử dụng những công cụ phân tích thông qua các mô hình toán ngày càng tinh vi và chặt chẽ hơn.
Trong cuốn sách này, Schelling cũng chỉ ra rằng trong các tình huống có xung đột, chính khả năng “trả đũa” (chứ không phải là khả năng kháng cự hay tấn công) mới là điều quan trọng. Hơn thế, ông còn cho rằng trả đùa “xuất kỳ bất ý” sẽ làm cho đối thủ “ngán” hơn nhiều, và vì vậy giúp tăng cường độ tin cậy và hiệu quả cho các biện pháp trả đũa.
Không chỉ quan tâm tới xung đột, Schelling còn nghiên cứu các quá trình thiết lập môi trường cho sự tin cậy và cam kết chiến lược, nhờ đó sự hợp tác trong dài hạn có thể được duy trì. Trong quá trình hợp tác này, các bên cũng sẽ nhận thấy về lâu về dài họ cùng có thể được lợi nếu như ban đầu họ chịu hy sinh một phần quyền lợi của mình. Những phân tích này của Schelling đã giúp giải thích một phổ rộng lớn những hiện tượng thường gặp, từ chiến lược cạnh tranh của công ty cho tới việc ủy thác quyền quyết định về chính trị hay ngoại giao.
Schelling cũng quan tâm tới khả năng hợp tác của các bên trong hoàn cảnh không tồn tại xung đột đáng kể về lợi ích giữa các bên, nhưng tất cả các bên sẽ cùng phải trả giá khá đắt khi sự hợp tác bị phá vỡ.
Sách liên quan
Không Gì Chết Đi Bao Giờ – Đọc sách online ebook pdf
Nguyễn Thanh Việt
Khi Người Ta Trẻ – Đọc sách online ebook pdf
Phan Thị Vàng Anh
Em Thuộc Về Anh – Đọc sách online ebook pdf
Emily Giffin
Đào Yêu Ký – Đọc sách online ebook pdf
Tát Không Không
Chuyện Đời Xưa – Đọc sách online ebook pdf
Trương Vĩnh Ký