Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Cuốn sách này kể về tiểu sử và cuộc đời tu tập của một nữ tu đã đạt tới đỉnh cao trong việc thực hành Giáo Pháp. Cô được biết đến với cái tên Mae Chee Kaew.

Mae Chee Kaew cảm nhận được tiếng gọi đến với cuộc sống tâm linh từ khi còn nhỏ. Là một cô bé có phước báu lớn được gặp những vị thầy nổi tiếng nhất trong thời đại của mình, cô đã nhập những lời dạy thiền của họ vào tâm, và với nhiệt tình của tuổi trẻ, cô đã áp dụng chúng vào thực hành một cách tinh tấn.

Nhờ có nhân duyên thuận lợi, cô đã nhanh chóng phát triển thành một cô bé thần đồng, thành thục trong nghệ thuật của thiền định. Tâm cô dễ dàng an trú trong định sâu trong nhiều giờ, và đã chứng kiến nhiều hiện tượng tuyệt vời và kỳ lạ.

Khi hoàn cảnh gia đình ngăn không cho cô đi theo tiếng gọi tâm linh, cô chờ đợi thời cơ của mình một cách kiên nhẫn, chờ để tận dụng cơ hội sớm nhất. Sau 20 năm trải qua một cuộc hôn nhân không toại nguyện, cánh cửa cuối cùng đã mở ra cho Mae Chee Kaew tiến vào đời sống xuất gia.

Là một tu nữ, cô đã có nhiều năm sống và thực hành với các vị thầy tài giỏi. Các ngài thường tán dương cô vì cô có kỹ năng đặc biệt trong hành thiền, đặc biệt là khả năng thần thông của cô. Rất ít sư trong số các vị thầy có khả năng như cô trong lĩnh vực nhận thức đó.

Tuy nhiên, ý nghĩa hơn cả là cô đã vượt qua được dính mắc của mình trong thế giới quy ước với các điều kiện luôn đổi thay của nó, nhờ vậy cô đã đạt được trạng thái thoát trần của tâm hoàn toàn giải thoát. Là một trong số ít các vị thánh nữ của thời hiện đại, cô đã trở thành bằng chứng sống rằng mục tiêu chứng ngộ tối cao của Đức Phật vẫn có thể đạt được đối với tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, sắc tộc hay địa vị xã hội.

Chư ni tu tập dưới thời Đức Phật, phần lớn đã đạt được quả thánh, và nhiều người được Đức Phật tán dương. Trong những bài pháp thời đầu của Đức Phật, chư ni được Ngài tán dương nhiều lần: chư ni được tán dương nhờ sự tinh tấn, trí tuệ và khả năng giảng dạy Giáo Pháp. Rõ ràng rằng nhiều phụ nữ thời đó đã rời bỏ gia đình và hiến trọn đời mình cho cuộc sống không nhà cửa của người xuất gia.

Thực ra, khi Đức Phật thành lập ni đoàn, nhiều phụ nữ đã nhanh chóng đến gia nhập. Trong hoàn cảnh xã hội đầy định kiến ràng buộc đối với phụ nữ thời đó, đây là một thành quả đặc biệt.

Ước nguyện của nam giới khi quay lưng lại với bố mẹ, vợ con được coi là bằng chứng của sự quyết tâm đi tìm chân lý của mình. Người nam rời nhà cửa và gia đình để theo đuổi chí hướng tâm linh thì được coi là một đức hạnh. Tuy nhiên, người nữ phải trải qua chặng đường khó khăn hơn rất nhiều mới đến được với cuộc sống xuất gia. Có ít tự do hơn nam giới, họ không thể rời gia đình khi không được phép những ông chồng không muốn cho phép, và họ thường bị trói buộc vào bổn phận đối với bố mẹ già hoặc con thơ.

Với việc thành lập ni đoàn, Đức Phật đã mở ra cho phụ nữ một cơ hội hiếm hoi để sống cuộc sống xuất gia, vượt ra ngoài những hạn chế trong văn hóa và thông lệ xã hội cổ xưa. Ngài cũng đã công nhận rằng phụ nữ có khả năng như nam giới trong việc hiểu Pháp. Đó là một nhận định cấp tiến trong thời đó.

Ni đoàn là cộng đồng các nữ tu do Đức Phật lập nên. Ni đoàn được coi là một tăng già của các Tỳ kheo ni thịnh vượng qua hơn một ngàn năm, nhưng cuối cùng dòng ni đoàn đã gián đoạn do chiến tranh và nạn đói. Vì không đủ cơ cấu để hồi phục truyền thống Ni đoàn thời Đức Phật, nên cơ hội xuất gia cho nữ giới ở các nước theo Phật giáo Theravāda ngày nay chỉ còn là xuất gia làm tu nữ, giữ tám giới hay mười giới.

Ở Thái Lan, tu nữ thường giữ tám giới. Họ được gọi là mae chee. Cũng giống chư tăng, mae chee cạo đầu và tuân thủ giới luật mà mình đã thọ. Đắp y trắng tuyền thể hiện sự khác biệt nghiêm ngặt giữa cách sống của người xuất gia và của cư sỹ, một mae chee tuân thủ giới luật quy định về trang phục, hành vi và cách sống phù hợp. Cô không được phép đi làm thuê nhận tiền công, hoặc không được tham dự vào việc mua bán hàng hóa và dịch vụ. Cô được dạy phải luôn nhớ rằng dáng vẻ trang nghiêm và ứng xử mẫu mực có khả năng khích lệ người khác quan tâm thực sự vào lợi ích cao quý của việc tu hành của người xuất gia theo Phật.

Phần lớn các mae chee sống trong các thiền viện do chư tăng quản lý. Một số ít khác sống trong thiền viện của riêng họ, và thường gắn với thiền viện của chư tăng gần đó. Những thiền viện có tính chuyên tu, đặc biệt những thiền viện theo truyền thống tu trong rừng của Thái, cho phép phụ nữ có được thời gian rỗi và phương tiện căn bản cần thiết để theo đuổi cách sống tu hành và hành thiền. Vì lý do đó, nhiều phụ nữ chọn cơ hội được tu tập trong các cộng đồng mae chee ở các thiền viện như vậy. Một nhược điểm mà mọi người cảm nhận đối với cách tổ chức này là tu nữ bị đứng thứ cấp so với chư tăng. Hạn chế này, trong một phạm vi nào đó, được giảm thiểu vì đạo Phật hiểu rằng quyền lực và thứ bậc trong một cộng đồng là những quy ước xã hội cần thiết để giữ cộng đồng hoạt động suôn sẻ. Vị trí của phụ nữ trong trật tự của cộng đồng không phản ánh giá trị thực sự của họ với tư cách là một con người.

Sự phân biệt nam nữ đã hằn sâu trong phần lớn các nền văn hóa, đến mức cũng khá tự nhiên khi bắt gặp nó trong bối cảnh tôn giáo.

Nhưng giới tính là tạm thời, nó đến rồi đi; là quả của nghiệp quá khứ, nó là một loại như định mệnh. Cốt lõi sự sống của một chúng sinh không có tên và tướng trạng, và do đó không có tính nam hay nữ.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x