Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Năm 179 trước Công nguyên, Triệu Đà cướp nước Âu Lạc rồi chia nước ta thành hai quận Giao Chỉ (vùng Bắc bộ ngày nay) và Cửu Chân (vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ). Triệu Đà sai hai sứ thần coi giữ hai quận này.

Năm 111 trước Công nguyên, nhà Triệu bị nhà Hán thôn tính. Nhà Hán chia nước ta làm ba quận: Giao Chỉ (vùng Bắc bộ ngày nay), Cửu Chân (vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, một phần Ninh Bình ngày nay) và Nhật Nam (vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay), đặt trị sở ở Giao Chỉ. Năm thứ 8, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Năm 25, Lưu Tú đánh bại Vương Mãng, tái lập nhà Hán.

Nhà Hán cai trị nước ta rất hà khắc. Chúng đưa người Hán sang nước ta nắm giữ các chức quan lớn như Thái thú, Quận thừa, Đô úy thừa… Đứng đầu các huyện vẫn là các Lạc tướng Âu Lạc nhưng bị hạn chế nhiều quyền hành. Năm 34, nhà Hán cử Tô Định làm Thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định đặt phủ Thái thú tại Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Tô Định bắt dân ta phải cống nộp nhiều loại sản vật. Người dân vừa phải đi phu dịch, vừa phải lên rừng xuống biển tìm sản vật quý. Nhà Hán bắt những người Việt có tài đem về Trung Quốc và đưa dân Hán di cư sang nước ta.

Nhà Hán buộc dân ta phải thay đổi phong tục tập quán, cách ăn mặc, các lễ nghi cưới xin, tang ma… theo phương Bắc khiến người dân Âu Lạc vô cùng phẫn uất.

Đứng đầu huyện Mê Linh (nay là huyện Mê Linh, Hà Nội) là Lạc tướng thuộc dòng dõi vua Hùng, một lòng yêu nước thương dân. Vợ ông là Man Thiện có cùng chí hướng với chồng. Vợ chồng ông có hai người con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lớn lên, chứng kiến sự tàn ác của giặc Hán, hai chị em đã sớm căm thù quân bạo ngược.

Huyện Chu Diên(*) – nằm cạnh Mê Linh – là một huyện lớn. Lạc tướng Chu Diên là người khẳng khái. Con trai ông là Thi Sách được cha truyền cho tấm lòng vì nước vì dân nên cũng sớm nuôi đánh giặc cứu nước.

Trong một lần cùng cha sang thăm Mê Linh, Thi Sách đã đem lòng yêu thương Trưng Trắc. Ngày họ nên vợ nên chồng, trăm họ đều vui mừng cho hạnh phúc lứa đôi và hy vọng sự gắn kết của gia đình hai Lạc tướng sẽ là đem lại những đổi thay cho đất nước.

Trước khi Hai Bà Trưng dựng cờ dấy nghĩa, ở nước ta đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh chống lại nhà Hán. Ở vùng đất Đông Triều (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay) có cuộc khởi nghĩa của chàng Hối. Tuy cha làm quan cho nhà Hán nhưng chàng Hối đã cùng cậu là Phạm Công Huyền đã chiêu mộ nghĩa sĩ, hoạt động chống lại quan quân nhà Hán ở suốt một nẻo đất Đông Bắc.

Ở vùng Kẻ Sải (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) có cuộc khởi nghĩa của Trần Nương. Bị lính nhà Hán ức hiếp, nàng cùng chồng là Thiên Bảo chiêu mộ hơn 1000 nghĩa sĩ, cùng nhau đánh giặc ở vùng trung du. Nghĩa quân của Trần Nương, Thiên Bảo đã khiến giặc Hán nhiều phen khốn đốn.

Ở vùng Đường Lâm (nay thuộc thành phố Sơn Tây, Hà Nội) có hai chị em Ả Lan và Lê Tuấn rất giỏi võ nghệ. Khi giặc Hán đến làng thu gom cống vật, cha của Ả Lan chỉ huy dân làng chống lại và ông bị giặc giết. Năm ấy, Ả Lan mới mười tám tuổi. Làm lễ tang cho cha xong, nàng cùng em trai kêu gọi dân trong vùng đứng lên đánh giặc.

Các cuộc khởi nghĩa tuy còn lẻ tẻ nhưng cũng khiến Tô Định và bọn quan quân nhà Hán lo lắng. Tô Định phải cho quân đi đánh dẹp liên miên. Giữa lúc đó, hắn được tin Thi Sách và Trưng Trắc tổ chức cưới xin.

Cho rằng việc cưới xin là cơ hội để các lực lượng chống Hán gặp nhau, Tô Định bèn đưa quân tới bắt Thi Sách đem đi. Vài ngày sau, Tô Định đem Thi Sách ra hành hình.

Tin Thi Sách bị Tô Định giết hại khiến dân chúng căm phẫn. Biết thời cơ đã tới, Trưng Trắc, Trưng Nhị đứng lên kêu gọi dân chúng đánh giặc cứu nước. Hưởng ứng lời kêu gọi, người dân Mê Linh tự trang bị vũ khí rồi kéo về dưới cờ nghĩa của Hai Bà.

Khi biết tin Trưng Trắc dựng cờ dấy nghĩa, chị em Ả Nương, Ả Nàng ở Yên Mạc (nay thuộc xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) cùng hơn 1000 nghĩa binh đã kéo đến Mê Linh. Trên đường đi, gặp bất kỳ đồn trại nào của giặc, đội nghĩa binh cũng quét sạch.

Về Mê Linh tụ nghĩa còn có những đội nghĩa binh tuy chỉ vài chục, vài trăm người nhưng đều là những người tinh thông võ nghệ. Ba mươi thanh niên giỏi võ ở làng Trung Hậu(?) dưới sự chỉ huy của ba anh em Cả, Hai, Ba đã vượt sông đến Mê Linh.

Năm mươi nữ binh do Ả Tú, Ả Huyên ở trang Vân Thủy (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) làm thủ lĩnh cũng kéo về gia nhập nghĩa quân. Họ đều là những chiến binh giỏi võ nghệ, có tài chạy nhanh như gió.

Về Mê Linh, ai ai cũng mong được Hai Bà thu nhận để có dịp giết giặc cứu nước. Về sau, nhiều người trở thành tướng tài của Hai Bà như Lũ Lũy ở trang Văn Lôi (xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội), Nguyễn An ở Cao Xá (xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ)…

Lời kêu gọi của Hai Bà còn được các quận huyện ở xa hưởng ứng. Ở phía tây, đội nghĩa quân của Nguyệt Diện ở Tây Cốc, của Trần Tuấn và Vương Đạo ở Phương Trung (các vùng này thuộc Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng hối hả tiến về Mê Linh cho kịp ngày hội quân.

Vùng biển phía đông có bà Lê Chân ở trấn An Biên (nay là thành phố Hải Phòng) và bà Bát Nàn – người Phong Châu (Phú Thọ) lánh nạn về vùng Thái Bình – theo về dưới cờ nghĩa. Trên đường về Mê Linh, hai vị nữ tướng này đã đánh chiếm nhiều đồn trại của quân Hán, giải phóng một vùng rộng lớn phía đông Giao Chỉ.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x