Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

-Bà đã về ạ, mời bà vào hàng nhà cháu xơi chén nước. Có riêu cua ngon lắm. Rước bà vào.

Người đàn bà đon đả chào mời cô gái tỉnh thành. Quế cười không đáp. Cô cúi đầu dưới mái rơm tối thấp, bước vào quán nước. Hai người đàn ông quần vén cao đến bẹn, bắp chân đầy bùn, nhích ra mãi đầu ghế, nhường chỗ cho cô gái tỉnh thành. Quế xé mảnh báo trong chiếc làn mây, lau ghế rồi mới ngồi. Không ai lấy cử chỉ ấy làm lạ, người ta nghĩ rằng vạt áo lụa kia, đũng quần lụa trắng nõn kia không thể đặt dễ dãi xuống cái ghế cụt què bẩn thỉu. Phí của đi, vả người tỉnh thành bao giờ cũng sạch.

Bà hàng hai tay bưng bát bún riêu đặt lên trõng, trước mặt Quế. Bà ta rút đôi đũa trong ống tre, lau cẩn thận rồi mới đưa cô. Quế “xin phép quà” tất cả mọi người. Bà hàng và hai người thợ cầy vội đáp: “Không dám ạ”. Họ đáp cùng một lúc, sốt sắng và kính cẩn. Quế ăn ngượng nghịu, cô liếc thấy không những lũ trẻ xúm đến nhìn cô, cả hai người thợ cầy cũng ngắm cô chăm chú.

“Cô tân thời, đẹp quá nhỉ!” – Lũ trẻ bảo nhau.

“Chuyện! Ăn trắng mặc trơn mà lại không đẹp. Chứ như bu chúng mày ấy nhá!”. Một bà già ngồi phơi nửa mình da cóc, nghiêng mái tóc bạc, tuốt trứng rận ở mảnh áo ánh nâu cười, bảo với lũ trẻ.

Quế ăn xong, bưng bát chè tươi tráng miệng. Mùi ngai ngái của những chiếc lá xanh khiến cô nao nao nhớ lại những buổi chiều ngày xưa trên mảnh sân lát gạch Bát Tràng rộng của nhà, về vụ gặt, sau những bữa cơm ầm ĩ, cũng có những bát chè tươi vàng nóng thế này, dưới ánh trăng, tiếng đập thóc và tiếng hát của bọn thợ gặt cất vang làng xóm.

– Nước ngon đậm quá! Bà nấu bằng nước sông?
– Thưa bà, sông dạo này cạn, bẩn lắm. Nhà cháu nấu bằng nước giếng, nấu khéo cũng ngon.

Quế trả tiền, đứng lên. Ở sân nhà bên kia, cách quán một bờ rào dâm bụt có tiếng người con gái hát. Không phải câu hát ví von của gái đồng ruộng, mà là bài hát “gửi thư”. Cái hơi gió đoạn trường thấm ngay vào lòng Quế, như hơi sương giá thấm mái tóc con người cô độc đi trong đêm khuya. Quế vén cành lá, ghé mắt nhìn vào sân. Người con gái mặc chiếc áo lót mình màu hồng đã vá, rách, đang ngồi giặt bên chum nước. Quế nghĩ tới phận mình. Năm sáu năm trời, đã có biết bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều, Quế cũng ngồi giặt như thế kia, cũng đôi khi buồn miệng thì hát lên vài câu hát thuộc lòng mà Quế đã hát vào ban đêm cho người ta nghe. Hai cánh tay yếu đuối giũ vò mớ quần áo nát bẩn vì canh rượu nô đùa, vì cuộc yêu đương ô trọc phần nhiều là uy hiếp. Giặt giũ xong thì mắt Quế hoa lên, hâm hấp sốt. Những lúc đó Quế chỉ mong được giấc ngủ bù cho đỡ ốm, không thiết gì ăn uống.

– Khổ, ở đây thì ma nó hát ư!

Quế tắt vội ý nghĩ bằng câu nói thầm thì ấy. Cô rẽ ra xa. Người đàn bà bán bún riêu cũng chạy ra, chừng đi đâu nhổ cốt trầu rồi quay lại toe toét cười:

– Ấy, thưa bà, cái nhà tơ này mới dọn được hai tháng nay, cũng có khi có khách liền năm sáu tối. Khách toàn các thày đề, thày lại, chánh, phó, lý cả. Cũng có khi ba bốn đêm ngồi ế. Cứ sáng trăng mà vắng khách là các cô ấy mặc quần áo trắng lồm lộp dắt nhau đi nhởn nhơ như ma trơi, trông mà ghê.

Người đàn bà vui tính, hay nói lấy câu chuyện làm quà cho người hàng tỉnh. Nhưng Quế không muốn nghe. Cô đi vội ra cỗ xe ngựa chở khách ở dẫy cây bàng cách sân ga một quãng.

Cỗ xe ngựa tồi tàn, thay xe kéo, đã có mấy người đàn bà, đàn ông ngồi giữ chỗ trước. Trên mui xe chất đầy thúng mủng. Xe đi khỏi nhà ga. hình ảnh người con hát gày còm trong góc vườn chuối nhắc Quế nghĩ đến bao nhiêu hình ảnh người con hát nữa ở thị thành. Quế sáng nay vừa ở đấy lọt ra, cô những mong giải thoát linh hồn xác thịt dăm ba ngày. Dăm ba ngày sẽ qua đi rất chóng, Quế sẽ phải quay trở lại đời người con hát, sáng tắm rửa giặt giũ, chiều đưa đón, đàn ca.

Nỗi buồn làm ê ẩm lòng Quế, cô quay nhìn ra bên đường. Khách đàn ông, đàn bà chuyện trò ầm ĩ. Vó ngựa giẫm lộp cộp trên mặt đất rắn khô đầy đá vụn. Gió mát lộng cánh đồng lúa xanh mướt, câu chuyện ồn vào về việc ruộng nương buôn bán trong xe làm cho Quế khuây dần. Cô cũng góp dăm ba câu chuyện với họ. Niềm vui sống nơi đồng ruộng, quê hương bị mất đi trong thân hình héo tàn vì son phấn chợt trở lại một cách thư thái, hồn nhiên. Quế để ý nhìn người đàn bà ngồi trước mặt. Ở người đàn bà ấy, Quế nhận ra cái miệng nhai trầu, cái giọng nói nhỏ nhẹ giống mẹ mình. Người đàn bà mở khăn tay lấy trầu cau ăn. Bà ta mời một bà bên cạnh, tiện tay mời cả Quế. Bà bên cạnh cười bảo:

– Bà ấy răng trắng, ăn gì cái của nợ này!

Quế nhanh nhảu đáp:

– Có ạ, cháu xin cụ một miếng làm phần cho… đẻ cháu.

Quế toan nói là u. Nhưng gọi là u thì quê mùa. “Mình là người tỉnh phải gọi là mẹ hay là đẻ”. Quế vẫn nghĩ thế mỗi lần gặp mẹ, hay về quê.

Quế nhặt một miếng trầu, bỏ vào “sắc”. Mọi người chú ý ngắm chiếc ví da đen. Miệng ví mở ra, cái khóa mạ kền bóng nhoáng bấm vào nhau kêu “tách” một tiếng làm cho họ lấy làm lạ lắm.

– Bẩm, cụ lớn nhà có khỏe mạnh không?

Người đàn ông xanh xao, rách rưới ngồi ở cuối ghế gãi đầu hỏi. Quế sửng sốt quay sang phía người đó. Bác ta lại gãi tai, cặp cổ con chó vàng ghẻ lở vào giữa hai cái đùi gầy nhô xương.

– Bẩm bà lớn không biết cháu. Cháu là cu Hĩ, ở xóm Ruối làng bên đấy ạ.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x