Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

guyễn đến. Đó là một buổi sáng cuối năm 1965. Anh ném trước mặt tôi một cuốn sách và nói:

– Vĩ đại hơn Phật, hơn Lão Trang.

Tôi lật bìa sách lên: “Dịch Hạch”. Nguyễn nói:

– Hãy đọc gấp đi. Ðây mới là tư tưởng quan trọng của chủ nghĩa hiện sinh, là phần nhân đạo nhất của triết học ấy.

Tôi bỏ áo vô thùng, cài nịt cẩn thận rồi xách cặp bước ra cửa.

Hai đứa bước chậm trên hè phố. Buổi sáng êm ả hiền hậu. Mặt trời còn khuất sau mây nên thành phố không có nắng. Chiếc máy bay vận tải quân sự Caribou vừa cất cánh ở phi trường gần đó quấy động bầu không khí yên tĩnh của buổi sáng. Nó rít lên và nặng nề bay trên những đỉnh núi thấp cạnh phi trường. Nguyễn ngừng nói để đợi cho tiếng động tan dần đi. Tôi hỏi:

– Anh chàng nhà báo đó tên gì?

– Rambert. Chàng ta đến thành phốOranđúng vào lúc thành phố bị dịch hạch. Người ta đã ra lệnh đóng cửa thành phố, nội bất xuất ngoại bất nhập. Người ta không muốn có ai mang mầm bệnh gieo rắc thêm ra bên ngoài. Thế là chàng nhà báo bị kẹt cứng ở đó trong khi anh có một cô bồ rất xinh ởParis. Anh ta tìm mọi cách để trở về với người yêu nhưng vô hiệu. Anh đến gặp bác sĩ Rieux và yêu cầu can thiệp cho anh ra khỏi thành phố, trở vềParis, nhưng Rieux không có quyền làm điều đó. Tuy vậy ông cũng an ủi Rambert rằng dù sao đây cũng là một dịp may để nhà báo có thêm tư liệu cho bài tường thuật của mình. C’est stupide, docteur. Rambert nổi cáu nói. Tôi không sinh ra để làm những bài tường thuật. Mais peut-être ai–je été mis au monde pour vivre avec une femme, cela n’est il pas dans l’ordre? Nhưng tôi sinh ra để chung sống với một người đàn bà. Ðó chẳng phải là điều hợp lý sao?

Dù vậy, chàng nhà báo vẫn phải ở lại thành phốOran. Thành phố ấy chính là cái cõi đời mà chúng ta đang sống. Và cái bệnh dịch hạch kia tượng trưng cho sự hữu hạn của đời người. Chúng ta, mỗi người đều bị ném vào cái cõi đời hữu hạn ấy ngoài ý muốn của mình cũng giống hệt như Rambert bị ném vào thành phốOran. Thái độ của người hiện sinh là phản kháng, chống lại sự áp đặt đó.

– Nhưng Rambert đã phản kháng như thế nào? Tôi hỏi.

– Thoạt tiên chàng nhà báo miễn cưỡng ở lại thành phố nhưng hàng ngày tiếp xúc với cái chết, chứng kiến những con người quên mình khi chia sẻ số phận nghiệt ngã với đồng loại dần dà anh cảm thấy mình có trách nhiệm. Ngay lúc ấy có người đề nghị giúp anh trốn khỏi thành phố nhưng anh lại từ chối. Anh ở lại để cùng đồng loại chiến đấu chống lại cái chết. Ðó là một thái độ trí thức. Ðó là thái độ phản kháng trước cái chết.

Tôi hỏi:

– Nhưng chúng ta, sẽ phản kháng bằng cách nào?

Một đám trẻ con đùn ra giữa đường. Chiếc jeep lùn vừa đậu lại ở ngã ba và những người lính Mỹ mặt mày non choẹt bắt đầu đổ những lon thịt hộp, những thỏi sô cô la, mứt nho, phô-ma từ trong những thùng giấy xuống đường cái. Bọn trẻ con tranh nhau nhặt vừa la hét vừa cười giỡn huyên náo. Nguyễn và tôi đều nhận ra Bayle, một thằng lính Mỹ trẻ mà chúng tôi thường gặp ở gần nhà và thường xuyên chuyện trò với hắn để rèn luyện Anh ngữ. Bayle đưa tay chào chúng tôi và hỏi chúng tôi có uống Coca không, tôi đáp không và vẫy tay chào khi đi qua chiếc xe jeep của nó. Thằng Bayle rất thích nghe Nguyễn đàn nhạc cổ điển tây phương nên hắn cứ thường mò đến nhà. Thậm chí có khi nó đi với Nguyễn đến nhà tôi ở tận trong xóm lao động. Chúng tôi uống trà với nhau, ăn cơm với cà pháo, canh rau muống và buổi trưa nó ngủ luôn trên cái giường ọp ẹp của tôi.

Một lần lúc xế chiều tôi đánh thức nó dậy, bảo nó về. Tôi và Nguyễn tiễn nó ra đầu hẻm, một viên cảnh sát áo trắng đợi cho thằng Mỹ đi rồi mới chặn chúng tôi lại:

– Này, các em dại lắm nhé.

– Dại sao? Nguyễn hỏi.

– Sao các em dẫn thằng Mỹ vô xóm lao động thế, lỡ có bề gì có phải các em chịu trách nhiệm không?

– Bề gì? Nó vô nhà tôi chơi mà.Viên cảnh sát nổi cáu:

– Không biết tao nói cho mà nghe. Rủi có Việt Cộng nằm vùng trong đó nó giết thằng Mỹ có phải tụi bay ở tù rục xương không?

Nói xong viên cảnh sát bỏ đi. Ðiều ông ta nói chúng tôi chưa hề nghĩ tới.

Chúng tôi vào lớp trễ năm phút nhưng không hề gì. Cô giáo dạy triết học rất thương Nguyễn. Cô cho Nguyễn vào lớp, thế là tôi vào theo. Nguyễn nói chuyện triết học thì như một ông già, nhưng với cô giáo dạy triết thì hắn nhõng nhẽo như thằng con nít. Hôm đó tôi biết hắn có đem theo viết nhưng hắn làm bộ như bỏ quên viết ở nhà. Rồi đi thẳng lên bàn cô giáo.

– Em mượn cây viết. Hắn nói và thò tay lấy cây viết của cô, tỉnh bơ vì hắn biết cô hay chiều hắn.

Gần như cô giáo sắm cây viết ra là để cho hắn viết. Một hôm hắn rủ tôi đến nhà cô giáo chơi, hắn đòi cô cho ăn bún chả. Nhà cô sang trọng, đẹp đẽ, bún chả cô nấu cũng ngon lành, tô bún cô trình bày cũng đẹp mắt. Cô mới sinh em bé rất kháu khỉnh, trong lúc ăn cô để em bé ngồi bên, chơi mấy cái đồ chơi bằng nhựa. Em bé rất ngoan, hay cười và không nghịch phá. Cô vừa ăn vừa trìu mến nhìn con, rồi cô hỏi:

– Các em có nhớ La Rochefoucauld nói thế nào về tình mẫu tử không?

Tôi đáp:

– Ông ta cho rằng tình mẫu tử cũng như tất cả những tình cảm tốt đẹp khác của con người đều chỉ nhằm mục đích ích kỷ giống như những dòng sông đều đổ ra biển.

Cô giáo hỏi:

– Thế em nghĩ gì về quan niệm ấy?

– Em cho là không đúng.

– Cô cũng nghĩ như thế. La Rochefoucauld quá bi quan. Ông ta không thể là một người mẹ nên ông ta không biết gì về tình mẫu tử. Ông ta nói như thế sai lầm vô cùng.

Và cô cù vào nách con. Cô bé thích chí cười hích hích. Trong lúc tôi và cô giáo nói chuyện. Nguyễn hoàn toàn im lặng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x