
Lược Luận Về Phụ Nữ Việt Nam – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
PHỤ-NỮ VIỆT-NAM THEO CHUYỆN CỔ-TÍCH
Chuyện cổ-tích là những chuyện truyền-khẩu từ đời này sang đời khác, trải bao nhiêu thế-hệ, in sâu vào đầu óc quốc-dân, hầu như là sử mà không phải sử, hầu như là chuyện bịa-đặt hoang-đường mà không phải là bịa-đặt hoang-đường. Cổ-tích ở giữa hai thứ đó, nửa hình như có thật, nửa hình như tưởng-tượng ra. Nhưng nó vẫn là phản-ảnh của tinh-thần một dân-tộc, với tất cả cái màu-mè, cốt-cách của dân-tộc ấy.
Chuyện cổ-tích của dân-tộc này thì kể thế này, chuyện cổ-tích của dân-tộc khác thì kể thế khác, dù nhiều khi cốt chuyện vẫn là cốt chuyện chung, chẳng hạn như nạn Hồng-Thủy hoàn cầu, dân-tộc nào cũng truyền-khẩu, nhưng mỗi nơi truyền-khẩu một khác nhau.
Vậy thì, ta phải nhận rằng chuyện cổ-tích là cái hồn chung của một giống-nòi phát-tiết ra, vĩnh-viễn, bất-diệt, nếu nòi-giống ấy vẫn còn.
Chuyện cổ-tích đã là chuyện riêng của từng dân-tộc, thì nhân-vật trong chuyện cũng là người riêng của từng quê-hương.
Như vậy, chuyện cổ-tích cũng có thể cho ta ít nhiều tài-liệu để kê-cứu về tính-tình người Việt-Nam, thuần-túy. Ở đây chúng ta mượn cổ-tích để xét riêng về chị em bạn gái nước nhà.
CHUYỆN TRẦU CAU
Xưa có hai anh em họ Cao, anh là Tân, em là Lang, cha mẹ mất sớm, ở với nhau rất mực thân yêu, không hề rời nhau một bước. Sau anh được thầy học mến, gả con gái cho. Từ khi có vợ, Tân lãnh-đạm với em. Lang trơ-trọi ở đời, lấy làm buồn, bỏ nhà đi. Đi mãi đến bờ một con sông rộng mênh-mông. Thuyền bè không có. Lang thất vọng, ngồi khóc. Khóc mãi chết rạc đi, hóa làm một hòn đá. Thấy em đi mãi không về, Tân lấy làm nhớ, đi tìm.
Đi mãi thế nào cũng lại gặp con sông, thấy phiến đá liền ngồi lên nghỉ, có ý đợi thuyền bè để qua sông. Nhưng làm gì có thuyền bè, chàng buồn-chán ngồi khóc, không chịu trở về, khóc chết rạc đi, hóa làm cây cau. Vợ ở nhà thấy chồng đi mãi không về, rất lấy làm thương nhớ, liền cũng đi tìm. Cũng gặp sông, nàng ngồi lên phiến đá dưới bóng cây chờ đợi, rồi thất-vọng, nàng khóc rạc người đi hóa làm cây trầu không… Sau vua Hùng-Vương đặt lệ ăn trầu để kỷ-niệm một nhà tiết-nghĩa.
CHUYỆN CÔNG-CHÚA TIÊN-DONG
Công-chúa Tiên-Dong là con gái vua Hùng-Vương thứ ba, nhan-sắc tuyệt trần, 18 tuổi rồi mà vẫn chưa kén được kẻ xứng đôi vừa lứa.
Một ngày kia về tiết mùa hè, công chúa ngự thuyền chơi bãi Chử xá rồi sai buông màn tắm sông. Thình-lình gặp Chử-đồng-Tử ở đó, liền lấy làm chồng. Được tin công chúa lấy đứa hèn-hạ, Vua tức giận vô cùng. Tiên-Dong không dám về, cùng chồng buôn bán ngoài bể sau gặp Phật truyền phép lạ, vợ chồng đều thành tiên, đi đến đâu chỉ lấy cái gậy chống xuống đất rồi che cái nón lên làm nhà. Dân-gian có câu hát rằng :
Yêu nhau chẳng lọ chiếu giường,
Có một cái nón che sương cũng tình.
CHUYỆN TRƯƠNG-CHI
Ngày xưa có anh Trương-Chi,
Người thì thật xấu hát thì thật hay.
Trương-Chi hát hay lắm. Ngày ngày câu cá trên sông, anh thường cất dọng hát những điệu du-dương trầm-bổng, déo-dắt véo-von, khiến cho cô Mỹ-Nương, con gái quan Thừa-Tướng, cấm-cung trên lầu tây ở bên sông, nghe mà ngây-ngất. Cô tương-tư thành bệnh. Quan Thừa-Tướng cho đòi Trương-Chi tới dinh hát cho Ngài nghe. Dọng hát vừa cất lên thì bệnh Mỹ-Nương mười phần khỏi chín. Nhưng thấy mặt chàng, thì nàng không muốn nhìn, khiến Trương-Chi thất vọng đâm đầu xuống sông tự tử.
CHUYỆN VŨ-THỊ
Xưa ở hạt Nam-Xang Hà-Nam có người con trai tên là Trương-Sinh, lấy vợ là Vũ-thị-Thiết. Vợ chồng lấy nhau được non năm trời, thì Trương-Sinh phải đi lính. Vũ-Thị có mang được vài tháng, năm sau sinh đứa con trai đặt tên là Đản. Nàng nuôi mẹ chồng và nuôi con thơ, thật là vất vả. Rồi mẹ chồng mất, nàng lo-liệu ma-chay đủ lễ. Chồng xa, nhà vắng,cảnh buồn tênh, con lại hay quấy khóc. Nhớ chồng, tối tối thắp đèn lên, nàng thường trỏ vào bóng mình đó là « cha Đản » để dỗ con. Mấy năm sau, cha thằng Đản đi lính về, Đản không theo, bập-bẹ nói đó không phải là cha Đản. Cha nó là người đêm đêm đến nhà ngồi bên mẹ nó kia ! Vũ Thị bị chồng ngờ là có ngoại-tình, mà không hiểu vì cớ gì, liền deo mình xuống sông Hoàng-giang để tỏ lòng trinh-bạch.
CHUYỆN TÔ-THỊ
Chồng nàng Tô phải đi thú xứ Lạng. Nàng ở nhà nuôi mẹ chồng và con thơ. Mấy năm sau mẹ chồng chết, nàng lo-liệu việc ma chay rất là chu-đáo. Rồi nhớ chồng, nàng bế con lặn-lội thiên sơn vạn thủy, nhất định lên tận Lạng-Sơn tìm. Vì bẵng đi 5,6 năm trời không được tin-tức. Tới nơi, thì chồng nàng phải sang Tàu.
Thất vọng, nàng ẵm con lên đỉnh núi cao, nhìn sang bên kia ải Nam-Quan, mong ngóng. Một ngày, hai ngày… nàng cứ đứng xững đó trông chồng, không chịu xuống. Có người biết chuyện, động lòng thương, định lên núi khuyên nàng bế con xuống, nhưng lên tới nơi, thì thấy cả hai mẹ con nàng đều đã hóa ra đá từ lâu.
*
Mấy chuyện cổ-tích trên cho ta thấy người đàn-bà Việt Nam, khi làm con gái thì tha-thiết yêu những cái cao-quí, ham nghệ-thuật, sành thẩm-mỹ, như nàng Mỹ-nương :
Mỹ-nương nghe hát thì thương,
Mà trông thấy mặt anh chường lại chê.
Và một khi đã yêu, thì chẳng kể gì giai-cấp, chẳng so gì sang hèn như bà Tiên-Dong đã coi cái « nón che sương » quí hơn cả lâu-đài cung-điện. Gặp lúc biến, phải yến bắc nhạn nam, thì chàng đi việc vua quan, thiếp ở nhà nuôi mẹ già con mọn, hy-sinh hết thảy để chồng yên tâm xông-pha nơi gió bãi trăng ngàn, lập nên công-danh sự-nghiệp, phò vua giúp nước, dù mai ngày lòng này có hóa đá cũng đành cam. Thật là những trang hiền-phụ ! Rủi gặp bước lâm-nguy, người hiền-phụ ấy sẽ chẳng tiếc gì tính-mạng để bảo toàn danh-dự, giữ tiết cùng chồng, như nàng Vũ-Thị đã mượn nước sông trong để tỏ lòng trong-trắng.
PHỤ-NỮ VIỆT-NAM THEO PHONG-DAO NGẠN-NGỮ
Phong-dao ngạn-ngữ là « một nguồn vô-tận những thường-thức quí-hóa của nhà ngữ-học và phong-thổ-học vì đó là mớ văn-chương phát-lộ tự dân-gian biểu-lộ cúi hồn chung của dân-tộc ta ».
Đúng như lời cụ Phạm-Quỳnh, phong-dao ngạn-ngữ nước ta phong phú vô cùng, ý-vị vô cùng. Thật là mớ tài-liệu rất đầy-đủ và xác-đáng để khảo-sát tình-trạng sinh-hoạt của dân-tộc ta.
Vậy chúng ta rất có thể căn-cứ vào nguồn tài-liệu đó để xét riêng về phụ-nữ Việt-Nam từ lúc còn làm người con gái đến lúc làm bà mẹ, từ ngưỡng cửa buồng ra đến ngoài xã-hội.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.