
Tiệm Đồ Cổ Á Xá Quyển 4 – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Năm 1057, nhà thái học của phủ Khai Phong.
Một dải gồm, góc Đông Bắc cổng Chu Tước của nội thành phủ Khai Phong chính là nơi phồn hoa nhất, náo nhiệt nhất Đông Kinh. Nơi đây vì có dòng sông Thái chảy qua nên tạo thành một khúc quanh hết sức ưu nhã, thế nên được đặt tên là vịnh Thái Hà.
Vịnh Thái Hà rất phồn hoa, nơi đâu cũng có thể thấy các loại kiến trúc hàng quán, càng kỳ lạ hơn là, nơi đây đồng thời có cả cống viện, nhà thái học, quốc tử giám, giáo phường, y quán, kỹ viện, sòng bạc, từ thượng cửu lưu cho tới hạ cửu lưu, hầu như đều tập trung ở khu vực này, phong cảnh độc đáo khiến nơi đây trở thành khu vực giàu có nổi tiếng nhất Đông Kinh.
(“Cửu lưu” là cách gọi gộp các phái Nho gia, Đạo gia, Âm Dương gia, Pháp gia, Danh gia, Mặc gia, Tung Hoành gia, Tạp gia, Nông gia)
Vương Tuấn Dân vừa mới bước vào độ tuổi đội mũ, cùng bạn thân là Sơ Ngu Thế chầm chậm bước ra từ học phủ thâm nghiêm bên bờ nam vịnh Thái Hà, hòa vào đám người náo nhiệt dưới ánh trăng ở vịnh Thái Hà.
Vương Tuấn Dân mười bảy tuổi đã vào nhà thái học, trở thành thái học sinh của học phủ cao cấp nhất này. Đương nhiên, nếu không phải mười hai năm trước Phạm đại nhân Phạm Trọng Yêm đưa ra cải cách Khánh Lịch tân chính, xây dựng nhà thái học Tích Khánh viện, thì bây giờ không biết chàng còn đang học Thi Thư ở đâu nữa.
(Khánh Lịch tân chính: tức cải cách chính trị tiến hành vào những năm Khánh Lịch (1041-1048) thời Tống Nhân Tống triều Bắc Tống Trung Quốc)
Nhà thái học có nơi ăn ở, chỉ cần đóng đủ học phí thì bao gồm cả ăn ở trong đó. vất vả ba năm đèn sách ở nhà thái học, đây là lần đầu tiên Vương Tuấn Dân bị người ta lôi ra ngoài để du ngoạn vịnh Thái Hà nổi tiếng này, bỗng chốc bị cảnh tượng đông đúc náo nhiệt vui như trẩy hội làm cho sững sờ. Trong đám đông còn nhìn thấy rất nhiều người vận áo liền bằng vải tơ trắng, tay áo rộng cổ tròn như bọn họ, đây là thái học phục của thái học sinh. Vương Tuấn Dân tình mắt phát hiện ra có mấy học tử mặc thái học phục ngang nhiên đi vào thanh lâu kỹ viện, bất giác cảm thấy bức bách thay họ, hận một nỗi không thể thay đi bộ đồ trắng trên người.
Nhưng chàng cũng biết thời thế bây giờ là như vậy, ngoài phố chợ thường xuyên lưu truyền những câu chuyện về tài tử giai nhân quấn quýt, đau lòng. Phần lớn những tác giả không rõ tên ấy đều là bạn học của chàng.
“Khang Hầu, đang nghĩ gì thế?”. Sơ Ngu Thế đã đi được mấy bước mới phát hiện ra người bên cạnh không đi theo mình nên bất giác quay đầu lại gọi.
“À, Hòa Phủ, chỉ là đang nghĩ ngày mai thi thượng xá rồi mà bây giờ chúng ta vẫn còn ra ngoài chơi, không hay lắm”.
(Thượng xá: Thời Tống thái học chia thành nội xá, ngoại xá và thượng xá, học sinh dựa vào thời hạn và điều kiện nhất định để lần lượt thi lên)
Vương Tuấn Dân và Sơ Ngu Thế có quan hệ tốt nhất hai người không chỉ là đồng hương mà còn là bạn cùng phòng.
“Cậu học ngu người rồi à, ra ngoài hít thở không khí có tác dụng cho ngày mai phát huy tốt chứ”. Sơ Ngu Thế cầm chiếc quạt gấp trong tay đập vào vai chàng, bộ dạng chẳng quan tâm.
Vương Tuấn Dân chần chừ một lát, cuối cùng không muốn làm bạn mất hứng nên rảo bước đi theo.
Trong nhà thái học chia ra làm tam xá, cụ thể là ngoại xá, nội xá và thượng xá. Học sinh mới vừa vào nhà thái học sẽ được học tập ở ngoại xá, trải qua kỳ thi riêng mỗi tháng một lần và thi chung một năm một lần đạt yêu cầu, sẽ do học quan quan sát và đánh giá hành vi cử chỉ hàng ngày, người đạt yêu cầu có thể được vào ở nội xá, trở thành nội xá sinh. Nội xá sinh hai năm thi một lần, người ưu tú sẽ được vào thượng xá.
Còn thượng xá sinh hai năm một lần đều có thể tham gia bình chọn, phải được nhiều bình chọn loại ưu thì mới có thể trở thành thượng đẳng thượng xá sinh, được nhận chức quan. Nếu có một môn đạt loại trung bình, thì sẽ là trung đẳng thượng xá sinh, miễn kỳ thi của bộ Lễ, tiếp nữa là hạ đẳng thượng xá sinh, miễn thi khoa cử.
Có thể nói, trong nhà thái học, ngoại xá, nội xá và thượng xá trực tiếp chia học sinh thành ba cấp thượng, trung, hạ. Hơn thế thượng xá không phải ai cũng có thể vào được, thượng xá sinh hầu như là đỉnh cao nhất trong kim tự tháp thái học, bọn họ đương nhiên nhận được sự chỉ đạo của những học quan cần mẫn nhất, ưu tú nhất trong nhà thái học, ở nơi tốt nhất, thư phòng đẹp nhất, ở trong nhà thái học lúc nào cũng hếch mũi lên trời.
Áo vải trắng liền thân của thái học phục là kiểu áo nam dáng dài liền thân gấu áo có đường vắt ngang, từ trên xuống dưới rất đơn giản, nhìn không có gì khác biệt với kiểu áo của các sĩ tử bình thường, nhưng trên đường vắt ngang màu đen có đường viền màu thẫm không rõ ràng. Tất cả mọi người trong thành Đông Kinh đều biết, chỉ có học sinh của nhà thái học mới có thể mặc kiểu áo dáng dài có viền mép như thế, lại còn dùng màu sắc không bắt mắt để phân đẳng cấp của thái học sinh.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.