
Những Phú Hộ Lừng Danh Nam Kỳ – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Các cự phú ở làng Đại Điền, Mỏ Cày, Bến tre
Tỉnh Bến Tre gồm 3 cù lao lớn: Cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hoá. Làng Đại Điền nằm trên cù lao Minh, là nơi đất đai trù phú, nước ngọt quanh năm, ruộng vườn tươi tốt. Quận Mỏ Cày là quê hương của nhiều nhà giàu thuở xưa của Nam Kỳ. Những người được gia đình cho qua Pháp du học đợt đầu tiên là các ông Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, Dương Văn Tây.
Thuộc hàng cự phú Đại Điền người ta thường kể ông Hương Liêm (Huỳnh Ngọc Khiêm), ông Phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hình), ông Hội đồng Hoài, dân địa phương quen gọi ông Phó Hoài vì trước ông có làm Phó Tổng. Không rõ làng Đa Phước cuối thế kỷ 19 và Đại Điền đầu thế kỷ 20, là cuộc đất có hàm rồng hay long mạch mà phát sinh nhiều nhà giàu lớn, con cháu đỗ đại, rân rất nhiều thế hệ.
Theo lời thân mẫu nhà văn Xuân Vũ, là người cố cựu tại địa phương, năm nay 87 tuổi, còn minh mẫn, kể lại nhiều chi tiết về nguồn gốc sự giàu có của các gia đình kể trên. Dương Văn Giáo thuở nhỏ học trường Chasseloup, rồi gặp thế chiến thứ nhứt xảy ra (1914- 1918), mới xin làm thông ngôn cho toán lính thợ qua Âu Châu chiến đấu, tiếp liệu cho mặt trận của Pháp chống Đức. Qua Pháp, ông Giáo được thăng cấp quan Hai (trung uý), có chiến công được nhiều huy chương của Pháp.
Chiến tranh chấm dứt, ông xin ở lại, theo học trường thuộc địa (école Coloniale) ngành Luật. Tốt nghiệp, ông Giáo được bổ làm trạng sư, nhập Pháp tịch, lại gia nhập hội Nhân Quyền, cho nên dầu phải đi bộ chớ không bao giờ ngồi xe kéo (vì luật Nhân Quyền không cho phép). Ông Giáo có người anh tên Tây, vì lúc nhỏ ông Giáo còn có tên Du (Tây Du). Ở Pháp, luật sư Giáo có vợ đầm, nhưng là người tích cực tranh đấu cho nền độc lập nước nhà. Lúc ở Pháp, Giáo là bạn đồng học với ông Nehru (Thủ tướng Ấn Độ sau này) và Hoàng thân Thái Lan Luang Pradit, về sau làm Bộ trưởng trong nội các Thái năm 1945.
Ông Nehru từng ngỏ lời muốn gả em gái cho Dương Văn Giáo nhưng vì ông Giáo đã có vợ. Ông Dương Văn Giáo sinh năm 1888 tại Đa Phước Mỏ Cày, đậu Tiến sĩ Luật năm 1926, từng tranh đấu với các ông Bùi Quang Chiêu, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh chống lại chế độ cai trị tàn ác của người Pháp tại Đông Dương. Ông Dương Văn Giáo cũng là một trong những người sáng lập đảng Lập hiến với Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Khá…
Tại Pháp nhiều lần ông Dương Văn Giáo cùng với ông Nguyễn Thế Truyền đi diễn thuyết nhiều nơi, hô hào, cổ võ cho tự do dân chủ ở Việt nam, bãi bỏ chế độ thuộc địa. Về Sài gòn, luật sư Dương Văn Giáo tiếp tục tranh đấu chống chế độ thực dân bằng cách viết báo chí trích đường lối cai trị độc tài, thiếu tự do của Pháp, nên bị bắt cầm tù như Tạ Thu Thâu. Về sau, ông Giáo bỏ vợ đầm kết hôn với con gái bà Huyện Xây (Lâm Ngọc Thanh) ở Vũng Liêm. Cô này tên “cô Hai Suzane”, và được nhạc mẫu mua cho một biệt thự lớn như lâu đài ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng sau này).
Về việc ông Dương Văn Giáo vượt ngục, cụ Trần Văn Ân thuật lại như sau: Ông Giáo có đời tư rất cẩu thả, song vào tù lại có khí phách và lòng thương bạn. Lúc ấy luật sư Giáo bị kêu án 8 năm khổ sai, nhưng một gián điệp Nhựt, chủ Dainam Koosi Matushista, tổ chức cho một phụ nữ Nhựt tên Sinna (người tình của ông Giáo) lập kế cứu ông ta ra khỏi khám. Nguyên ông Giáo giả bịnh, xin nằm dưỡng đường Grall. Trong khi chờ đợi mổ, có một thiếu nữ Nhựt (Sinna) vào xin cho ông Giáo từ phòng bịnh qua phòng mổ.
Nhưng sau đó, khi cô y tá và người lính (dẫn ông Giáo) đứng đợi bên ngoài một chút, thì thấy có một sĩ quan Nhựt, mang lon Đại uý, đeo kính mát, đầu đội mũ che sụp mí tóc, thong thả bước ra. Người lính đứng chào, và ông sĩ quan này xuống đường chen ra phía cửa sau nhà thương có chiếc xe bít-bùng đợi sẵn. Khi người lính và cô y tá bên ngoài chờ lâu, xô cửa bước vô, thì thấy ông Giáo để bộ quần áo cũ tại đó, và biết ràng vị quan ba Nhật hồi nãy chính là ông Giáo.
Ông Giáo được Nhựt bố trí lên máy bay tại Tân Sơn Nhất để qua Thái Lan, được bạn cũ là Hoàng thân Luang Pradit tiếp đón niềm nở. Năm 1945, ông Giáo cùng nhiều người yêu nước khác bị Việt Minh thủ tiêu bằng cách trấn nước tại Sông Lòng Sông Phan Thiết”.
Trở lại những cự phú làng Đại Điền ở Bến Tre. Trước khi có cuộc chiến tranh Việt Pháp 1945-54, những ai có dịp ngồi xe trên đường trải đá từ Cái Nhúm, Cái Mơn, Mỏ Cày ra tới bến Bắc Hàm Luông, chắc sẽ lấy làm ngạc nhiên vì ở đây có nhiều ngôi nhà lầu nhà trệt đồ sộ, cất trên nền đúc cao tới ngực, chẳng khác dinh Tham biện (Tỉnh trưởng) hay toà Đốc lý các thành phố lớn. Người giàu nhứt ở đây là ông Hương Liêm, tên thật Huỳnh Ngọc Khiêm.
Theo lời kể thì hồi nhỏ, gia đình Hương Liêm sống nghèo khổ, làm lụng vất vả hàng ngày nhưng không đủ ăn. Thân phụ ông Liêm là người tính tình cần mẫn, lam lũ nhưng biết tiện cặn, lại siêng năng. Những thập niên cuối thế kỷ 19, làng Đại Điền còn nhiều ruộng đất hoang, nhiều gò đống, cây cối um tùm.
Dưới con mắt của người dân quê, những chỗ đó có nhiều ma quái Đêm đêm những bóng ma chập chờn, ít ai dám cất nhà chỗ xa xôi vắng vẻ, chỉ trù những người quá nghèo, liều mạng. Dịp may một gia đình phú hộ, muốn bán một trong những miếng đất hoang đầy yêu ma phá khuấy đó với giá rẻ mạt. Ông Liêm tìm tới mua chịu, chỉ trả một số tiền nhỏ, nhưng chủ đất vui vẻ bán và còn nói với người trong nhà:
– Thằng cha Liêm này muốn chết thay cho mình.
Cất nhà xong, đêm đêm ông Liêm thường thấy có hai con quỷ bưng chảo lửa trước sân mấy dân, nhưng ông không sợ. Không ngờ rằng đó là một cuộc đất quý, một loại quý điền. Mấy năm liền, ông Liêm làm ruộng trúng mùa liên tiếp. Người ở trong đất này làm ăn phát đạt như diều gặp gió. Có tiền, ông Liêm mua thêm ruộng đất, làm ăn gặp may mắn luôn, không bị ma quỷ như lời đồn.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.