Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Chương 2: Ni Viện Và Hàng Rào Gỗ

Vậy là đã mấy ngày nay ông Takichiro Xada – cha Chieko – dọn đến ở trong tòa ni viện xa xôi ở Xaga có vị sư nữ ni viện trưởng đã ngoại lục tuần.

Ngôi chùa không lớn mà dân tình Kyoto ai cũng biết nó ở biệt lập, xa lánh mọi cặp mắt tò mò của đám khách du lịch, ngay lối vào đấy cũng khó mà nhận ra được qua cánh rừng trúc um tùm. Dưới nhà ngang trong chùa đôi lúc cũng tiến hành nghi lễ trà đạo, song các buổi hành lễ ấy không có tiếng tăm gì đặc biệt. Thỉnh thoảng, vị ni viện trưởng lại rời chùa đi dạy nghệ thuật cắm hoa cho những ai muốn học.

Takichiro Xada thuê một buồng trong chùa. Lòng ông khao khát sự cô tịch mà ở đây mọi cái đều đồng điệu với tâm trạng ông.

Xada là một thương gia bán buôn áo dài may sẵn, có cửa hiệu ở khu Nakaghio.

Các thương gia lân cận thời gian gần đây bắt đầu thành lập các liên hiệp cổ phần. Cả hãng buôn của Xada cũng đã trở thành công ty cổ phần. – Chủ nhân bây giờ được gọi là chủ tịch, còn viên quản lý trước đây vẫn điều hành các dịch vụ buôn bán thì nay là giám đốc điều hành viên. Nhưng trong cửa hiệu vẫn lưu lại nhiều tập quán xưa cũ như trước.

Từ thuở thiếu thời Xada đã kỳ vọng đạt tới tài nghệ bậc thầy của nghề vẽ. Vốn là người ưa cô độc, ông cho là chả cần tổ chức triển lãm cá nhân những mẫu vải làm theo phác thảo của ông làm gì. Mà giả dụ có tổ chức thì các mẫu ông vẽ so với thời ấy cũng quá khác thường, nên không hòng gì một thành công về mặt thương mại.

Cha Takichiro – ông cụ Takichibe – lặng thinh quan sát những bản vẽ tập dượt của ông. Trong hãng buôn thiếu gì họa công riêng, rồi cả các họa sĩ ngoài nữa để làm phác thảo họa tiết cho các loại vải hoàn toàn hợp thị hiếu thời bấy giờ. Nhưng khi cậu Takichiro không lấy gì làm thiên phú lắm, mà người ta tin rằng cũng chả thành đạt được gì, đi tìm cảm hứng trong á phiện, thì người cha, vốn đã phát hiện ra những phác thảo bất thường đến quá quắt cho loại lụa in hoa iudgen của cậu, ngay lập tức gửi con trai vào bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Đến những năm doanh nghiệp chuyển sang tay Takichiro thì những phác thảo trước kia có vẻ như kỳ quặc nay được xem là rất bình thường, và ông ngậm ngùi tiếc, nghĩ đến việc hồi trước đã không đưa được chúng vào kinh doanh. Thế nên giờ đây ông sống ẩn dật trong chùa, hy vọng nguồn cảm hứng sẽ chiếu cố đến ông.

Sau chiến tranh, hoa văn trên kimono biến đổi rất nhiều, và nhớ lại những phác thảo kỳ quặc của mình do độc tố á phiện gợi ý, giờ đây Takichiro có thể liệt chúng vào loại hình phong cách mới, trừu tượng cũng nên. Song ông cũng đã ngoài năm mươi tuổi đầu, liệu có nên quay về với mềm đam mê thời trai trẻ không?

“Hay ta cứ thử vẽ theo phong cách cổ điển”. – ông lẩm bẩm, không nhằm vào ai hết. Trước mắt ông, mẩu vải của những năm tháng đã qua lần lượt hiện lên nối tiếp nhau. Trong ký ức ông còn lưu giữ hoa văn, màu sắc bao nhiêu mặt hàng, trang phục. Lúc dạo chơi khắp các khu vườn danh tiếng ở Kyoto, khắp các vùng ngoại ô thành phố, ông thường ký họa, mong có dịp sử dụng đến khi cần khối màu cho hàng may kimono.

Khoảng gần trưa Chieko đến chỗ chùa Takichiro ở ẩn.

– Cha ạ, con mua tofu 1 ở quán “Morika” cho cha đấy. Cha ăn nhé?

– Cám ơn con? Tofu quán “Morika”, cha thích đấy, nhưng con đến còn khiến cha vui hơn nhiều. Ở lại với cha đến chiều nhé, lay động giúp cha cái đầu óc già nua này. May ra, nảy ra được ý tưởng về một họa tiết hay ho nào chăng.

Một thương gia bán buôn áo dài may sẵn không việc gì phải vẽ các phác thảo. Nói đúng hơn, sự đam mê ấy không khéo còn gây phương hại cho việc kinh doanh.

Nhưng Takichiro thì ngay như tại cửa hiệu của mình cũng thường ở lì mấy tiếng đồng hồ liền tận đầu kia phòng khách, bên chiếc bàn cạnh cửa sổ trông ra khu vườn mà bên dưới cây phong là chiếc đèn Cơ đốc. Sau bàn có hai cái rương kiểu cổ bằng gỗ đồng chứa những thứ vải Trung Hoa và Nhật Bản đã lâu đời, còn cái giá bên cạnh thì đầy chặt những cuốn thư mục các phác thảo của nhiều nước. Trong kho chứa đặt trên tầng hai xếp không ít trang phục nhà hát dùng cho các vở diễn Noh và những quần áo thời cổ khác. Chính ở đấy cất giữ luôn các mẩu vải hoa của các nước phương Nam.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x