Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

CHUYỆN THẦY QUANG TÌNH phải bỏ nghề gõ đầu trẻ cũng giản dị tương tự. Thầy vốn là ông giáo say lý tưởng, mê văn chương nghệ thuật. Mười chín tuổi đầu, theo tiếng gọi của con tim, thầy rời quê hương đem ánh sáng lên miền núi. Sau mười năm liền lăn lóc trên các làng Giáy, bản Mèo, động Dao… đem cái chữ đến cho con em các dân tộc, như cách nói bình dân của dân chúng, để lại dấu ấn bóng hình người thầy tận tụy tin yêu trong lòng bà con, thì được điều về dạy tại một trường Bổ túc Văn hóa Công Nông của tỉnh, học viên thuần là cán bộ và con em các dân tộc xuất thân từ giai cấp cần lao.

Ở đây thầy vẫn như cờ bay trong gió, lửa thốc trong lò, ngày đêm sống trong nguồn mạch hào hứng vô tận, vì lòng tràn đầy khát khao vươn tới sự hoàn thiện đẹp đẽ nhất: trở thành một thầy giáo dạy giỏi, một con người đa năng có ích cho đời. Thầy, một ngôi sao sáng, một dấu son trong tập thể.

Thầy, một thần tượng của lớp lớp các học sinh trong nhà trường. Chưa hết! Vốn nòi văn mạc, đã si mê đến mức lân la vào địa hạt sáng tác văn thơ quốc thổ, thầy lại ham mê cả thi ca quốc ngoại. Đã bập bẹ chữ Hán, vì được ông cụ thân sinh dạy dỗ từ tuổi ấu thơ, giờ lại thích thú cả ngôn ngữ nước Hồng Mao. Và rầy rà hóa ra là khởi nguồn từ chỗ này đây. Từ trong lịch sử xa xôi, đất nước này vốn thường có chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt với cái anh bành trướng phương bắc, nay lại đang là lúc đối đầu với tên sen đầm quốc tế Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Đang là thời kỳ chiến tranh. Bầu trời ngày đêm gầm gào tiếng Con Ma, Thần Sấm của giặc Mỹ. Vậy mà chẳng hiểu thế nào, hay là có sự sắp xếp của ông Tạo, ở phố huyện miền sơn cước nơi trường thầy ký túc, lại mọc lên một ngôi biệt thự; và ở đó cứ như từ trên trời rơi xuống một gã chuyên gia người Anh Cát Lợi tên John Frakel. Gã này sang Việt Nam làm chuyên gia máy tính. Gã thích văn hóa Việt, muốn học tiếng Việt. Hai cái nhu cầu gặp nhau và lập tức ôm chầm lấy nhau.

Giấu giếm nhà chức trách, hai người hàng ngày gặp nhau ở một chiếc lều canh ao cá của hợp tác xã nuôi lợn giống Mường Khương lai Ioócsai. Anh trao cho tôi tiếng nói của Shakespeare, Byron. Tôi trau dồi cho anh ngôn ngữ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Lớp học nhất sư nhất đệ kéo dài hai năm, với thành tựu là cả hai đã đều thông thạo đến cái mức chẳng còn gì có thể dạy cho nhau được nữa. Thì ôi thôi, cái kim trong bọc cuối cùng cũng lòi ra.

Trước đây học chữ Hán để liên hệ với kẻ thù phương bắc! Còn bây giờ cả nước đang đánh Mỹ, học tiếng Anh tiếng Mỹ để làm gián điệp cho chúng a? Luận suy gì mà thô thiển kỳ quặc! Vậy là cùng với những lỗi lầm khác nữa xét theo quan điểm chính thống, thầy Quang Tình nhận quyết định sa thải mà cứng họng không cất được một lời thanh minh nào!

Ra khỏi biên chế nhà nước. Từ miền núi chuyển cư về quê nội, một ngôi làng nghèo khó ở ngoại vi thành phố, nơi chôn nhau cắt rốn. Gia cảnh một trinh một chữ cũng không. Lại đèo thêm hai đứa con dại, một lên ba, một đang còn bế ẵm. Còn cô vợ người dân tộc Giáy xinh đẹp nhưng lạ nước lạ cái lại cũng vì chồng mà mang vạ vào thân.

Bây giờ, thầy Quang Tình sống thế nào đây? Tất nhiên, túng thì phải tính, đói thì đầu gối phải bò nên cũng đã liều nhắm mắt đưa chân vào vài cái nghề mọn, thậm chí nguy hiểm và bẩn thỉu nữa. Nhưng cuối cùng thì nhớ tới ông phó mộc Văn Chỉ. Ông phó mộc, người cùng làng. Thời thầy Quang Tình còn dạy học ở trường Bổ túc Văn hóa Công Nông tỉnh Lao Cai, đã vài lần ông Văn Chỉ trong vai sơn tràng có qua lại nhờ cậy tá túc và cơm nước, nên đã quen nhau. Giờ ông ăn nên làm ra ở cái làng quê sắp lên thị trấn này.

Nghề mộc! Nói đến nó dù là không ở trong nghề cũng là nhớ đến tiếng cưa gỗ xoèn xoẹt cần mẫn, tiếng chiếc bào sàn sạt mảnh tang, tiếng tràng đục chí chát nhịp hai, tiếng mũi khoan pành pạch rì rì. Là khứu giác lại ngào ngạt hương thơm của mạt cưa, vỏ bào. Lại nhớ đến hình ảnh các tốp thợ xẻ ba bốn người lam lũ trên các chuyến tàu ngược lên thượng du, lỉnh kỉnh đồ nghề. Chỉ nguyên cái đốc cưa dài thượt và cái lưỡi cưa răng thép cuộn tròn đã chiếm cả một góc toa đen.

Lại như thấy hiển hiện ngày ngày bác thợ mộc trên cái đòn gánh đầu này tòng teng chiếc cưa dọc, đầu kia là túi tràng đục cùng chiếc điếu cày, bọc quần áo tư trang đi rong trên các phố phường thành phố. Một cái ghế gẫy chân, một cánh cửa long bản lề, một ổ khóa cần lắp. Tất cả đều đang chờ tay bác. Thợ mộc! Những câu thành ngữ, tục ngữ và bài hát đồng dao nghe từ thuở ấu thơ: Kéo cưa lừa xẻ. Ông thợ nào khỏe. Thì ăn cơm vua. Ông thợ nào thua. Thì bú tí mẹ.

NGHỀ NÀO THÌ CŨNG CÓ chân dung của nó. Ông bán kẹo kéo thì mũ cát két xám. Người gầy nhẳng. Tạp dề trắng bó bộ ngực bọ ngựa. Tay xách cái chân bàn gấp. Tay cắp cái bàn kẹo phủ mảnh vải trắng bột. Tiếng rao eo éo: Hỡi ai sài đẹn gầy mòn. Ăn xu kẹo kéo béo tròn cối xay. Còn thầy Quang Tình? Nếu ông giáo được hình dung là một kẻ bạch diện thư sinh thì trước hết có thể chọn thầy làm mẫu. Thân mình thì thanh tao. Tứ chi thì nhỏ nhắn.

Ngũ quan thì phân miêng. Mắt sáng, môi tươi, tai tròn. Nói năng ôn nhã. Cử chỉ khoan thai, nhẹ nhàng. Người cứ như từ bức vẽ bước ra. Còn tâm hồn thầy thì hiển nhiên là như bầu mật ong ăm ắp thiện tâm và tứ thơ đẹp rồi. Thế đó, nói đến con người là nói đến phong cách. Mà phong cách là do nghề nghiệp tạo nên.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x