Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Không có nơi nào đông người đứng lại xem như trước gian hàng bán tranh trong khu chợ lợp Shchukin. Đúng thế, ở đây tập hợp hết sức linh tinh đủ các thứ lạ mắt, phần lớn là những bức tranh dầu, phủ một lớp tráng bóng màu lục thẫm, trong những chiếc khung hào nhoáng màu vàng đậm.

Mùa đông với những cây trắng xóa, cảnh mặt trời lặn đỏ ối trong như ánh lửa rực lên từ một đám cháy, một bác nông dân xứ Flandre, mồm ngậm tẩu, cánh tay cong vẹo, trông giống một con gà tây mặc áo hơn là một con người – đề tài của những bức tranh ấy thường là như vậy, thêm vào đấy là mấy bức tranh khắc gỗ: Chân dung Khozrev-Mirza[1] đội mũ lông cừu, chân dung mấy vị tướng đội mũ ba sừng, cái mũi cong lệch.

Ngoài ra, cánh cửa loại gian hàng này thường lấp kín sau những tập tranh dân gian rộng khổ, in thứ tranh ảnh thể hiện cái thiên tư của người dân Nga. Một bức vẽ nàng công chúa Miliktrisa Kirbitievna; một bức vẽ thành Jerusalem, màu đỏ tràn lên mấy ngôi nhà và nhà thờ, quệt đỏ ngầu cả một khoảng đất, và hai người mu gích[2] Nga đang cầu nguyện, tay đeo bao. Người mua những bức tranh này thường chẳng có mấy nhưng người xem thì đông vô kể.

Trong đám này thế nào cũng có một gã hầu phòng nát rượu đứng xem, mồm há hốc, tay cầm thức ăn vừa mua ở hiệu về cho chủ: chủ nó chắc chắn sẽ không phải bỏng mồm vì món xúp. Lại thế nào cũng có một anh lính, nhân vật chính của các chợ tầm tầm, tay cầm vẻn vẹn chỉ có hai con dao nhíp để chào khách, hoặc giả một chị bán hàng rong bưng một hộp đầy ních những giày.

Mỗi người thưởng thức tranh một cách riêng; mấy bác mu gích giơ tay chỉ trỏ, mấy anh lính xem xét tận nơi, vẻ nghiêm trang; mấy thằng bé đi ở, mấy chú học nghề cười đùa chỉ trỏ cho nhau xem những bức biếm họa để rồi trêu nhau; những bác hầu phòng có tuổi khoác áo dạ thô thì chỉ cốt đứng lại để ngáp; còn những cô bán hàng rong, đúng kiểu các bà mẹ nhà quê Nga, do bản năng cũng chạy đến để nghe thiên hạ bàn tán và xem người ta đang làm gì.

Đúng lúc ấy, Chartkov, một họa sĩ trẻ tuổi, đi ngang qua trước gian hàng, bất giác cũng dừng lại. Nhìn chiếc áo khoác cũ kỹ và bộ quần áo không chút cầu kỳ ta biết anh ta thuộc hạng người sống chỉ vì côngviệc, không có thì giờ nghĩ đến trang phục, tuy món này vốn là thứ hấp dẫn đám thanh niên lạ thường. Anh ta lúc đầu dừng chân trước gian hàng chỉ để cười thầm những bức tranh xấu xí nọ.

Nhưng rồi sau, bất giác, anh trở nên đăm chiêu tư lự; anh băn khoăn không hiểu những bức tranh này liệu có ai cần đến. Ừ, người dân Nga ưa chuộng những bức thư Yeruslan Lazarevich, Ngốn khỏe và Nốc khỏe, Foma và Yerema điều đó anh chẳng lấy làm lạ; những đề tài ấy rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng còn những mớ tranh tồi quét sơn dầu, màu sặc sỡ và bẩn thỉu kia thì ai mua?

Ai là người cần đến bức chân dung bác nông dân xứ Flandre, đến những bức tranh sơn thủy xanh đỏ kia, những bức tranh mặc dù được vẽ với nhiều tham vọng nhưng chỉ càng làm cho nghệ thuật thêm hổ nhục mà thôi. Đây hẳn không phải là những công trình của một đứa trẻ tự học vẽ lấy. Vì nếu thế thì dù toàn bộ có vẻ méo mó và cứng nhắc đi chăng nữa bức tranh vẫn có sinh khí.

Còn ở đây, chỉ thấy một trí óc đần độn, một sự bất tài già cỗi và bất lực, tự tiện tôn mình lên hàng nghệ thuật, lý ra chỉ xứng đáng với những nghề nghiệp hết sức thấp kém, một thứ bất tài tuy nhiên vẫn còn trung thành với thiên hướng nghề nghiệp và đã đem được những phương pháp riêng của mình vào nghệ thuật. Đâu đâu cũng lại thấy những màu nước thuốc ấy, cũng vẫn cái cách làm ấy, một thủ thuật đã thành thói quen của một con người máy thô sơ chứ không phải của một con người thật… Chartkov đứng hồi lâu trước những bức tranh bẩn thỉu ấy, đầu óc đã không còn nghĩ đến chúng nữa.

Trong khi đó, lão chủ hiệu, người nhỏ bé loắt choắt mặc áo dạ thô, bộ râu cạo từ Chủ nhật tuần trước, nãy giờ vẫn lải nhải nói với anh vừa mặc cả vừa định giá, tuy chưa hề biết anh thích bức tranh nào và muốn mua bức nào. “Mấy chú mu gích kia, bức sơn thủy này, tôi xin hăm nhăm rúp. Bức tranh thật tuyệt tác! Nhìn vỡ mắt ra vẫn chưa chán, vỡ thật chứ không ngoa đâu! Mới đem ở phòng tầm tầm về đây; nước tráng bóng hãy còn ướt. Hay là ông lấy bức tranh mùa đông này! Mười lăm rúp! Riêng cái khung thôi cũng đã khối tiền.

Ông cứ thử xem bức mùa đông này!” Nói đoạn, lão lái buôn búng nhẹ vào bức tranh một cái, ý chừng để khoe nó với khách. “Thưa ông có phải buộc cả hai bức lại rồi cho mang theo ông về nhà không ạ? Nhà ông ở đâu ạ? Ê, thằng nhỏ, đem dây ra đây.” – “Khoan đã, ông bạn! Làm gì mà vội thế!” Thấy lão lái buôn nhanh nhảu chưa chi đã bắt đầu gói mấy bức tranh, anh họa sĩ sực tỉnh, vội gạt đi. Nghĩ mình đứng trong cửahàng đã lâu mà chẳng mua gì, anh hơi ngượng, nên nói: “Ông hãy khoan một chút, để tôi xem ở chỗ này có bức nào mua được không.”

Nói đoạn, anh cúi xuống lục lọi trong đám những bức tranh cũ kỹ chất đống dưới đất, đều đã bạc phếch, bụi bặm, rõ ràng là những thứ bị coi rẻ. Ở đây, có những bức chân dung tổ tiên gia đình đã cũ lắm, con cháu những người vẽ trong tranh có lẽ ngày nay không tìm đâu thấy, có những bức, vải đã bị thủng rách, không thể đoán được là vẽ cái gì, có những cái khung đã tróc hết nước thếp vàng – nói tóm lại, đây là một mớ đủ các thứ bỏ đi.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x