
Lược Khảo Việt Ngữ – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
TIẾNG VIỆT-NAM VỀ QUÁ-KHỨ
Xét về phương-diện phát biểu văn-chương và tư-tưởng, thì tiếng Việt-Nam trong khoảng thế-kỷ thứ 18 về trước không lấy gì làm vẻ-vang cho lắm.
Sự sút kém ấy có những nguyên nhân về lịch-sử mà chúng ta sẽ xét đến sau này. Nhưng một sự hiển-nhiên là tiếng Việt-Nam xưa nay vẫn sống, vẫn là tiếng chung cho cả một dân-tộc, từ xưa đến nay, từ Nam chí Bắc. Cứ xem những câu tục-ngữ xưa và những câu ca-dao tương-truyền là có từ hồi dân ta mới lập-quốc, như câu :
« Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng »
lại xem cách ăn nói trong khắp cõi ba kỳ ngày nay, chúng ta nhận thấy tiếng Việt-Nam rất có vẻ thuần-nhất. Nếu ngôn-ngữ là phản-ảnh sự tiến-hóa của một dân-tộc, và phát-triển theo nhu-cầu của sự giao-tế trong xã hội, thì tiếng Việt-Nam từ xưa vẫn làm tròn chức-vụ ấy. Tuy vẫn giữ nguyên cốt-cách bên trong, nó đã theo thời-gian mà biến-hóa dần dần, càng ngày càng phong-phú để ứng-phó với sự sinh-hoạt hằng ngày.
Ảnh-hưởng của văn-hóa người Tàu thuở trước, mà họ đã đưa qua xứ ta theo với sức đàn-áp bằng võ-lực và chánh-trị, rất đỗi xâu-xa, nhưng tiếng nói của ta không vì thế mà mai một đi, đủ chứng rằng tự nó có một sinh lực rất mạnh-mẽ.
Nhưng trước khi chỉ rõ về hiện tại và tương-lai, những nguồn gốc của sinh-lực ấy, chúng ta hãy xét qua lịch-trình tiến-hóa của tiếng ta về quá-khứ, sự phán-đoán của chúng ta sau này căn-cứ vào lịch-sử sẽ có giá trị hơn.
Chúng ta đã biết gì về tiếng ta trước thời-kỳ Bắc-thuộc ? Thực ra, vấn-đề cỗi-rễ tiếng Nam vẫn còn mờ tối, các nhà ngữ học nghiên-cứu đã nhiều nhưng vẫn chưa khám-phá đến nơi.
Nay xem sự thành-công lanh-chóng của chữ Hán ngay từ khi mới du nhập vào xứ ta, và ảnh-hưởng sâu-xa của Hán-học trong sự đào-luyện tinh-thần dân tộc ta từ đó, cùng là sự tôn-sùng của người đời sau đối với các quan cai-trị Tàu đã có công giáo-hóa dân ta như Sĩ-Nhiếp được tôn thờ là Sĩ-tiên-vương – thì chúng ta có thể đoán rằng tiếng ta trước hồi Bắc-thuộc hãy còn thô-sơ lắm, chẳng qua là ngữ-ngôn của một bộ-lạc vừa mới di-cư đến một lãnh-thổ và bắt đầu sống yên cái đời nông-dân của họ.
Nguyên-lai tiếng nói ấy cũng đã phức-tạp lắm rồi. Đời nọ trải qua đời kia, tiếp-xúc với những dân-tộc lân-cận nên đã vay mượn tiếng lẫn nhau. Cho đến ngày nay tiếng nói của ta hầu hết phần nửa là lai Tầu, và một số ít hơn gồm những tiếng mượn của các dân Thái, Thổ, Mường, Bahnars, Polynésiens, không kể tiếng Pháp và ít nhiều tiếng ngoại-quốc mới nhập-tịch gần đây.
Dân ta ngày xưa đã có một văn-tự riêng hay không ?
Ở đây cũng thế, không một dấu-vết gì của thời xưa đem lại cho ta một câu trả lời chắc-chắn. Nếu ta cho rằng các dân Mường ở miền thượng-du Bắc-kỳ và phía bắc Trung-kỳ ngày nay đã cùng với dân-tộc ta đồng thời xuất hiện trên lịch-sử, thì chúng ta có thể đoán rằng ngày xưa ta cũng đã có một thứ chữ viết giống như chữ của dân Mường ngày nay.
Nhưng thứ chữ ấy chắc không được tiện-lợi và phổ-thông, nên không bao lâu đã bị tiêu-diệt trước thế-lực của chữ Hán, ngay từ khi nước ta bị người Tàu chinh-phục. Nhưng trải qua một đoạn lịch-sử hãy còn mờ-mịt ấy, và khi bước vào thời-kỳ Bắc-thuộc (111 trước Thiên Chúa giáng sinh) người Việt-Nam đã bắt đầu có tính-cách một dân-tộc hoan-bị.
Theo thuyết ông L. Aurousseau, trường Viễn-đông bác-cổ, thì người Việt-Nam xưa kia là giòng giống người Bách-Việt chiếm cứ miền Triết-giang bên Tầu, về đời Xuân-thu (333 tr. T.C.g.s.). sau khi bị người nước Ngô đánh vỡ, người Việt phải chạy tán-lạc về phương nam, rồi một nhánh lần-lần vào miền trung-châu xứ Bắc-kỳ. Nếu thuyết ấy là đúng, thì lớp sóng di-dân đầu-tiên ấy chắc đã hỗn-hợp với các dân-thổ ở đó và lâu đời đã hóa thành một dân-tộc thuần-nhất.
Kịp đến vài ba thế-kỷ sau, khi người Tàu trở lại chinh-phục xứ ta, thì người Việt-Nam đã bắt đầu lập thành một quốc-gia, và nhất là đã có một ngôn-ngữ thành-thục lắm rồi. Một chứng-cớ là sau khi nước ta đã ở dưới quyền đô-hộ người Tàu, bao nhiêu văn-tự và ngôn-ngữ của họ tràn vào xứ ta vẫn không làm mất được vẻ thuần-nhất của tiếng nói dân-tộc ta tự bao đời hun-đúc nên. Nó chỉ làm giàu thêm một ngôn-ngữ đã có qui-định hẳn-hoi mà sự phát-triển sẽ theo con đường nam-tiến của dân-tộc ta bành-trướng mãi mãi.
Tuy vậy ảnh-hưởng của Trung-quốc đối với ngôn-ngữ cũng như đối với lịch-sử nước ta vẫn là xâu-đậm.Là một dân-tộc có một nền văn-minh tối-cổ, và được Lịch-sử trao cho cái sứ-mệnh truyền bá văn-minh khắp cõi Á-đông, cũng như người Hy, La, trên bờ Địa trung-hải, người Tàu đã đem học-thức và kinh-nghiệm của họ gieo rắc đến những địa-vực rất xa. Dân-tộc Việt-Nam cũng như các dân-tộc Âu-châu ở thời kỳ La-mã toàn-thịnh đã hấp thu cái văn hóa của kẻ chiến thắng.
Trong những quan-lại người Tầu sang cai-trị xứ ta có lắm kẻ tuần lương như Nhâm Diên và Tích Quang đã có công khai-hóa dân ta, hoặc dậy dân bằng lễ nghĩa Trung quốc, hoặc bầy vẽ cho người mình biết dùng nông khí để cày bừa. Nhưng người có công lớn trong việc truyền-bá học-thuật Trung-quốc sang xứ ta là Sĩ Nhiếp (187-226) đương thời làm Thái-thú quận Giao-chỉ. Ông ấy là một nhà nho học uyên bác, nên nhờ ông mà việc học ở nước ta được mở mang hơn trước nhiều.
Với thời-kỳ Bắc-thuộc, cái văn-hóa tối-cổ của người Tàu đem lại cho ta đó, đã nhuần-thấm trong não-chất của người mình. Và cũng từ đó, nước ta về chính-trị cũng như về các phương-diện khác đã sát-nhập hẳn vào cái « thế-giới Trung-hoa ». Bản-chất người mình vốn thông-minh, lại ham học ham biết, có tư-cách đồng-hóa rất giỏi nên hấp-thụ văn-hóa nước Tàu một cách nhanh-chóng.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.