
Cải Cách Hồ Quý Ly – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
MỤC 2
HỒ QUÝ LY VÀ VƯƠNG TRIỀU HỒ
I. NGUỒN GỐC, LAI LỊCH
Sử cũ chép lai lịch của Quý Ly không rõ ràng về năm sinh(*) và năm mất của ông, chỉ ghi khá đầy đủ những chi tiết về nhân vật Lê Quý Ly trên chính trường Trần mạt vào cuối thế kỷ XIV và Hồ Quý Ly trong những năm đầu thế kỷ XV.
Quý Ly tự nhận mình gốc họ Hồ, thuộc dòng dõi vua Ngu Thuấn bên Trung Quốc(*).
Sách Việt sử thông giám cương mục chép: “Ông tổ của Quý Ly là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Chiết Giang, về đời Ngũ Quí (907 – 959) sang bên ta, lập ấp ở tại làng (hương) Bào Đột thuộc Diễn Châu. Về sau, Liêm di cư sang Thanh Hóa, làm con nuôi Lê Huấn, do đấy, đổi theo họ Lê”(*). Quý Ly là cháu bốn đời của Lê Liêm(*).
Theo thư tịch Trung Quốc, đất Chiết Giang là địa bàn của nước Việt thời Xuân Thu (770 – 475 TCN). Họ Hồ ở đất này có thể không thuộc dòng Hán tộc mà là người tộc Việt, thuộc một trong những tộc Bách Việt cổ, sinh sống ở vùng đất này, bên Trung Quốc ngày nay.
Như vậy, viễn tổ của Quý Ly là Hồ Hưng Dật, gốc từ ở Chiết Giang, sang nước ta làm quan(*) thuộc châu ấy, đời nào cũng làm chủ trại.
Từ khi sang sinh sống ở nước ta, dòng họ Hồ phân ra thành nhiều chi, sống rải rác ở nhiều vùng khác nhau: ở Nghệ An, Thanh Hóa, Quỳnh Lưu, Thổ Thành, Bình Định… Thuộc một chi ở Nghệ An, có Hồ Phi Phúc, sau này bị ép di cư vào đất Tây Sơn (Bình Định), sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ… Trong lịch sử nước ta, dòng họ Hồ đã từng có nhiều người nổi tiếng. Có người từng làm vua (như cha con Hồ Quý Ly; anh em, cha con Tây Sơn Nguyễn Huệ…); nhiều người làm đại thần, văn quan, võ tướng; đỗ đại khoa (như Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành…), văn thần nổi tiếng (như Hồ Sĩ Dương, Hồ Sĩ Tân, Hồ Sĩ Đống…) và nữ sĩ nổi danh Hồ Xuân Hương v.v…
Hồ Liêm là cháu 12 đời của Hồ Hưng Dật, thủy tổ của họ Hồ ở vùng Đại Lại, Thanh Hóa, sau này sinh ra Hồ Quý Ly (cháu đời thứ tư của Liêm) và Quý Tỳ (em của Hồ Quý Ly). Trong dòng họ Hồ này, đời trước Hồ Quý Ly có 2 người nữ mà Quý Ly gọi bằng cô: một người (bà Minh Từ Hoàng phi) lấy vua Trần Minh Tông sinh ra vua Nghệ Tông và một bà nữa (bà Đôn Từ Hoàng phi) cũng lấy vua Minh Tông, sinh ra vua Duệ Tông(*).
II. MỐI QUAN HỆ GIỮA QUÝ LY VÀ CÁC VUA TRẦN
Mối quan hệ gia đình giữa Hồ Quý Ly và các vua nhà Trần là điều kiện thuận lợi giúp ông bước chân vào đường hoạn lộ, ngày càng củng cố thêm vị trí chính trị, để rồi cuối cùng chiếm cả ngôi vua của nhà Trần.
Xét thế phổ nhà Trần thì thấy địa vị thích thuộc của Hồ Quý Ly với nhà vua ngày càng thêm gần gũi hơn. Do những quan hệ đó, Quý Ly đã trở nên một nhà quý tộc ngoại thích đầy thế lực.
Lúc nhà Trần còn hưng thịnh, hai người cô của Quý Ly là vợ của vua Minh Tông và một trong hai người cô của Quý Ly (bà Minh Từ) là mẹ sinh của vua Hiến Tông. Tuy vậy, quan hệ giữa vua và Quý Ly lúc này chưa thân thiết lắm và Quý Ly cũng chưa tham dự vào chức vụ của triều đình.
Đến sau này (1371), Quý Ly được vua Nghệ Tông gả cho người em gái là Huy Ninh Công chúa (bà này trước là vợ của tôn thất Trần Nhân Vinh, đang góa chồng) nên Quý Ly từ vị trí người em bà con cô cậu của vua đã trở thành em rể của vua Nghệ Tông. Lúc ấy Quý Ly đã giữ chức Khu mật viện đại sứ trong triều.
Kế nữa, đối với vua Trần Duệ Tông, người em gái họ (con của chú) của Quý Ly là vợ của vua Duệ Tông (Gia Từ Hoàng hậu). Cho nên, Quý Ly vừa là em cô cậu, vừa là em rể của vua Duệ Tông, vừa là anh họ của vợ vua Duệ Tông, tức là cậu họ của vua Phế Đế sau đó (vua Phế Đế là con của vua Duệ Tông và Gia Từ Hoàng hậu).
Đối với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, Quý Ly là em cô cậu, là em rể và sau là sui gia. Nguyên sau khi vua Trần Phế Đế bị truất rồi, con của Thượng hoàng Nghệ Tông là Trần Ngung được đưa lên làm vua (tức Trần Thuận Tông), thì Quý Ly liền gả ngay con gái lớn của mình cho vua Thuận Tông để trở thành Hoàng hậu. Và bởi mối quan hệ ấy, Quý Ly đương nhiên là ông ngoại của vua Trần Thiếu Đế sau này – vị ấu quân cuối cùng của nhà Trần.
Đối với hai vua cuối nhà Trần, vời tư cách là Phụ chính lại là cha vợ của vua (Thuận Tông) và sau cùng là ông ngoại của vua (Thiếu Đế), Quý Ly có điều kiện thuận lợi để chuyên quyền rồi giành lấy ngôi vua.
III. CON ĐƯỜNG HOẠN LỘ
Lê Quý Ly bắt đầu có mặt ở vương triều Trần từ năm 1370, đầu đời vua Trần Nghệ Tông. Lê Quý Ly tham chính dưới triều 5 đời vua cuối nhà Trần: Trần Nghệ Tông (1370 – 1372), Trần Duệ tông (1372 – 1377), Trần Phế Đế (1377 – 1388), Trần Thuận Tông (1388 – 1398) và Trần Thiếu Đế (1398- 1400).
1. Năm 1370, Quý Ly xuất thân từ vai trò Chi hậu tứ cục Chánh chưởng là một chức quan võ coi quân cận vệ mà thường chỉ có những người tôn thất mới được giao giữ chức này. Vì cô của Quý Ly (bà Minh Từ) là mẹ đẻ của vua Nghệ Tông nên ngay từ khi mới lên ngôi (tháng 11 năm Canh Tuất – 1370), vua Nghệ Tông đã dành nhiều cảm tình và rất tín nhiệm Quý Ly.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.