
Chuyện Cũ Viết Lại – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Tự Bạch (*)
Tôi sinh năm 1881 trong một gia đình họ Chu ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Cha là người đọc sách, mẹ họ Lỗ, người nhà quê, bà tự học và đạt tới trình độ có thể đọc được sách. Nghe người ta nói, lúc tôi còn nhỏ, gia đình tôi có bốn năm chục mẫu ruộng, không phải quá lo lắng về sinh nhai. Nhưng năm tôi mười ba tuổi, nhà tôi bỗng xảy ra một biến cố rất lớn (1), hầu như không còn lại gì nữa. Tôi được gửi cho họ hàng, có lúc bị gọi là đứa ăn xin. Thế là tôi quyết định trở về nhà, song cha lại lâm bệnh nặng, khoảng hơn ba năm thì ông mất. Dần dần, ngay cả khoản học phí vô cùng ít ỏi, tôi cũng không dám mơ tới, mẹ bèn chuẩn bị cho tôi một chút lộ phí, bảo tôi tìm xem trường nào không thu học phí thì vào học, bởi lẽ tôi chưa bao giờ muốn học để trở thành trợ tá hoặc thương nhân – đây là hai con đường mà con em các nhà đọc sách ở quê tôi thường đi, nếu chẳng may gia đình bị sa sút.
(1)Tức việc ông nội của Lỗ Tấn là Chu Phúc Thanh bị hạ ngục vì Khoa trường án (vụ án khoa thi).
Năm mười tám tuổi, tôi lên đường tới Nam Kinh, thi vô Thủy sư học đường, được phân vào Khoa Cơ khí. Khoảng chừng nửa năm sau, tôi lại ra đi, đổi sang học khai mỏ tại Khoáng lộ học đường, và sau khi tốt nghiệp thì được cử sang Nhật Bản du học. Nhưng tốt nghiệp xong trường dự bị tại Tokyo, tôi lại quyết chí theo học ngành y, bởi một nguyên nhân là do tôi biết chắc rằng nền y học mới có tác dụng hỗ trợ rất lớn cho công cuộc Duy tân của Nhật Bản. Vậy là tôi vào Trường Y khoa Sendai và học được hai năm. Lúc bấy giờ đang là chiến tranh Nga – Nhật. Trên phim, tôi tình cờ bắt gặp một người Trung Quốc vì làm tình báo nên sắp bị xử chém, từ đó tôi cảm thấy: Tại Trung Quốc, y học tốt cũng vô dụng, cần phải có một cuộc vận động rộng lớn… trước hết là đề xướng văn nghệ mới. Tôi bèn rút học bạ rồi về Tokyo, cùng mấy người bạn lập ra vài kế hoạch nho nhỏ, song lần lượt thất bại. Tôi lại muốn sang Đức, cũng thất bại luôn. Cuối cùng, do mẹ tôi và những người khác (1)đang trông chờ sự giúp đỡ của tôi về mặt kinh tế, nên tôi trở về Trung Quốc. Khi đó tôi hai mươi chín tuổi.
(1)Chỉ vợ chồng em trai Lỗ Tấn là Chu Tác Nhân và Habuto Nobuko (Vũ Thái Tín Tử).
Tôi vừa về nước, liền đến Trường Sư phạm lưỡng cấp của Hàng Châu, Chiết Giang làm giáo viên dạy Hóa học và Sinh học, sang năm thứ hai thì ra đi, tới làm Giám hiệu ở Trường Trung học Thiệu Hưng, đến năm thứ ba lại ra đi. Chưa biết đi đâu, tôi muốn vào làm biên dịch trong một hiệu sách, cuối cùng bị từ chối. Nhưng rồi cách mạng cũng bùng nổ, sau khi quang phục Thiệu Hưng, tôi làm hiệu trưởng trường sư phạm. Chính phủ cách mạng thành lập ở Nam Kinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục mời tôi làm nhân viên Bộ, chuyển tới Bắc Kinh, kiêm thêm chức giảng viên Khoa Quốc văn của Đại học Bắc Kinh, Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm nữ. Đến năm 1926, có mấy vị học giả tố cáo lên Chính phủ Đoàn Kỳ Thụy (1), nói tôi bất hảo, đòi bắt giữ tôi, nhờ có người bạn Lâm Ngữ Đường giúp đỡ, tôi tới làm giáo sư ở Đại học Hạ Môn, đến tháng 12 thì ra đi, tới Quảng Đông, làm giáo sư Đại học Trung Sơn, tháng 4 từ chức, tháng 9 rời Quảng Đông, từ đó sống luôn ở Thượng Hải.
(1) Đoàn Kỳ Thụy (1865 – 1936), tên thật là Khải Thụy, tự Chi Tuyền, sinh tại Hợp Phì, An Huy. Ông giữ chức Đại Tổng thống lâm thời của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1924 đến năm 1926.
Khi đang du học, tôi chỉ đăng mấy bài viết bình thường trên tạp chí. Truyện ngắn đầu tiên hoàn thành năm 1918 (1), do được người bạn Tiền Huyền Đồng khuyên nhủ, viết xong đăng lên báo “Tân thanh niên”. Khi ấy chỉ dùng mỗi bút danh “Lỗ Tấn”, song cũng hay dùng tên khác trong các bài tiểu luận. Hiện tại, có hai tập truyện ngắn đã được in thành sách: “Gào thét”, “Bàng hoàng”, một cuốn luận văn, một quyển hồi ký, một tập thơ văn xuôi, bốn tập tiểu luận, ngoài những tác phẩm biên dịch không tính, được in thành sách còn có “Trung Quốc tiểu thuyết sử lược” và “Đường Tống truyền kỳ tập” do tôi biên tập.
Ngày 16 tháng 5 năm 1930
(1)Tức truyện ngắn “Nhật ký người điên”.
(*) Lỗ Tấn tên thật là Chu Chương Thọ, tự Dự Tài, khi đi học có tên Chu Thụ Nhân. Ông là hậu duệ của nhà lý học nổi tiếng Chu Đôn Di thời Tống và còn là người cùng tông với Thủ tướng Chu Ân Lai. Cha Lỗ Tấn tên Chu Bá Nghi, mẹ tên Lỗ Thụy, Chu Tác Nhân là em thứ hai của ông. Ngoài ra, ông còn có hai người em trai là Chu Kiến Nhân, Chu Xuân Thọ và một người em gái tên Đoan Cô (mất sớm khi chưa tròn một tuổi).
Về bút danh Lỗ Tấn, chữ “Lỗ” là họ mẹ, còn chữ “Tấn” là từ bút danh “Tấn Hành” mà ông đã dùng trước đó.
Trong bài “Khởi nguyên của “AQ chính truyện” viết ngày 18 tháng 12 năm 1926, ông nói: “Bút danh tôi từng dùng không phải chỉ có một: LS, Thần Phi, Đường Sĩ, Mỗ Sinh Giả, Tuyết Chi, Phong Thanh. Trước nữa thì có Tự Thụ, Sách Sĩ, Lệnh Phi, Tấn Hành. Lỗ Tấn là kế thừa từ Tấn Hành mà sinh ra, bởi vì khi ấy, người biên tập báo “Tân thanh niên” không muốn thấy ký tên giống như là biệt hiệu”.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.