Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Nhiều năm trước, khi còn sống gần New York, tôi đã chú tâm nhiều đến một cuộc triển lãm về cuộc đời sáng tác của Ansel Adams, một nhà nhiếp ảnh lớn thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, chuyên chụp phong cảnh tự nhiên. Cũng giống nhiều người sinh thành ở miền Tây nước Mỹ, tôi luôn ưa thích những tác phẩm của Adams và cảm thấy mình trân trọng chúng hơn bất kỳ một người New York nào khác cảm thấy, vậy là tôi nắm lấy cơ hội này để được chứng kiến chúng tận mắt.

Thật không uổng công chút nào. Bất kỳ ai nhìn cận cảnh những hình ảnh này đều ngay lập tức nhận ra rằng chúng không đơn thuần là những tấm ảnh khô khan chụp toàn đất đá với cây cối, mà là những lời dẫn giải thâm trầm về cái đạo của vạn vật, về tuổi đời mênh mông của trái đất, về những lo toan hời hợt trước mắt của con người.

Cuộc trưng bày này mang lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc hơn những gì tôi mong đợi, và ngay giờ đây nó vẫn cứ lóe sáng lên trong tâm trí mỗi khi tôi phải đánh vật với một bài toán khó nhằn hoặc gặp những trục trặc trong việc phải phân định việc gì là quan trọng, việc gì là không.

Mới đây, tập phim tài liệu xuất sắc mang tên Kinh nghiệm Mỹ của nhà làm phim Ric Burns đã nhắc nhở cho công chúng xem truyền hình biết rằng, không khác gì những loại hình nghệ thuật khác, cả các tác phẩm của Adams lẫn bản thân nhân cách nghệ sĩ của ông chủ yếu đều là sản phẩm sáng tạo của một vùng miền và một giai đoạn đặc thù.

Vào đầu thế kỷ hai mươi, khi Adams còn là một cậu bé và cũng là khi biên giới được tuyên bố đóng cửa, người dân Mỹ tranh cãi một cách sôi nổi về những gì mà sự mất mát đó sẽ mang đến cho tương lai của họ. Cuối cùng, họ quyết định không muốn mình giống với châu Âu nữa, rằng một phần bản sắc của họ, và một phần ý nghĩa cuộc sống nói chung, là sự gần gũi thân thiết với thiên nhiên hoang dã.

Từ đó một biên giới mang tính ẩn dụ đã ra đời, định hình cho nền văn hóa Mỹ tới tận ngày nay – đó là huyền thoại về những chàng cao bồi, là phong cảnh bao la hùng vĩ khôn tả, là ý tưởng về cái cá nhân thô mộc. Những tác phẩm của Adams đã kề vai sát cánh cùng với phép ẩn dụ đó để đạt tới độ chín muồi, và đã tạo được sức cuốn hút bằng việc khơi gợi nơi người xem cái hoài niệm về một vùng đất hoang dã bất kham từ tận trong cốt cách của nó.

Ở châu Âu, huyền thoại về biên giới thường bị ngộ nhận là một nếp nghĩ quê mùa, tỉnh lẻ đã xưa cũ. Ý tưởng về biên giới không hẳn chỉ là một nếp nghĩ tỉnh lẻ quê mùa đã xưa cũ. Người ta cứ hay tưởng như vậy, nhất là ở châu Âu, nơi mà bản tính huyền thoại của miền Tây nước Mỹ lúc nào cũng được nhận ra một cách dễ dàng hơn so với ở chốn này, và thường được nhìn bằng một con mắt nghi ngại.

Lần đầu tiên tôi thấy ý tưởng này được trình bày trong một bài báo dài nói về châu Mỹ đăng trên tạp chí Stern khi tôi còn là một quân nhân đồn trú ở Đức vào đầu những năm 1970. Những bài báo như vậy thời nay vẫn xuất hiện với tần suất ngày càng tăng khi mà chiến tranh lạnh đã lui vào lịch sử. Nhưng nhận thức như vậy là thiếu chính xác.

Trong khi sự hợp lưu của những tác động văn hóa đã sản sinh ra những hình ảnh của Adams là sự hợp lưu độc nhất vô nhị mang màu sắc Mỹ, thì bản thân những hình ảnh đó lại không phải như vậy. Niềm khao khát có được một biên giới riêng dường như nằm lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn mỗi người, và rồi mọi người từ những vùng miền khác nhau trên thế giới và với những can cốt văn hóa khác nhau đều nhanh chóng và bằng vào trực cảm hiểu ngay ra điều này.

Chẳng ở một đất nước nào mà người ta phải đào xới thật sâu như thế mới tìm thấy được một sự trân trọng đối với cái hoang dã và một sự hòa đồng cùng với cái hoang dã. Cũng là vì nguyên do đó mà những tác phẩm của Adams được mang đi triển lãm ở khắp nơi và được đồng thanh tán thưởng.

Ý niệm về khoa học xem như một vùng biên giới rộng lớn cũng là một ý niệm muôn thuở tương tự như vậy1. Trong khi những cuộc phiêu lưu mạo hiểm nằm ngoài lĩnh vực khoa học rõ ràng là chẳng còn lại được bao nhiêu, thì khoa học lại là nơi duy nhất mà ở đó tình trạng hoang dã đích thực vẫn còn có thể tìm thấy.

Sự hoang dã ta đang nói ở đây không phải là thứ chủ nghĩa cơ hội công nghệ gớm ghiếc có vẻ như đang gây cho các xã hội hiện đại một cơn nghiện thâm căn cố đế, mà là một thế giới tự nhiên tinh khôi vốn vẫn ở đó từ trước khi loài người xuất hiện – hình ảnh khoáng đạt vô bờ bến của gã đàn ông cô đơn rong ruổi trên yên ngựa đi cùng ba chú la thồ hàng đang vượt qua ngọn suối, làm nước bắn tung tóe dưới cái nhìn chòng chọc của những chóp núi cao ngạo nghễ.

Đó là vũ điệu liên hoàn của thảm sinh thái, là quá trình tiến hóa đường bệ của những khoáng vật trên trái đất, là sự vận động nơi chín tầng mây và là sự sinh thành và băng hà của các vì tinh tú. Những tiếng đồn về sự kết liễu của một thế giới tự nhiên như vậy đã bị người đời cường điệu quá mức, và đó cũng chính là điều mà nhà văn Mark Twain muốn giãi bày.

Chuyên ngành của tôi, vật lý lý thuyết, là ngành học chú tâm tìm hiểu những nguyên nhân tối hậu của vạn vật. Các nhà vật lý đương nhiên không giữ độc quyền trong việc nghiên cứu những nguyên nhân tối hậu, vì trong một chừng mực nhất định, đó là cái mà ai ai cũng quan tâm.

Tôi ngờ rằng đó là một nét tiêu biểu mang tính truyền đời mà con người đã có được từ thời xa xưa khi còn ở vùng đất Phi châu để sinh tồn được trong một thế giới cơ lý, nơi thực sự có nhân có quả – chẳng hạn như ở việc đến gần sư tử ắt sẽ bị ăn thịt.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x