
Hồi Tưởng Về Cha Tôi Hồ Học Lãm – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Chúng tôi có hai chị em, chị sinh tháng 3 năm 1920 tại thành phố Hàng Châu tỉnh Triết Giang. Đó là một thành phố thanh bình, thơ mộng với nhiều thắng cảnh nhân tạo quanh “Tây Hồ” mang những dấu ấn lịch sử Trung Hoa.
Tôi được sinh tháng 8 năm 1930 tại Nam Kinh – thủ đô chính phủ Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu. Đây là một thành phố náo nhiệt. Hơi xa thành phố cũng có nhiều danh lam, như Trung Sơn lăng (nơi chôn cất thi hài Tôn Trung Sơn), Huyền Vũ hồ, Vũ Hoa đài, Tử Kim Sơn, v.v…
Tôi bắt đầu có trí nhớ của trẻ thơ khi gia đình đang ở chung cư Pháng Ngọc Cảng. Đó là khu chung cư bình dân, mái ngói một tầng. Cả khu có khoảng mười dãy nhà kéo dài, mỗi dãy xây làm nhiều căn hộ. Mỗi căn hộ gồm bốn phòng lớn và vài phòng nhỏ. Ở giữa là một sảnh ngăn đôi làm tiền sảnh, hậu sảnh, phía sau là nhà bếp lớn và công trình phụ.
Giữa các dãy nhà là đường qua lại rộng khoảng bốn mét. Khu nhà khá lụp xụp và tối tăm. Gia đình tôi ở chung với một gia đình viên chức Trung Quốc, mỗi gia đình ở ba phòng, cái sảnh bỏ không và chung nhau nhà bếp và công trình phụ.
Phòng lớn nhất khoảng 18 mét vuông, có một cửa ra vào nơi tiền sảnh. Phòng kê một tủ sách, một giường đôi, một giường đơn, trước giường đơn kê một bàn dài với một ghế băng. Bàn đó vừa là bàn làm việc, vừa là bàn ăn cho cả nhà. Các chú cách mạng ở phòng ngoài.
Phòng trong khoảng 13, 14 mét vuông, một cửa ra vào giữa hai phòng. Phòng trong kê một giường đôi cho mẹ và tôi, cạnh đó một giường đơn cho chị, một bàn học cho chị, một tủ áo và một chồng va li đựng áo quần mùa đông. Cuối phòng một cửa ra vào hậu sảnh.
Cửa đó liền sát cửa phòng cha tôi. Mẹ nói cha bị bệnh hen suyễn, bà mắc chứng mất ngủ, vả lại cha phải làm việc khuya, do đó hai ông bà không nằm chung. Phòng nhỏ vốn để dành cho người ở, cho nên giữa hai phòng đó không có cửa thông nhau, nhưng đó là phòng ngủ và làm việc của cha tôi. Hai gia đình ở hòa thuận và tin cậy, cho nên không mấy giữ kẽ nhau.
Hàng ngày mẹ tôi đi chợ, làm cơm nước cho cả nhà. Các chú Lê Quốc Vọng và Bùi Hải Thiệu thỉnh thoảng xuống bếp thu dọn, bổ củi giúp mẹ tôi.
Nói chung, ở khu chung cư là những cư dân viên chức hoặc công nhân. Ban ngày mọi người đều đi làm, cho nên khá yên tĩnh, trẻ con kết nhau từng đàn nô đùa, các bà nội trợ cơm nước, giặt giũ. Buổi tối tương đối huyên náo hơn.
Gia đình tôi ngoài chúng tôi ra còn có “con Xù”, đó là một con chó lông vàng nâu rất “đẹp trai”, nó có đôi mắt rất tinh khôn và tình cảm. Hàng ngày chú Quốc Vọng và chú Hải Thiệu chăm chút miếng ăn cho nó. Nó cũng là một thành viên đáng kể của gia đình.
***
Đối với tôi, từ ngày sinh ra đời là một chuỗi những ngày tháng trôi đi, không để lại mảy may dấu ấn gì về sự tồn tại của mình trong ký ức… Những tiếng cười vang, tiếng hò la dượt đuổi dưới nắng hè ngoài sân, khi thì mấy cái đầu chụm vào nhau chơi đất cát, mồ hôi nhễ nhại và tiếng nói thầm thì. Những hình ảnh đó mờ mờ ảo ảo, lúc ẩn lúc hiện trong trí nhớ….
Cho tới một buổi chiều chạng vạng tối, mẹ gọi về ăn cơm. Tôi từ sau nhà chạy vút qua bếp như mũi tên lao vào hậu sảnh, rồi bỗng đột ngột dừng chân rón rén đi qua căn phòng ngủ của cha tôi. Cửa phòng cha nửa mở nửa khép, tôi liếc mắt ngó vào, thấy ông đã ngồi trước bàn dưới ánh đèn, tay phải cầm bút lông, tay trái cầm điếu thuốc lá, ông đang cặm cụi viết gì đó, thỉnh thoảng húng hắng ho nhẹ.
Tôi chỉ nhìn thấy cái lưng hơi hơi gù với cái gáy húi cua điểm nhiều tóc bạc. Bỗng một tình cảm xót xa trào dâng: “Sao thầy làm việc nhiều thế nhỉ, chẳng thấy thầy nghỉ ngơi gì cả, thầy không thấy mệt hay sao? Mình chạy nhiều cũng mệt…”. Từ hôm đó, trí nhớ trẻ thơ trỗi dậy, lần lượt in những ký ức tuổi thơ vào cái đầu ngây thơ và tôi bắt đầu để ý căn phòng nhỏ của cha sau mỗi lần từ bếp chạy qua để lên nhà trên. Đó là căn phòng nhỏ hình chữ nhật, rộng khoảng 6 – 7 mét vuông.
Một giường đơn kê dọc gần sát cửa ra vào, phía đầu giường đặt một cây móc áo, cuối phòng kê một bàn làm việc chồng đầy sách báo, một nghiên mực với một cái ống đựng các loại bút lông (cỡ viết chữ to và chữ nhỏ) và một cái ghế. Khi ông đi làm, phòng khép hờ, trong phòng tối om, quần áo dài thường phục treo trên cây móc áo. Buổi chiều đi làm về khoảng 6 giờ, ông trút bỏ bộ quân phục treo lên cây móc áo và thay quần áo thường phục, ngồi trước bàn làm việc.
Sáng sáng, ông thay bộ quân phục đi làm, không kịp ăn sáng ở nhà. Mười một giờ rưỡi trưa ông về, ăn vội vài bát cơm rồi vào phòng nghỉ; Khoảng một giờ chiều lại đi, đến mùa đông khi xâm xẩm tối mới về nhà. Buổi tối, cha tôi ăn cơm thư thả và trò chuyện vui vẻ với mọi người. Nói chung ông ít nói, đi đứng khoan thai, chậm rãi, nói năng điềm đạm, từ tốn và hòa nhã.
Thân hình ông đẫy đà, nhưng hơi thở hổn hển, dáng vẻ mệt mỏi, già nua. Nhìn cha, tôi không khỏi cảm thấy tiếc: Sao thầy trông già hơn mẹ nhiều thế nhỉ? Ước gì ông trẻ như mẹ thì hay bao nhiêu. Thực ra cha tôi chỉ hơn mẹ tôi có chín tuổi thôi. Điều đó chứng tỏ ông làm việc lao lực quá và sức khỏe yếu.
Sau bữa cơm tối, khoảng 8 giờ ông lại vào phòng riêng làm việc tới khuya. Cả nhà hai người làm việc cần cù nhất, đó là cha tôi – làm việc nuôi sống cả nhà và chị tôi – đi học ngày hai buổi, tối lại học tận khuya mới đi ngủ. Người ngủ sớm nhất và dậy muộn nhất chỉ có tôi thôi và chỉ biết nô đùa suốt ngày cùng bạn bè ngoài sân, ngoài đường.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.