Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

TRỊNH-BÁ THẮNG ĐOẠN

Lỗ Ẩn-công năm đầu (721 trước tây-lịch)

XUÂN-THU. – Mùa hạ tháng năm, Trịnh-bá thắng Đoạn tại Yển.

TẢ-TRUYỆN. – Ngày trước, Trịnh Võ-công cưới vợ tại Thân, tên Võ-Khương tức là Khương-thị. Sanh ra Trang-công và Cung-thúc Đoạn. Vì Trang-công hoành-sang nên Khương-thị sợ hãi mới đặt tên là Ngô-Sanh. Rất ghét chỉ yêu Cung-thúc Đoạn muốn lập làm thế-tự. Nhiều lần xin với Võ-công không được.

Khi Trang-công kế-vị, Khương-thị xin cho Đoạn ấp Chế. Từ-chối : « Chế là đất hiểm. Xưa Quốc-thúc bị chết tại đó. Nếu muốn ấp khác, xin vâng. » Mới xin ấp Kinh-thành, vì vậy Đoạn được làm Kinh-thành Thái-thúc.

Thái Trọng (đại-phu của Trịnh) can rằng : « Đô-thành (của đất phong) lớn quá trăm trĩ có hại cho nước. Theo pháp-chế của tiên-vương kinh-thành (của đất phong) lớn nhất không được quá một phần ba kinh-đô ; đô-thành vừa không quá một phần năm, độ nhỏ không quá một phần chín. Nay, Kinh-thành không đúng theo pháp-chế của tiên-vương. Rồi chúa-công không kham nổi đâu ! ». Trang-công đáp : « Đó là ý muốn của mẹ ta. Làm sao từ-chối để tránh tai-hại được ? ». Thái Trọng thưa : « Với lịnh bà bao nhiêu cũng không vừa. Liệu sớm thì hơn. Để lâu ăn lan dần. Dài ra sẽ khó trừ. Cỏ dại còn khó trừ huống chi là em ! ». Trang-công bảo rằng : « Làm nhiều điều bất nghĩa là tự mua cái chết. Hãy chờ xem ! ».

Sau, Thái-thúc bắt-buộc quan cai-trị hai đất Bỉ (Tây-Bỉ và Bắc-Bỉ) theo phe để hai lòng với Trang công. Thuế-má chỉ đưa về có phân nửa. Công-tử Lữ (đại-phu nước Trịnh) thưa rằng : « Nước nhà không chịu nổi sự chia đôi. Chúa-công nên liệu định. Như cho Thái-thúc hai ấp đó, xin cho phép thần theo thờ Thái-thúc. Bằng không, trừ ngay đi. Để lâu, lòng dân sẽ sanh biến. » Trang-công đáp : « Không sao ! Rồi cũng sanh biến. »

Sau khi đánh thuế hai ấp Bỉ, Thái-thúc đến đất Lẫm-diên. Công-tử Lữ lại thưa : « Bây giờ nên trị ! Để lâu sẽ có hậu thuẫn rồi đắc nhơn tâm. » Trang-công đáp : « Bất-nghĩa không hậu. »

Tu-bổ xong thành-lũy, Thái-thúc họp dân chúng trau giồi khí giới sửa soạn quân sĩ xa giáp. Khương-thị xúi Thái-thúc mưu phản để đoạt ngôi. Khi biết ngày giờ định thi hành, Trang-công bảo : « Được ! » Rồi sai công-tử Lữ đem 200 chiến xa đánh vào ấp Kinh. Dân chúng ấp Kinh phản Thái thúc Đoạn, Đoạn chạy qua xứ Yển. Trang-công vây xứ Yển tháng năm, ngày tân sửu, Đoạn chạy ra xứ Cung.

Xuân-Thu chép : « Trịnh-bá thắng Đoạn tại Yển. » Đoạn không hiếu đễ, cho nên Xuân-Thu không dùng chữ « em của Trịnh-bá ». Vì coi như hai chư hầu tranh đua nhau nên viết « thắng » (chớ không nói « phạt »). Lại chép « Trịnh-bá » (theo lẽ là Trịnh-Trang-Công) là có ý chê không biết dạy em. Xuân-Thu không chép « chạy » (xuất bôn) là biết ý Trang-công muốn giết Đoạn. Tuy biết phản mà để vậy cho có loạn, đó là cố giết. Không chép những chữ ấy, Xuân-Thu cho biết Trang-công cố tâm, Đoạn không thể nào thoát khỏi.

*

LỜI BÀN. – Người câu phụ phàng con cá, cá nào phụ được kẻ đi câu ; thợ săn phụ phàng con thú, thú nào phụ được thợ đi săn ; Trang-công phụ phàng Cung-thúc Đoạn, Đoạn nào phụ được Trang-công ? Uốn lưỡi câu và tra mồi để gạt cá là do kẻ đi câu ; đào hầm, cặm bẫy để lừa thú là do thợ đi săn. Vậy mà không trách kẻ đi câu, trở lại chê cá ăn mồi ; không trách thợ săn, trở lại cười thú mắc bẫy, trong thiên hạ có lẽ nào như vậy hay chăng ?

Tánh của Trang-công : ngoài đố kị, trong nham hiểm, coi thường ruột thịt như kẻ khấu thù, như quân nghịch tặc chực hãm vào đường chết ; vì vậy mới che giấu máy lòng khiến cho người khinh lờn, vì vậy mới dung dưỡng sự ham muốn khiến cho người buông lung, vì vậy mới nuôi nấng điều quấy khiến cho thành hình ác. Để cho mua sắm nhiều binh khí và xa giáp tức là mồi câu của Trang-công ; để cho chiếm thành cao quá trăm trĩ và đất của hai ấp Bỉ tức là hầm bẫy của Trang-công. Còn như Đoạn ngu mê và không hiểu biết thì chẳng qua là cá là thú, có lý nào gặp mồi lại không đớp, có lý nào thấy bẫy lại không sa vào hay sao ? Đưa Đoạn vào đường nghịch rồi trở lại tiêu diệt sự nghịch, dưỡng nuôi sự phản để chinh phạt sự phản, thật Trang-công dụng tâm nham hiểm quá ! Trang-công nghĩ rằng : « Gấp rút trị tội thì ác kia chưa tượng hình, thiên hạ không cảm phục, hoà hưỡn mà trị, tội ác sẽ rõ bày, không còn ai dị nghị. » Ban sơ không han hỏi đến là muốn cho Đoạn phạm tội to đặng dễ giết chớ nào ngờ tội của Đoạn mỗi ngày mỗi to thì ác của Trang-công mỗi ngày mỗi lớn, tội của Đoạn càng nặng thì ác của Trang-công lại càng sâu. Người ta chỉ thấy Trang-công muốn giết một mình Cung-thúc Đoạn mà thôi, còn ta lại cho rằng : sau khi phong Đoạn về ấp Kinh, trước ngày thắng Đoạn ở xứ Yển, thì Trang-công sắp tâm chứa mưu không giây phút nào quên được Cung-thúc Đoạn. Nảy ra một ác ý là giết một đứa em thì nảy trăm ác ý là giết trăm đứa em như thế thì ác của Trang-công phải to hơn tội của Đoạn rất nhiều chăng ?

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x