
Đất Phương Nam Ngày Cũ – Web tải sách miễn phí ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
THƯƠNG QUÁ, BÀN TAY ĐEN CỦA MÁ!
1.
“Hồi ngoại còn sống, những lúc rảnh việc phơi lụa, ngoại thường kể chuyện về má…” Khan nói giọng buồn buồn với Khát như vậy. Mỗi lần lên chùa lạy Phật, “xin keo”, trên đường về, bao giờ hai đứa cũng cùng im lặng trong suy nghĩ giống hệt nhau: “Cái tên khởi sự từ “Kh”, có phải đó là điềm vận mạng gắn liền với “khổ” cuộc đời chăng?”.
Còn cha còn mẹ thì hơn
Mất cha mất mẹ như đờn đứt dây.
(Ca dao)
Hai đứa ngu ngơ không biết và chẳng ai giải mã giúp hai đứa biết tường tận, kể cả sư cụ chùa Từ Vân.
Ánh sáng tù mù khói muội đèn thiếu sức soi tỏ mặt người, nói chi tới cảnh vật xung quanh. Bóng Khan chập chờn in vách lá. Bằng đôi tay người thợ, Khan đưa kén vào nồi nước đun sôi; tiếng nước réo ùng ục hay tiếng kén đau trở dạ để người thợ kéo mối tơ mắc vào bánh xa quay! Khan lụi hụi, một tay cầm đôi đũa khuấy “liên tu” nồi kén, một tay quay đều “bất tận” đầu bánh xe. Dừng tay khi, chỉ còn lại xác con tằm và Khan thì, thở hổn hển, mồ hôi vã ra như tắm.
Khan ngồi dựa lưng cột nhà. Đêm sắp tàn canh!
***
Hai Hậu mồ côi từ nhỏ. Hàng xóm rủ nhau chuyền tay nuôi gọi là “nuôi chuyền” và bú vú dạo, gọi là “bú nhép”. Tới tuổi nhổ giò, Hai Hậu theo những người anh em rời đất Tịnh Biên lên Vồ thuộc núi Cấm, không mần ăn mà mần quốc sự. Cuộc chống Tây bất thành, Thiên Địa hội tan rã nhưng, bọn Tây cũng không thể nào càn và chiếm được Năm Vồ[3], còn gọi Năm Chỏm cao hoặc Năm Non trên núi Cấm. Hai Hậu cùng một ít người anh em nương náu ở miếu Gia Long[4] và lẩn trốn trong khu rừng cây Thiên tuế, tiều phu hay gọi “vồ Thiên Tuế”. Chịu không thấu “sơn lam chướng khí” của vùng núi non Thất Sơn huyền bí, đôi lần, Năm Thiệt, Sáu Thà dợm rủ Hai Hậu quay về Tịnh Biên nhưng, ngại lộ tông tích. Bí lối, cả ba đồng lòng trốn xuống miệt Tân Châu sống nghề cơ bắp, kiếm cái ăn đắp đổi qua ngày.
2.
– Bậu ngó gì ngó “người ta” dữ vậy!
Tư Nghĩa liến thoắng hỏi Hai Hậu, trong lúc đôi tay của Tư tỉ mẩn kéo từng đường tơ, xe chỉ thành từng sợi liền lạc và hầu như, không mắc phải một mối nào bị lỗi.
– Tui ngó bàn tay của “người ta”! Bàn tay đẹp mĩ miều làm nên lụa láng mịn: “Ấm những ngày trời se se lạnh và mát những ngày nắng hầm hập nóng!”.
Tư nghe tiếng đặng tiếng được bởi âm thanh khung cửi dệt rầm rập, lấn át lời Hai Hậu.
Chiều bảng lảng trên cánh đồng dâu bát ngát! Chợt, có tiếng chàng trai cất giọng hò ướm mời cô Tư Nghĩa:
Trai nào hiền bằng trai Hai Huyện
Tháng ngày chuyên dệt lụa trồng dâu.
(Ca dao)
Như thể cầm lòng không đậu, Tư mạnh dạn hò đáp trả liền miệng, người Tân Châu gọi là “hò môi”:
Gái nào thảo bằng gái Tân Châu
Thờ cha kính mẹ quản đâu nhọc nhằn.
Chàng trai bên kia liếp vườn mặc nưa, nín bặt.
Tự dưng, Hai Hậu cảm thấy lòng mình se thắt lại. Nhỏ lớn, Hai không quen nói thơ, nói truyện thì nói chi tới biết hò môi, hát miệng… nên lòng luống những bán tín bán nghi. “Trai Hai Huyện” là trai gì mà “tháng ngày dệt lụa trồng dâu”? Vậy, trai như mình chả lẽ không phải trai trồng dâu dệt lụa? Trời khuya lắc khuya lơ, Hai thao thức không sao chợp mắt được. Biết thằng đệ đương sa vào “tình trường” vì đã phải lòng Tư Nghĩa, Năm Thiệt lồm cồm lật mí nóp, bò dậy. Huynh đệ nói chuyện thầm. Ngoài kia, sóng sông Tiền dội bờ lúc nhặt lúc khoan như thông nỗi cảm hoài cùng người xa xứ. Năm Thiệt nói:
– Theo bậc cao niên và giới thương hồ ở Chợ Mới (An Giang) thì Hai Huyện còn được gọi miệt Chợ Thủ hoặc miệt Cù lao Ông Chưởng; cũng có người lầm tưởng Chợ Thủ là chợ ở miệt Thủ Dầu Một. Ông Chưởng chính là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh[5]. Chẳng có chi phải lo, dẫu rằng đệ chưa ở rể:
Công anh làm rể đốn rào
Tào lao phất ngọn, chớ nào vợ anh.
(Ca dao)
Thấy thằng đệ bó gối ngồi cú rũ, Năm Thiệt nhắc câu Tư Nghĩa thường khi hò:
Giả đò mua khế bán chanh
Giả đi đòi nợ thăm anh đỡ buồn.
(Ca dao)
Trời rựng sáng. Tiếng cười giỡn rộ mé bến sông của “đàn thôn nữ” đang xả lụa. Ý chừng có tiếng cô Tư hò, nhờ gió sớm gửi đến cho ai đó:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
(Ca dao)
***
Mỗi lần má nó vạch vú mớm sữa, con bé giẫy nẩy không bú dù miệng khô, khát sữa… Tư Nghĩa lặng người, nhỏ từng giọt buồn trôi theo dòng nước mắt ướt má con. Con bé năm tháng tuổi, kinh hãi khi nhận ra cái màu đen tuyền phủ đôi bàn tay không thấy móng. Ngoại đặt tên cháu là Khan. Có lẽ, vì thương ba của cháu, ngoại tỏ ý trách cao xanh: Thằng rể không phải kẻ gian, sao nỡ xử nó cái kiểu “Trời bất dung gian”! Còn bọn gian, nhiều hơn mặc nưa vào mùa trái giữa tháng Năm lịch nhà nông thì, trời giả lơ ngoảnh mặt?
Hễ thấy bàn tay đen kịt của má, nó khóc ngất. Từ đó, người mẹ không dám gần con, sợ làm tuổi thơ của con kinh động.
Ngoại kể rằng, cả xóm Long Hưng hầu như là “Ăn cơm đứng” bởi, “Mần ruộng ăn cơm nằm/ Nuôi tằm ăn cơm đứng” (Tục ngữ). Thời con gái má Tư của nó nổi tiếng giỏi giang. Ngoại đẻ ba đứa con, chết hai… Tuy má Tư thứ tư nhưng, thứ tư đó là một. Ông ngoại mất sớm vì lao lực. Bà ngoại cùng con gái, đùm túm nhau sống; chí thú theo nghề nuôi tằm, dệt lụa trong xóm lụa nức tiếng lãnh Mỹ A.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.