Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

TRUNG CẬN ĐÔNG – MỘT KHU VỰC ĐỊA LÍ – LỊCH SỬ VĂN HOÁ

1. Khái niệm Trung Cận Đông
Trung Cận Đông là tên gọi mà các nước phương Tây dùng để chỉ vùng lãnh thổ, nơi tiếp giáp của ba châu lục: Á, Âu và Phi. Trung Cận Đông thường được xem là một khái niệm có tính chất ước lệ: biên giới khu vực thay đổi hoặc theo đặc điểm của giai đoạn lịch sử cụ thể, hoặc theo quan niệm tôn giáo, quan điểm chiến lược của từng nước. Tuy nhiên, trong sự đa dạng đó người ta vẫn có cái chung nhất. Dù quan niệm theo cách nào, Trung Cận Đông cũng bao gồm các nước Đông Bắc Phi và Tây Nam Á sau:

– Đông bắc Phi: Ai Cập và Libya.
Bán đảo Arập: Arập Xêut, Kuwait, Bahrain, Qatar, Oman, Yemen, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất)
Vùng lưỡi liềm phì nhiêu: Israel, Jordan, Iraq, Libăng, Syria.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (gồm cả phần châu Á và châu Âu).

Toàn bộ các nước này chiếm diện tích khoảng 9 triệu cây số vuông và dân số khoảng 290 triệu người (xem bảng 1).

Các nước Bắc Phi Algeria, Tunisia, Morocco cũng thường được coi là các nước Trung Cận Đông vì cùng là các nước Ảrập,gắn bó về mặt lịch sử và văn hoá với các nước trong khu vực trong suốt thời kì lịch sử dài trong thành phần các đế quốc Ảrập và Osman. Sudan, do sự gắn bó chiến lược với Ai Cập, đôi khi cũng được xem là thành viên khu vực. Cận kề với Iran, Afghanistan và Pakistan cũng được xem là thuộc khu vực này trong một thời gian dài. Ngoài ra, Hy Lạp, Cyprus và các nước Hồi giáo thuộc Liên Xô trước đây nhiều khi cũng tự coi mình thuộc khu vực Trung Cận Đông. Mỗi nước đều có lí lẽ riêng xuất phát từ quan điểm lịch sử hay tôn giáo.

Để hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề, cần tìm hiểu thêm về lịch sử của khái niệm. Trung Cận Đông là một từ ghép, trong đó khái niệm Cận Đông ra đời trước và từng tồn tại độc lập nhiều thế kỉ. Khái niệm Cận Đông bắt nguồn từ quan niệm về địa lí thời trung đại của các nước ven Đại Tây Dương và tây Địa Trung Hải như: Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và các quốc gia thành thị Italia.

Thoạt đầu, thương nhân các nước này gọi vùng ven bờ phía đông Địa Trung Hải mà họ có quan hệ buôn bán là vùng Cận Đông. Khái niệm này dẫn dần được mở rộng cho các vùng lân cận và trở thành một khái niệm địa lí phổ biến. Dần dần, các nước lớn khác như: Nga, Áo và Đức cũng chấp nhận và sử dụng khái niệm này. Cận Đông trở thành một một khái niệm chung, có tính chất quốc tế.

Vào thế kỉ XVI, toàn bộ vùng Cận Đông nằm trong đế quốc Osman gồm lãnh thổ trải trên ba châu lục, nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương và, qua Ấn Độ Dương, với Thái Bình Dương. Trên bản đồ thế giới ngày nay, lãnh thổ đế quốc Osman bao gồm một phần của Áo, Hungary và toàn bộ bán đảo Balkan ở châu Âu, tất cả các nước Ảrập kể cả Israel ở Tây Á, một phần Iran và các nước vùng Kavkaz thuộc Liên Xô cũ, các nước Bắc Phi và các đảo chiến lược trên Địa Trung Hải.

Từ nửa sau thế kỉ XVII, đế quốc Osman bắt đầu suy yếu. Quá trình suy sụp của nó kéo dài hơn một thế kỉ và kết thúc bằng sự tan rã hoàn toàn sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Trong thời kì này, các cường quốc châu Âu tăng cường xâm nhập và tranh giành ảnh hưởng ở đế quốc Osman. Mọi vấn đề tranh chấp giữa các cường quốc châu Âu quanh vấn đề tranh giành ảnh hưởng ở đế quốc Osman đều được gọi là “vấn đề phương Đông”.

Nhiều quốc gia dân tộc đã phát triển từ sự tan rã dần của đế quốc Osman. Trong quá trình hình thành các quốc gia dân tộc ở vùng Balkan, bán đảo Balkan tách khỏi vùng Cận Đông và được gọi là Đông Nam Âu. Đồng thời, châu Âu bắt đầu sử dụng khái niệm Trung Đông để chỉ vùng giữa đế quốc Osman và vùng Viễn Đông, gồm các nước không giáp Địa Trung Hải như Iran, Afghanistan và Ấn Độ.

Trung Đông và Cận Đông được sử dụng để chỉ hai khu vực địa lí kề nhau trong một thời gian khá dài. Sau đó, từ ghép Trung Cận Đông ra đời do những tương đồng về địa lí, lịch sử và văn hoá của khu vực.

Dần dần, trong thuật ngữ chính trị người ta hay dùng khái niệm Trung Đông với nghĩa bao gồm cả vùng Cận Đông. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Anh đã dùng khái niệm Trung Đông để chỉ vùng lãnh thổ từ Nam Á đến Bắc Phi và đặt Bộ chỉ huy quân sự Trung Đông tại Ai Cập. Từ đó, khái niệm Trung Đông được sử dụng chính thức trong ngôn ngữ chính trị quốc tế, như một thói quen vì nó đơn giản và tiện lợi hơn. Tuy vậy, Trung Đông và Cận Đông vẫn tách bạch trong các công trình nghiên cứu do ý nghĩa lịch sử của chúng. Ở nhiều trung tâm nghiên cứu và trường đại học trên thế giới, người ta vẫn dùng khái niệm Trung Cận Đông để xác định ranh giới khu vực.

Trong sách này, chúng tôi dùng khái niệm Trung Cận Đông để chỉ toàn bộ khu vực Trung Đông và Cận Đông, nhưng đôi khi, để đảm bảo tính chính xác của lịch sử chúng tôi dùng riêng khái niệm Trung Đông và Cận Đông. Ngày nay, đại đa số chính trị gia cũng như báo chí Âu – Mĩ đều dùng khái niệm Trung Đông để chỉ cả khu vực Trung Cận Đông. Vì vậy, đôi khi chúng tôi cũng dùng khái niệm này khi dẫn hoặc nhắc tới lời của một nhân vật lịch sử nào đó.

2. Tính thống nhất của khu vực

Những đặc trưng cơ bản của một vùng chuyển tiếp kết hợp với những thành tố bản địa đặc biệt tạo thành tính đồng nhất độc đáo của khu vực Trung Cận Đông. Ở đây, có thể thấy sự gắn bỏ, hoà quyện và tác động lẫn nhau của các yếu tố địa lí, lịch sửvà văn hoá.

Không có vùng nào khác trên thế giới có vị trí chiến lược đặc biệt như Trung Cận Đông: ba châu lục gặp nhau và hoà nhập quanh một biển trung gian biển Địa Trung Hải, nơi có thể nối liễn hoặc chia cắt ba đại dương (Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương).

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x